Một số kênh đầu tư phổ biến
Một trong những kênh đầu tư nhàn rỗi phổ biến và được nhiều người lựa chọn tại Việt Nam là mua vàng tích trữ và chờ tới khi vàng lên giá sẽ bán ra, hoặc khi có nhu cầu sử dụng gấp tiền mặt mới bán. Đây được xem là kênh đầu tư dài hạn rất an toàn và vì vàng được giao dịch rộng rãi nên dễ mua vào - bán ra. Tuy nhiên, nếu không chọn đúng thời điểm, mức lợi nhuận có thể không cao và dễ bị ảnh hưởng bởi lạm phát.
Ngoài mua vàng, đầu tư bất động sản cũng là kênh được nhiều người lựa chọn bởi sinh lời cao với nhiều phân khúc như đất thổ cư, đất nền, xây dựng nhà trọ cho thuê, chung cư…Tuy nhiên, để đầu tư vào bất động sản, cần phải có số vốn lớn, trang bị kiến thức đầy đủ, đồng thời cần đầu tư thời gian và tìm hiểu kỹ về mặt pháp lý để ra quyết định.
Thị trường Forex (còn được gọi là đầu tư ngoại hối), là hình thức đầu tư bao gồm hoạt động kiếm lời từ sự chênh lệch tỷ giá giữa các đồng tiền trên thế giới được ứng dụng trên nền tảng trực tuyến và thích hợp cho cả các tổ chức đầu tư lớn và các nhà đầu tư cá nhân. Bên cạnh những ưu điểm như thị trường linh hoạt, lợi nhuận cao và tính thanh khoản hấp dẫn, tham gia thị trường này đòi hỏi người đầu tư phải có chuyên môn cao, vì sự biến chuyển thất thường của thị trường là nguy cơ gây tổn thất tài chính.
Một kênh khác được nhiều người quan tâm hiện nay đó là đầu tư vào tiền điện tử. Tuy nhiên, khả năng gặp rủi ro khi tham gia hình thức đầu tư này là khá cao bởi hiện pháp luật Việt Nam chưa công nhận tính hợp pháp của tiền điện tử. Tình trạng lừa đảo qua các sàn giao dịch tiền điện tử đang diễn ra khá thường xuyên với nhiều hình thức khác nhau.
Cùng là tài sản mang về thu nhập cố định, trả lãi định kỳ và không bị ảnh hưởng bởi sự lên xuống giá hàng ngày như cổ phiếu, trái phiếu là một kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn thời gian qua với lợi thế là tỷ lệ lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, người đầu tư có nguy cơ vỡ nợ nếu mua trái phiếu của công ty có tiềm lực kinh tế không ổn định.
Tựu chung, có rất nhiều kênh đầu tư khác nhau, trước khi đầu tư tài chính, cần tìm hiểu và phân tích ưu điểm, nhược điểm để chọn cho mình hình thức an toàn, phù hợp nhất; hạn chế tối đa những rủi ro về tổn thất tài chính có thể xảy ra.
Gửi tiết kiệm vẫn là hình thức đầu tư an toàn hiện nay
Gửi tiết kiệm tại hệ thống ngân hàng – hay các tổ chức tín dụng (TCTD) là kênh đầu tư tiền nhàn rỗi phổ biến, đơn giản và an toàn nhất. Người gửi tiền đơn giản chỉ cần lựa chọn TCTD uy tín, có tỷ suất lợi nhuận cao và có kỳ hạn phù hợp với nhu cầu của bản thân, qua đó vừa có thể gửi tiền an toàn, vừa có thể thu lời một cách dễ dàng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý III năm 2023, số dư tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng chạm ngưỡng gần 6,45 triệu tỷ đồng, đây là mức tăng trưởng tiền gửi 9 tháng cao nhất kể từ năm 2018. Sở dĩ có con số này là bởi đại đa số người dân coi việc gửi tiền nhàn rỗi vào các TCTD là một kênh đầu tư an toàn, được pháp luật bảo hộ.
Cụ thể, khi gửi tiền tiết kiệm vào các TCTD đồng nghĩa với việc số tiền đó được bảo vệ bởi chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG). BHTG là biện pháp phòng ngừa rủi ro thông qua hoạt động giám sát, kiểm tra các tổ chức tham gia BHTG và chi trả bảo hiểm cho người được BHTG khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả hoặc phá sản. Các TCTD phải tham gia BHTG bao gồm: Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo quy định tại Luật BHTG, tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các TCTD. Trong trường hợp TCTD bị giải thể hoặc phá sản, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ thay mặt Chính phủ đứng ra chi trả tiền gửi cho người gửi tiền với hạn mức bảo hiểm là 125 triệu đồng cho mỗi khoản tiền gửi tại một tổ chức tham gia BHTG. Phần vượt hạn mức này sẽ được chi trả trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG.
Như vậy có thể thấy, khi có nguồn tiền nhàn rỗi, người dân có thể đầu tư với nhiều hình thức khác nhau, như vàng, bất động sản, chứng khoán... Tuy nhiên, các giải pháp đầu tư này yêu cầu người dân mất nhiều thời gian nghiên cứu và học hỏi để có kiến thức, sự am hiểu nhất định, tránh việc hao mòn tài sản. Chính vì vậy, nếu vẫn đang “loay hoay” giữa các phương án hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm về các lĩnh vực đầu tư trên thì gửi tiết kiệm qua hệ thống ngân hàng là giải pháp tối ưu được nhiều người dân lựa chọn. Đây là hình thức đầu tư phù hợp với số đông, có độ an toàn, ổn định cao, ít chịu tác động của thị trường tài chính và đặc biệt là được bảo vệ bởi chính sách BHTG - công cụ bảo đảm an toàn tiền gửi được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sử dụng với mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người gửi tiền tại hệ thống các TCTD.
TM