Tại điểm cầu BHTGVN, tham dự Hội nghị có đồng chí Phạm Phạm Bảo Lâm - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), cùng các đồng chí thành viên HĐQT; đồng chí Vũ Văn Long - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành, cùng các đồng chí thành viên Ban Điều hành; đồng chí Hà Hồng Sơn - Phó Bí thư Chuyên trách Đảng ủy; các đồng chí Kiểm soát viên; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng uỷ; cấp ủy các chi bộ; Trưởng, phó các phòng, ban và tương đương; đại diện Công đoàn, Đoàn Thanh niên; và các điểm cầu Chi nhánh.
Hội nghị được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu của các cấp uỷ, tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên và đội ngũ doanh nhân để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị phù hợp với chức năng nhiệm vụ, tình hình thực tiễn tại địa phương, cơ quan, đơn vị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 41; Báo cáo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41; Báo cáo Chương trình hành động của Đảng đoàn VCCI thực hiện Nghị quyết số 41. Các báo cáo đã truyền đạt những nội dung cơ bản, cốt lõi của Nghị quyết; quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết đã đề ra; xác định nội dung, nhiệm vụ cụ thể để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết.
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, ngoài việc kế thừa các nhiệm vụ giải pháp vẫn còn nguyên giá trị của Nghị quyết 09-NQ/TW, Nghị quyết số 41-NQ/TW đã sắp xếp, bổ sung một số nhiệm vụ giải pháp mới; nhiều nội dung trong các nhiệm vụ giải pháp được đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng quan điểm, mục tiêu và phù hợp với bối cảnh mới.Theo đó, mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 41 nhằm phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.
Mục tiêu đến năm 2030, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.
Tầm nhìn đến năm 2045, nhằm phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết 41 là: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước; hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến; phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng; phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân...
Báo cáo về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 41, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị quyết số 66 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Theo đó, mục tiêu từ nay đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát huy vai trò mở đường dẫn dắt các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Đến năm 2030 có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỉ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn. Đến năm 2045, phấn đấu một số doanh nhân làm chủ các tập đoàn có khả năng dẫn dắt các chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, tiến tới hình thành một số chuỗi giá trị của Việt Nam trong các ngành ưu tiên, có thế mạnh của đất nước.
Chương trình hành động đã xác định các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương tập trung tổ chức triển khai nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị. Theo đó, sẽ thực hiện trên tinh thần đồng hành cùng doanh nhân, doanh nghiệp lấy doanh nhân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ tạo môi trường thuận lợi để các doanh nhân đầu tư kinh doanh đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân; nhấn mạnh những đóng góp quan trọng của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Những năm qua, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam hiện nay, từ đó đặt ra những yêu cầu về việc xây dựng và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời gian tới.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết số 41 đã đề ra; chú trọng hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Mỗi doanh nhân phải luôn đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần vì cộng đồng, tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước; ngoại giao kinh tế, đối ngoại nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam ra thế giới.
Để Nghị quyết số 41 nhanh chóng đi vào cuộc sống, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, cần tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức, triển khai thực hiện; chú trọng theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra; chuẩn bị thật tốt các điều kiện, nguồn lực với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết đề ra.
BN