Hoạt động fintech tại Việt Nam
Tại Việt Nam, xu hướng phát triển fintech được thể hiện rõ nét qua việc các công ty khởi nghiệp công nghệ, các tổ chức không phải là ngân hàng (non-banks) có thế mạnh công nghệ tham gia vào các mảng hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính (công ty fintech) dưới hình thức phát triển các giải pháp hỗ trợ hoạt động ngân hàng mà không trực tiếp cung ứng dịch vụ tới người dùng cuối (end-users), hoặc trực tiếp cung ứng giải pháp mới một cách độc lập.
Cụ thể hơn, một vài năm gần đây đã chứng kiến sự hình thành và phát triển của số lượng lớn các công ty fintech tham gia vào nhiều mảng, lĩnh vực hoạt động khác nhau như thanh toán, cho vay ngang hàng (P2P Lending), chấm điểm tín dụng, quản lý tài chính cá nhân,... Lĩnh vực fintech còn thu hút được sự tham gia của nhiều công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước, thường là các công ty có thế mạnh về công nghệ thông qua các hoạt động trực tiếp đầu tư hình thành các công ty fintech; hay gián tiếp thông qua thành lập các quỹ đầu tư, tạo vườn ươm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp fintech.
Việc xây dựng cơ chế, chính sách liên quan tới fintech tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm có kiểm soát. Theo đánh giá của chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước mới tập trung vào việc theo dõi, nghiên cứu thị trường và các kinh nghiệm quốc tế. Tuy nhiên, có một số ngoại lệ như trong lĩnh vực thanh toán, cơ sở pháp lý đã được phát triển khá sớm và hình thành cơ bản đầy đủ.
Những năm qua, Chính phủ đã ban hành các nghị định quy định liên quan đến hoạt động thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán. Bắt đầu từ Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt. Sau khi tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định này, cùng với sự thay đổi của thị trường, Chính phủ đã bổ sung quy định các tổ chức không phải ngân hàng được Ngân hàng nhà nước (NHNN) cấp phép sẽ được tham gia cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán tại Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016.
Về phía NHNN, ngày 11/12/2014, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, sau đó là Thông tư số 23/2019/TT-NHNN ngày 22/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39. Hai văn bản này quy định chi tiết về hoạt động thanh toán, trong đó có điều kiện để được nhận giấy phép cung ứng hoạt động trung gian thanh toán cũng như quy định về hoạt động cung ứng ví điện tử.
Gần đây, Việt Nam đã có những động thái chủ động hơn trong việc quản lí và hỗ trợ cho lĩnh vực Fintech như: Chính phủ ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 9/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (dưới 10 triệu đồng/tháng); Thống đốc NHNN ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 4/12/2020 sửa đổi Thông tư số 23/2014/TT-NHNN, trong đó cho phép áp dụng thử nghiệm công nghệ định danh điện tử (e-KYC) để mở tài khoản thanh toán có lượng giao dịch nhỏ (dưới 100 triệu/tháng), hay Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 cho phép các ngân hàng thực hiện hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử với những khoản vay giá trị nhỏ (dưới 100 triệu đồng).
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 6/9/2021 thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. NHNN cũng đang nghiên cứu để hình thành một trung tâm đổi mới sáng tạo fintech (Innovation Hub) với sự hợp tác của một số ngân hàng và doanh nghiệp lớn. NHNN cũng đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng nhằm hoàn thiện hệ sinh thái fintech, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai công nghệ mới và thúc đẩy hợp tác giữa các công ty fintech và hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã khẳng định cần khuyến khích hợp tác trong mối quan hệ cạnh tranh lành mạnh giữa ngân hàng và các công ty fintech và cần ban hành quy định chuẩn kết nối giữa các tổ chức tín dụng với các tổ chức công nghệ tài chính. Do đó, Việt Nam cần sớm xây dựng một khung khổ quản lý dưới hình thức Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm đối với hoạt động fintech nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nhân danh fintech, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng tài chính.
Hoạt động bảo hiểm tiền gửi trong “làn sóng” phát triển fintech
Tại Việt Nam, quyền lợi của người tiêu dùng được quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 vẫn chưa có các quy định tách riêng cho NTDTC.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) là tổ chức tài chính được Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện chính sách bảo vệ người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Thời gian qua, BHTGVN đã chứng minh hiệu quả vai trò của mình thông qua việc bảo vệ trực tiếp và bảo vệ gián tiếp người gửi tiền, cũng chính là NTDTC. Theo đó, BHTGVN bảo vệ trực tiếp người gửi tiền thông qua chức năng chi trả cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG mất khả năng chi trả; kiểm tra, giám sát rủi ro; tham gia hỗ trợ, ngăn chặn và xử lý đổ vỡ tổ chức tín dụng (TCTD); nâng cao kiến thức tài chính - ngân hàng - BHTG cho người tiêu dùng tài chính qua việc tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHTG.
Với sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền nói chung - NTDTC trong lĩnh vực fintech nói riêng, BHTGVN thời gian tới cần tích cực chuyển đổi số để phù hợp với “làn sóng” chuyển đổi số chung của ngành Ngân hàng; xây dựng, thiết kế các nghiệp vụ BHTG theo các nguyên tắc phù hợp với thông lệ quốc tế, lấy đó làm cơ sở bảo vệ tốt hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD, cụ thể:
Thứ nhất, cần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong hoạt động của BHTGVN phù hợp với tiềm lực về tài chính, nhân sự, hệ thống cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin và mạng kết nối. Đồng thời, xác định rõ chiến lược xây dựng tổ chức BHTG số hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế; đặc biệt chú trọng cấu phần đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, nhất là an ninh mạng; xây dựng, phát triển và nhất quán thực hiện văn hóa số.
Thứ hai, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ như tính phí BHTG, giám sát, và chi trả để tổng hợp, phân tích, và xử lý thông tin về các tổ chức tham gia BHTG; phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời các vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng và rủi ro gây mất an toàn hệ thống.
Thứ ba, ưu tiền truyền thông chính sách BHTG gắn với nâng cao nhận thức về tài chính cộng đồng thông qua giáo dục và phổ biến kiến thức tài chính qua các nền tảng số. Là tổ chức bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, BHTGVN có thể tham gia vào quá trình nghiên cứu, đề xuất các biện pháp phù hợp từ góc độ BHTG trong lĩnh vực mới mẻ này; đồng thời, tham gia tích cực vào quá trình tuyên truyền chính sách, kiến thức tới công chúng nhằm nâng cao nền tảng kiến thức tài chính; đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, người yếu thế ít có điều kiện được tiếp xúc với các thông tin về dịch vụ tài chính - ngân hàng với chi phí hợp lý và tránh được các rủi ro.
Thứ tư, nghiên cứu và từng bước mở rộng đối tượng của BHTG. Với các sản phẩm tài chính fintech, vấn đề quan trọng đầu tiên là cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý quản lý các hoạt động fintech để xác định rõ chủ thể tham gia, phương thức, sản phẩm dịch vụ tài chính mới nào là đối tượng của BHTG.
TH