25 năm vì quyền lợi người gửi tiền
Bà Phan Thị Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc BHTGVN cho biết, thông qua triển khai các nghiệp vụ như giám sát từ xa, kiểm tra việc chấp hành quy định về BHTG và kiểm tra chuyên sâu theo chỉ đạo của NHNN; cử cán bộ tham gia Ban kiểm soát đặc biệt; chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền và tuyên truyền chính sách BHTG, BHTGVN đã có những đóng góp nhất định nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, đảm bảo an toàn hệ thống TCTD và củng cố niềm tin công chúng đối với hoạt động ngân hàng.
Bà Phan Thị Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc BHTGVN
BHTGVN thực hiện đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi nhằm tăng cường năng lực tài chính, đồng thời đảm bảo thanh khoản khi phát sinh nghĩa vụ chi trả BHTG và bảo toàn nguồn vốn của tổ chức BHTG. Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của BHTGVN đạt trên 120 nghìn tỷ đồng, trong đó Quỹ Dự phòng nghiệp vụ đạt trên 115 nghìn tỷ đồng. Với nguồn lực này, BHTGVN có thể trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết, cũng như tham gia cơ cấu lại các TCTD.
BHTGVN hiện có mạng lưới hoạt động với Trụ sở chính tại Hà Nội và 08 chi nhánh đặt tại các vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước, sẵn sàng triển khai chính sách BHTG để bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD. BHTGVN cũng chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong hoạt động nhằm phát triển tổ chức BHTG hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế về BHTG.
Bên cạnh đó, truyền thông chính sách là một trong những nghiệp vụ quan trọng được BHTGVN tích cực triển khai đến các đối tượng công chúng khác nhau như tổ chức tham gia BHTG, người gửi tiền...để hiểu đúng, hiểu chính xác về chính sách BHTG, từ đó góp phần củng cố niềm tin công chúng đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng.
“Có thể nói, sau 25 năm thành lập và phát triển, chúng tôi đã có một cơ sở cơ bản để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, cũng như sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới” - lãnh đạo BHTGVN nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng
Đánh giá về vai trò của BHTGVN đối với hoạt động của các TCTD, đặc biệt là trong quá trình cơ cấu lại các TCTD thời gian qua, đại diện tiếng nói của các tổ chức tham gia BHTG, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH) nhận định, bên cạnh sứ mệnh bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, BHTGVN có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc góp phần duy trì sự ổn định hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng; cũng như tham gia cơ cấu lại các TCTD.
Theo đó, các nghiệp vụ như Cấp Chứng nhận tham gia BHTG, kiểm tra, giám sát, quản lý thu phí BHTG, tham gia kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG...được BHTGVN triển khai đồng, theo sát diễn biến của TCTD từ khi thành lập, đi vào hoạt động cho đến khi rút khỏi thị trường. Trong đó, giám sát và kiểm tra tổ chức tham gia BHTG là hai nghiệp vụ quan trọng, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG. Nếu chẳng may TCTD gặp sự cố về thanh khoản hay phá sản, BHTGVN sẽ chi trả cho người gửi tiền theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, chứng nhận tham gia BHTG được niêm yết tại các quầy giao dịch của tổ chức tham gia BHTG chính là “chứng chỉ niềm tin”, giúp người gửi tiền dễ dàng nhận diện và an tâm khi gửi tiền tại các tổ chức này.
Đặc biệt, Luật Các TCTD năm 2024 đã đề cao vai trò của BHTGVN trong quá trình cơ cấu lại các TCTD với quy định BHTGVN tham gia vào quá trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém, đặc biệt là đối với hệ thống QTDND ngay từ giai đoạn can thiệp sớm.
“25 năm qua, BHTGVN đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, cũng như thể hiện trách nhiệm của mình trong việc kiểm tra, giám sát đối với các TCTD nhằm góp phần đảm bảo an toàn hệ thống” - ông Hùng khẳng định.
Bà Phạm Thị Giang Thu - Chủ tịch Trung tâm trọng tài Đầu tư và Thương mại Việt Nam
Bà Phạm Thị Giang Thu - Chủ tịch Trung tâm trọng tài Đầu tư và Thương mại Việt Nam cho biết, khi hệ thống tài chính ngân hàng gặp khó khăn thì các quốc gia đều ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền thông qua tổ chức BHTG. Đây được coi là “công cụ an dân” giúp củng cố niềm tin người gửi tiền và góp phần nhanh chóng ổn định tình hình hoạt động của các ngân hàng đang đứng trên bờ vực phá sản.
Theo bà Giang Thu, một minh chứng rõ ràng về vai trò quan trọng của tổ chức BHTG đó là trường hợp của Tổng Công ty BHTG Liên bang Hoa Kỳ (FIDC) trong những diễn biến gần đây, khi tổ chức này đã tham gia xử lý hiệu quả một số ngân hàng lớn lâm vào tình trạng phá sản, đóng cửa như: Silicon Valley Bank, First Republic Bank, Signature Bank…trong năm 2023.
