Với những đóng góp đó, các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và công chúng kỳ vọng chính sách BHTG sẽ sớm được hoàn thiện để BHTGVN ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính quốc gia. Dưới đây là một số ý kiến ghi nhận được, Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.
Bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, góp phần đảm bảo hoạt động an toàn của các TCTD
Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Nhìn lại lịch sử của kinh tế thế giới và khu vực cho thấy, khi xử lý các cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính, tiền tệ Châu Á năm 1997 cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2007 - 2008, vai trò của tổ chức BHTG ở các nước là vô cùng quan trọng trong hệ thống an ninh, an toàn tài chính.
Đối với Việt Nam, NHNN các bộ các ngành cũng đặc biệt quan tâm tới vai trò của BHTG; chính vì vậy đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành một luật riêng về BHTG. Sau khi Quốc hội phê chuẩn Luật BHTG, NHNN đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành tham mưu trình Chính phủ ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động BHTG.
Trong vòng 25 năm qua, BHTGVN đã từng bước thể hiện vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD.
Ông Đặng Duy Cường - Tổng Giám đốc BHTGVN
Sau 25 năm hoạt động, BHTGVN đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận; góp phần đảm bảo an toàn hệ thống TCTD, củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.
Hệ thống cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động BHTG đã được ban hành đồng bộ; hệ thống quy chế, quy trình nghiệp vụ BHTG đã được hoàn thiện. BHTGVN đã có mạng lưới hoạt động ổn định với Trụ sở chính tại Hà Nội và 8 chi nhánh tại tám vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước; tuyển dụng và đào tạo được đội ngũ cán bộ có năng lực.
Về năng lực tài chính, từ 1000 tỷ đồng vốn điều lệ được cấp ban đầu, hiện nay, quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN đã tăng lên 115 lần so với quy mô quỹ được cấp ban đầu; các hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN gắn liền với vòng đời của tổ chức tham gia BHTG như: Cấp Chứng nhận tham gia BHTG, thu phí BHTG, giám sát, kiểm tra, tham gia KSĐB…được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật trong từng thời kỳ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
BHTGVN có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc góp phần duy trì sự ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), thể hiện thông qua việc triển khai các nghiệp vụ như: Cấp Chứng nhận tham gia BHTG, kiểm tra, giám sát, quản lý thu phí BHTG, tham gia kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG... Trong đó, giám sát và kiểm tra tổ chức tham gia BHTG là hai nghiệp vụ quan trọng, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG
Chứng nhận tham gia BHTG được niêm yết tại các quầy giao dịch của tổ chức tham gia BHTG chính là “chứng chỉ niềm tin”, giúp người gửi tiền dễ dàng nhận diện và an tâm khi gửi tiền tại các tổ chức này;
Bên cạnh đó, BHTGVN cũng chủ động chuẩn bị nguồn lực, tích cực tham gia vào quá trình cơ cấu lại TCTD yếu kém theo chỉ đạo của NHNN, tăng cường vai trò trong việc tham gia hỗ trợ, xử lý các QTDND yếu kém được đặt vào tình trạng KSĐB…theo quy định tại Luật Các TCTD năm 2024.
Bà Nguyễn Thị Thu Thu - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Nghệ An
Nghệ An là địa bàn có mạng lưới các TCTD khá rộng và đi liền với đó là quy mô hoạt động của ngành vô cùng lớn, xếp thứ hạng trong top 10 về hoạt động chung của cả nước.
Nhiều năm qua, hoạt động của ngành Ngân hàng tại địa phương luôn ổn định, an toàn, có hiệu quả; tăng trưởng tốt cũng như kiểm soát tốt chất lượng tín dụng. Có được kết quả đó, chúng tôi cũng đánh giá rất cao vai trò của BHTGVN thông qua việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định, phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng trên địa bàn.
Ông Võ Văn Thanh - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng
Thời gian qua, Chi nhánh BHTGVN khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh NHNN tỉnh Lâm Đồng trong quá trình triển khai các hoạt động nghiệp vụ, trong đó công tác giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ và kiểm tra theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN được BHTGVN triển khai cũng tạo thành một kênh giám sát rủi ro độc lập, góp phần kiểm soát rủi ro hoạt động ngân hàng trên địa bàn.
Đặc biệt trong năm 2023, tại QTDND Phường II, TP. Bảo Lộc có tin đồn thất thiệt dẫn đến việc người dân đến rút tiền hàng loạt. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của NHNN Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng, trong đó có sự phối hợp, hỗ trợ của Chi nhánh BHTGVN khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, chỉ sau một tuần, tình hình bất ổn của QTDND Phường II đã chấm dứt và Quỹ đã trở lại hoạt động bình thường.
Ông Trần Văn Phán – nguyên Giám đốc QTDND Vĩnh Phong, tỉnh Kiên Giang – Một trong những QTDND được chi trả thời kỳ đầu BHTGVN mới hoạt động
BHTG là chính sách thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người dân, các tổ chức tín dụng, trong đó có các quỹ tín dụng nhân dân như Quỹ Vĩnh Phong chúng tôi.
Thông qua chính sách BHTG, niềm tin của người gửi tiền ngày càng gia tăng, giúp bà con tín nhiệm, tin tưởng gửi tiền vào các quỹ. Có như vậy quỹ mới huy động được vốn hỗ trợ các thành viên và hoạt động của quỹ ngày càng phát triển.
