Giữ vững an toàn hệ thống các TCTD, bảo vệ quyền lợi người gửi tiền
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong năm 2023, NHNN đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn hệ thống TCTD, nâng cao khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất - kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp và hỗ trợ quá trình phục hồi, phát triển kinh tế. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu và việc xử lý các TCTD yếu kém cũng được triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, pháp luật về tiền tệ được chú trọng hoàn thiện nhằm bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn; bám sát yêu cầu thực tiễn, đáp ứng chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Theo đó, NHNN đã phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Luật Các TCTD (sửa đổi) với mục tiêu hoàn thiện cơ chế cơ cấu lại TCTD yếu kém; nâng cao năng lực quản trị, điều hành của TCTD, tăng cường các biện pháp để hạn chế thao túng, chi phối trong hoạt động của TCTD, ngăn ngừa nguy cơ tập trung tín dụng, đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD.
Theo lãnh đạo NHNN, kết quả chung của ngành Ngân hàng năm 2023 có sự đóng góp tích cực của BHTGVN - tổ chức tài chính Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận với sứ mệnh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng.
Cụ thể, BHTGVN đã chủ động tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật các TCTD sửa đổi và tiếp tục báo cáo NHNN về tổng kết thi hành, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG, trong đó tập trung vào các nội dung trọng tâm: Nâng cao năng lực tài chính, hoạt động của tổ chức BHTG; bổ sung quyền, nghĩa vụ của tổ chức BHTG; hoàn thiện quy định về trả tiền bảo hiểm và hoàn thiện quy định về phí BHTG.
Trong Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, BHTGVN đã đặt ra các mục tiêu cụ thể như: Phấn đấu tăng tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm để phù hợp với thông lệ quốc tế; phấn đấu rút ngắn thời gian chi trả thực tế, tăng tỷ lệ người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG.
Năm 2023, BHTGVN đã tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nghiệp vụ: giám sát thường xuyên nhằm phát hiện, cảnh báo sớm các đơn vị có nguy cơ rủi ro, gây mất an toàn hệ thống; kiểm tra tại chỗ đối với 100% tổ chức tham gia BHTG và kiểm tra theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN; tích cực tuyên truyền chính sách BHTG tại các sự kiện trực tiếp và trên các kênh truyền thông đại chúng; hoàn thành chỉ tiêu thu phí NHNN giao, miễn nộp phí BHTG cho một số tổ chức tham gia BHTG được kiểm soát đặc biệt theo quy định; tham mưu, đề xuất NHNN trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vốn điều lệ của BHTGVN lên 5.281 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2022.
Cũng theo đánh giá của lãnh đạo NHNN, BHTGVN đã hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính được giao. Kết thúc năm 2023, tổng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi và Quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN tăng lần lượt là 14,68% và 15,7% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là nguồn lực quan trọng để BHTGVN thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và sẵn sàng tham gia tái cơ cấu các TCTD thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính thời gian tới.
Nâng cao vai trò của BHTGVN trong bảo vệ người gửi tiền và tái cơ cấu TCTD
Năm 2024, triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp; nền kinh tế trong nước dự kiến vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, NHNN cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến, tình hình để điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.
Cùng với đó, điều hành tín dụng đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Tiếp tục triển khai quyết liệu, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các TCTD yếu kém; chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu.
Đối với việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động BHTG, NHNN cho biết sẽ khẩn trương hoàn thành báo cáo tổng kết Luật BHTG trong quý I/2024 và thực hiện theo đúng lộ trình, kế hoạch đã đăng ký và chấp thuận của Quốc hội về sửa đổi Luật này trong năm 2024-2025. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của BHTGVN vừa qua.
Theo đó, Phó Thống đốc thường trực NHNN yêu cầu BHTGVN tập trung đề xuất sửa đổi Luật BHTG theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và bổ sung cơ chế để BHTGVN tham gia có hiệu quả vào quá trình xử lý các TCTD yếu kém. Triển khai Kế hoạch chi tiết Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; báo cáo NHNN kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu của Chiến lược phát triển BHTG để NHNN báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, mở rộng phạm vi kiểm tra theo chỉ đạo của NHNN; phát huy vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD - nhiệm vụ trong tâm và xuyên suốt của BHTGVN.
Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về quá trình sửa đổi, bổ sung Luật BHTG; triển khai các chương trình nâng cao nhận thức công chúng về BHTG và vai trò của BHTGVN; tích cực phối hợp với các TCTD đẩy mạnh tuyên truyển chủ trương chính sách hoạt động ngân hàng, chính sách BHTG tới người gửi tiền, đặc biệt là người gửi tiền ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa và tại các QTDND.
Để góp phần cùng ngành Ngân hàng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, ông Phạm Bảo Lâm - Chủ tịch HĐQT BHTGVN cho biết, trong những nhiệm vụ công tác năm 2024, BHTGVN đặc biệt chú trọng triển khai những chỉ đạo của Ban lãnh đạo NHNN. Trong đó, ưu tiên triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển BHTG; hoàn thiện chính sách BHTG và tăng cường vai trò của BHTGVN thông qua nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHTG; hoàn thành kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ đối với tổ chức tham gia BHTG và kế hoạch kiểm tra theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN.
Ngày 18/1/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Các TCTD sửa đổi với các quy định được làm mới nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của TCTD. Bên cạnh đó, quy định rõ các biện pháp hỗ trợ thanh khoản đối với TCTD nhằm bảo đảm an toàn hệ thống và bảo vệ quyền lợi người gửi tiền…
Nhiều quy định hiện hành tại Luật Các TCTD nhằm việc tăng cường vai trò của BHTGVN trong tái cơ cấu hệ thống QTDND như: Tham gia Ban kiểm soát đặc biệt đối với QTDND; tham gia ý kiến đối với phương án phục hồi QTDND được kiểm soát đặc biệt; tham gia xây dựng phương án phá sản, xử lý/thanh lý tài sản để chi trả cho các chủ nợ theo quy định của pháp luật; cho vay đặc biệt đối với QTDND bị kiểm soát đặc biệt…Với việc Luật các TCTD được sửa đổi sẽ tạo đà cho việc đẩy nhanh quá trình sửa đổi, bổ sung Luật BHTG đồng bộ, thống nhất với Luật Các TCTD; từ đó giúp BHTGVN có nền tảng pháp lý rõ ràng để tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD thời gian tới, đặc biệt là thực hiện sứ mệnh quan trọng và xuyên suốt được Chính phủ, NHNN giao - đó là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần bảo đảm an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng.
PV