Tham dự hội nghị có ông Phạm Tiến Dũng - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; bà Lê Thị Mai Hương - Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ Cơ quan Ngân hàng Trung ương; đại diện các vụ/cục chức năng.
Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có ông Phạm Đức Ấn – Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội; ông Phạm Quang Tùng – Phó Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội; ông Trần Văn Tần – Phó Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội; ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch Hội đồng kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội; các thành viên Hội đồng Hiệp hội; cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức hội viên (TCHV) và các cán bộ nhân viên Cơ quan Thường trực.
Đại diện Ban lãnh đạo BHTGVN tham dự hội nghị có ông Ngô Quang Lương - Thành viên HĐQT BHTGVN.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và kết quả Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đạt được trong năm 2023. Hiệp hội đã triển khai tốt việc kêu gọi, vận động các tổ chức hội viên thực hiện nghiêm đồng thuận cơ chế chính sách theo chủ trương của Nhà nước.
Ông Phạm Đức Ấn – Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng khẳng định, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, nhiệm vụ của ngành Ngân hàng, Hiệp hội luôn tích cực tổ chức triển khai các Nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác đề ra, thực hiện một cách khá toàn diện và đã đóng góp tích cực vào thành công chung của ngành trên tất cả các mặt công tác. Thông qua các hoạt động của Hiệp hội thời gian qua ngày càng nâng cao vai trò, vị thế của Hiệp hội Ngân hàng cũng như sự tín nhiệm và ủng hộ của các cấp, các ngành và các tổ chức hội viên.
Bên cạnh những việc đã làm được, Hiệp hội cũng nhận thức được những vấn đề cần cải thiện để thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò, đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nội vụ, sự kỳ vọng của các tổ chức hội viên trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, trong năm qua Hiệp hội đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các ban, bộ góp ý kiến đối với 13 dự thảo luật, 4 dự thảo nghị định, 15 dự thảo thông tư và 9 văn bản khác mang tính điều chỉnh các hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), như: Luật Giao dịch điện tử (đã được ban hành); Luật Các TCTD (sửa đổi) - đã được ban hành; dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi); dự thảo Nghị định Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Thông tư về Phòng, chống rửa tiền... Bên cạnh đó, Hiệp hội Ngân hàng đã kịp thời có hơn 30 văn bản, báo cáo, kiến nghị đối với Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành về tình hình hoạt động và những vướng mắc, bất cập của các TCTD hội viên, những vấn đề “nóng” mà xã hội quan tâm tác động đến hoạt động ngân hàng và đề xuất các chính sách, giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả.
Cũng trong năm 2023, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức thành công 40 diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thực hiện tốt vai trò là thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh hoạt động của 2 ủy ban chuyên môn (Ủy ban Chính sách và Ủy ban Công nghệ) và các tổ chức trực thuộc (CLB Pháp chế Chi hội thẻ, CLB AMC, CLB Fintech và CLB Tài chính tiêu dùng) trong việc phối hợp đề xuất cơ chế, chính sách của ngành Ngân hàng và hỗ trợ giải quyết một số vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên sâu.
Hiệp hội luôn kêu gọi các tổ chức hội viên thực hiện nghiêm đồng thuận cơ chế chính sách theo chủ trương, chính sách của Nhà nước, xây dựng Quy ước trong hoạt động.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, nhiệm vụ của Ngành và Nghị quyết của Hiệp hội Ngân hàng, năm 2024, Hiệp hội Ngân hàng tập trung vào 13 nhiệm vụ trọng tâm, góp phần vào kết quả chung của toàn ngành Ngân hàng, đặc biệt nhấn mạnh vào các nội dung sau:
Một là, tập trung tham gia góp ý vào cơ chế chính sách, nhất là tham gia ý kiến vào các nghị định và thông tư của ngành nhằm triển khai Luật TCTD vừa được Quốc hội thông qua, đồng thời tham gia ý kiến vào Nghị định, Thông tư liên quan đến Luật Giao dịch điện tử, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật bảo về người tiêu dùng, góp ý dự thảo Luật Thi hành án (sửa đổi), Luật Công chứng, Luật Tố tụng dân sự...
Hai là, làm tốt vai trò cầu nối giữa các tổ chức hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước, nắm bắt phản ánh khó khăn, vướng mắc của các TCHV trong quá trình hoạt động kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét tháo gỡ, quan tâm đến quyền lợi của các TCHV liên quan chính sách hỗ trợ lãi suất, tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, tăng vốn điều lệ, chính sách lãi suất huy động và cho vay; Tập trung nguồn lực để bảo vệ thành công về chính sách thuế VAT đối với nghiệp vụ L/C và thuế xử lý tài sản bảo đảm,…
Ba là, tiếp tục phát huy những mặt tích cực, đồng thời đổi mới hơn nữa công tác truyền thông thông qua việc thay đổi hình thức nội dung của Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, website, hình thành bản tin Tiếng Anh; đồng thời ra đời bản tin tình hình kinh tế trong nước, thế giới và những hoạt động của TCHV, xây dựng kế hoạch truyền thông tập trung thông qua mạng xã hội...
Thứ tư, hợp tác với đơn vị xác thực chữ ký số nhằm giảm chi phí cho các TCHV thực hiện khi Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực. Đây là nội dung rất quan trọng hỗ trợ cho các TCHV giảm phí xác thực chữ ký số, chữ ký điện tử, chữ ký điện tử chuyên dùng đảm bảo.
Thứ năm, đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, hướng vào nội dung các TCHV quan tâm và phục vụ cho hoạt động của các TCHV như: chuyển đổi số, dữ liệu dân cư, tài chính xanh, gian lận trong thanh toán, rủi ro hoạt động, rủi ro thanh toán thẻ, phòng chống rửa tiền, kiến thức pháp luật về tranh chấp hợp đồng, giao dịch đảm bảo,…
Tại hội nghị, các đại biểu đã nhất trí thông qua Nghị quyết Hội nghị Thường niên lần thứ 4, nhiệm kỳ VII.
MN