Khi QTDND Vĩnh Phong dừng hoạt động, BHTGVN đã đứng ra chi trả đầy đủ cho người gửi tiền theo quy định của pháp luật, từ đó giúp duy trì an toàn, trật tự xã hội tại địa phương.
Ông Lê Trọng Quý - Người gửi tiền (Xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang)
Khi hay tin QTDND Vĩnh Phong ngừng hoạt động, tôi rất lo lắng không biết tiền của mình còn hay là đã mất. Tôi đã lập tức đến quỹ để tìm hiểu thêm thông tin và được cán bộ quỹ cho biết về chính sách BHTG của Đảng và Nhà nước, cho nên tôi đã an tâm chờ đến ngày BHTGVN tổ chức chi trả theo thông báo.
Tôi rất vui mừng vì đã nhận lại đầy đủ cả gốc và lãi số tiền tiết kiệm tôi gửi ở quỹ. Tôi gửi lời cảm ơn đến Đảng, Nhà nước và BHTGVN vì đã bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền chúng tôi.
Tầm nhìn và kỳ vọng
Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Thời gian qua, Quốc hội đã phê chuẩn Luật Các TCTD năm 2024 để tăng cường năng lực quản lý, chủ động từ sớm từ xa nhằm cảnh báo cũng như có các giải pháp xử lý khi TCTD có vấn đề. Trong đó, có một số nội dung liên quan đến Luật BHTG.
Hiện nay, NHNN đang chủ trì, phối hợp với các bộ ngành để tham mưu, đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật BHTG. Chính vì vậy, Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN mong rằng tập thể lãnh đạo BHTGVN sẽ tập trung nghiên cứu để tham mưu cho Ban lãnh đạo NHNN Dự thảo Luật BHTG phù hợp với kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam, đặc biệt là các quy định tại Luật Các TCTD năm 2024 và các quy định khác của pháp luật.
Bên cạnh đó, Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN cũng mong muốn BHTGVN sẽ tập trung thực hiện các giải pháp, các chính sách trong lộ trình đặt ra tại Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó tập trung vào nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành để đảm bảo phát huy vai trò ngày càng quan trọng của BHTGVN.
Ông Phạm Bảo Lâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị BHTGVN
Phát huy những kết quả đạt được trong 25 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể Ban lãnh đạo, cán bộ, người lao động BHTGVN sẽ nỗ lực quyết tâm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao để bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền; đóng góp tích cực vào sự phát triển an toàn, lành mạnh hệ thống các TCTD.
Để đạt được mục tiêu này, BHTGVN sẽ tích cực nghiên cứu tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật BHTG phù hợp với Luật Các TCTD nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để BHTGVN triển khai nghiệp vụ và tham gia có hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại TCTD; đa dạng hóa danh mục đầu tư nhằm nâng cao năng lực tài chính đáp ứng tốt hơn yêu cầu trong giai đoạn mới.
BHTGVN cũng sẽ chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo để phát triển BHTGVN thành một tổ chức BHTG hiện đại, hướng tới các thông lệ và chuẩn mực quốc tế về BHTG.
Đồng thời, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã đề ra tại Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ông Nguyễn Đức Tráng - Chủ tịch UBND xã Hồng Dụ, huyện Ninh Giang, Hải Dương
Địa phương rất ủng hộ và cho rằng việc tuyên truyền chính sách BHTG là vô cùng cần thiết; cần lan tỏa tới mọi đối tượng người dân, đặc biệt là người gửi tiền ở QTDND, để mỗi người đều hiểu rõ các quy định, quyền và lợi ích của mình được bảo vệ như thế nào, qua đó có thêm niềm tin vào hệ thống ngân hàng, vào chính sách của Đảng, Nhà nước.
Chính sách BHTG củng cố niềm tin của người gửi tiền, giúp người dân yên tâm gửi tiền vào các quỹ tín dụng nhân dân để phục vụ cho vay vào sản xuất kinh doanh, cho vay ưu đãi đối với các hộ khó khăn, cũng như thúc đẩy dòng vốn hỗ trợ phát triển kinh tế.
Địa phương rất mong BHTGVN triển khai sâu rộng các chương trình tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHTG để người dân được biết, hiểu hơn về tính ưu việt của chính sách quan trọng này.
Ông Trần Quang Hưởng - Người gửi tiền (Xã Hồng Dụ, huyện Ninh Giang, Hải Dương)
Trước khi gửi tiền, tôi cũng tìm hiểu về tình hình lãi suất cũng như hoạt động của Quỹ xem có an toàn, hiệu quả không. Tôi cũng được cán bộ quỹ tuyên truyền về việc quỹ đã tham gia BHTG, nên tôi luôn yên tâm vì đã có BHTGVN bảo vệ quyền lợi của mình.
Chúng tôi cũng không muốn gửi tiền bên ngoài, dù lãi suất cao nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể mất trắng toàn bộ số tiền gửi nếu có vấn đề gì xảy ra.
Tôi mong muốn BHTGVN tích cực tuyên truyền chính sách BHTG để người dân tại khu vực nông thôn như chúng tôi có thêm nhiều thông tin về ngân hàng và BHTG.
PV