Theo đó, trước nguy cơ xảy ra khủng hoảng, Chính phủ và các cơ quan trong mạng an toàn tài chính tại Mỹ đã nhanh chóng đưa ra nhiều biện pháp nhằm trấn an người gửi tiền và các bên có liên quan. Cụ thể, Bộ Tài chính, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và FDIC đã phối hợp chặt chẽ và cam kết bảo vệ tối đa quyền lợi người gửi tiền, giảm thiểu rủi ro bất ổn tài chính nhằm tăng cường niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng.
Hướng về tương lai
Bước sang một giai đoạn phát triển mới, BHTGVN được Chính phủ, NHNN giao thêm nhiều nhiệm vụ mới theo các mục tiêu, lộ trình đặt ra tại Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và theo quy định tại Luật Các TCTD 2024. Đây là vận hội để BHTGVN thể hiện vai trò, trách nhiệm ngày càng lớn hơn, nhưng cũng là thách thức đòi hỏi BHTGVN cần đổi mới, nâng cao hiệu quả trên các mặt hoạt động.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong triển khai chính sách BHTG 25 năm qua, BHTGVN cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế cần khắc phục, những khó khăn, thách thức cần vượt qua để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ được giao trong giai đoạn phát triển mới.
Bà Phan Thị Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc BHTGVN cho biết, Luật BHTG - văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động của BHTGVN sau hơn 10 năm triển khai đã bộc lộ những bất cập so với tình hình thực tế ngành Ngân hàng tại Việt Nam, cũng như thông lệ quốc tế về BHTG. Đặc biệt, sau khi Luật Các TCTD năm 2024 được ban hành và giao cho BHTGVN một số nhiệm vụ mới, đặt ra yêu cầu về việc cần sớm sửa đổi Luật BHTG để để có thể triển khai vào thực tiễn; qua đó góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền, nâng cao vai trò của BHTGVN trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD cũng như phấn đấu đạt được các mục tiêu, lộ trình để ra tại Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký HHNH cho rằng, các nội dung của Luật BHTG sửa đổi, bổ sung cần quy định rõ vai trò giám sát, kiểm tra của BHTGVN để có thể đánh giá rủi ro và cảnh báo sớm đối với TCTD có vấn đề nhằm hạn chế kịp thời các rủi ro tiềm ẩn, bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền. Đặc biệt, cần bổ sung quy định BHTGVN có thể xử lý, can thiệp sớm trên cơ sở nghiên cứu tình hình thực tiễn tại Việt Nam cũng như kinh nghiệm quốc tế.
Còn theo bà Phạm Thị Giang Thu - Chủ tịch Trung tâm trọng tài Đầu tư và Thương mại Việt Nam, những nhiệm vụ của BHTGVN được nhắc đến trong Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng như tại Luật Các TCTD 2024 là vô cùng quan trọng. Đây cũng là dịp để BHTGVN đề xuất, tham mưu việc sớm sửa đổi Luật BHTG, tổng kết từ kinh nghiệm thế giới và Việt Nam, khắc phục các tồn tại, hạn chế về hoạt động BHTG và đáp ứng các yêu cầu đặt trong giai đoạn tiếp theo.
Chia sẻ thêm về một số định hướng phát triển của BHTGVN thời gian tới, bà Phan Thị Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc BHTGVN cho biết, Luật Các TCTD năm 2024 có nhiều nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN. Chính vì vậy, về phía BHTGVN sẽ chủ động tham mưu NHNN để có một dự thảo Luật BHTG phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam và thông lệ quốc tế về BHTG; đảm bảo đón đầu những thay đổi, xu hướng để Luật có thể nhanh chóng đi vào cuộc sống và duy trì hiệu lực trong một thời gian dài.
Năng lực tài chính của BHTGVN tuy được nâng cao đáng kể những năm qua, nhưng còn khiêm tốn so với quy mô tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm cũng như tổng tài sản toàn hệ thống ngân hàng. “Chính vì vậy, BHTGVN đang có kế hoạch, đề xuất nhằm nâng cao năng lực tài chính của tổ chức BHTG trong thời gian tới để BHTGVN có thể tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào cơ cấu lại các TCTD” - Bà Phan Thị Thanh Bình thông tin thêm.
Cũng theo lãnh đạo BHTGVN, sự phát triển nhanh chóng của hệ thống ngân hàng, cùng với những nhiệm vụ mới trong tương lai đặt ra nhiều yêu cầu về đào tạo và nâng cao trình độ nguồn nhân lực. Do đó, BHTGVN cũng sẽ tập trung nhiều hơn vào công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo đi đôi với phát triển nhân sự chất lượng cao để bắt kịp với xu hướng phát triển chung của ngành Ngân hàng.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính sách BHTG thông qua việc tích cực sử dụng các phương tiện truyền thông chính thống như phát thanh, truyền hình...kết hợp với sử dụng mạng xã hội để người dân được tiếp cận nhiều hơn với kiến thức về lĩnh vực BHTG.
PV