Sau 6 năm thực hiện, thực tiễn đã chứng minh những hiệu quả tích cực mà Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm nợ xấu của các TCTD đã đem lại khi trao cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ các biện pháp cần thiết và hữu hiệu nhằm rút ngắn thời gian xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm, góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng trong nền kinh tế. Trong năm 2024, toàn hệ thống xử lý được 334,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng 25,4% so với năm 2023.
Tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu
Thực tế, quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD cũng gặp nhiều vướng mắc, chẳng hạn trong xử lý tài sản bảo đảm hiện nay người đang giữ tài sản không giao tài sản, tổ chức mua bán, xử lý nợ, TCTD phải khởi kiện và chờ thi hành bản án, quyết định của tòa án theo Điều 301 Bộ luật Dân sự 2015. Cùng với đó, hiện pháp luật mới chỉ ghi nhận quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc người đang giữ tài sản không giao tài sản để bên nhận bảo đảm xử lý tài sản bảo đảm mà không quy định trực tiếp quyền thu giữ tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm. Việc thiếu quy định này đã gây khó khăn rất lớn đến quyền xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức mua bán, xử lý nợ và TCTD, vì tổ chức mua bán, xử lý nợ cũng như các TCTD không thể thực hiện việc thu giữ nếu các chủ tài sản không đồng thuận, cố tình chống đối, thậm chí tạo ra các tranh chấp khác liên quan đến tài sản bảo đảm nhằm kéo dài thời gian xử lý tài sản bảo đảm.
Hơn nữa, TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ tiếp tục gặp khó khăn do tài sản bảo đảm có thể bị kê biên để thi hành án, kể cả để thực hiện các nghĩa vụ không phải thuộc trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi chủ nợ của các TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ. Dự thảo đề xuất quy định sau khi hoàn tất thủ tục xác định chứng cứ và xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo đề nghị của bên nhận bảo đảm là TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.
Theo NHNN, việc tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42 nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn nhằm xử lý các vướng mắc, khó khăn đã và đang cản trở TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ thực hiện các quyền hợp pháp của mình trong việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn cũng như tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý của người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, việc xây dựng chính sách phải đảm bảo cân bằng giữa quyền lợi hợp pháp của TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ với các quyền hợp pháp của bên bảo đảm tài sản, tránh tạo ra sự bất đối xứng giữa bên cho vay và bên đi vay.
Việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD được thực hiện theo quan điểm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác xử lý nợ xấu. Đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42 đã phát huy tốt hiệu quả trong quá trình Nghị quyết số 42 có hiệu lực. 3 chính sách được luật hóa phải được xác định rõ ràng nội dung và đánh giá tác động cụ thể; đồng thời đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của pháp luật.
Ba chính sách liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm tại Nghị quyết số 42 được đề xuất luật hóa theo hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, bao gồm:
Thứ nhất, quyền thu giữ tài sản đảm bảo: Trao quyền cho TCTD thu giữ tài sản đảm bảo trong trường hợp khách hàng vay không thanh toán được nợ, với điều kiện hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về quyền này.
Mục tiêu của chính sách nhằm xử lý vướng mắc của các TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu, đảm bảo cân bằng giữa quyền của chủ nợ và các quyền lợi hợp pháp của bên bảo đảm.
Đẩy nhanh tốc độ và giảm chi phí xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu, từ đó góp phần giảm chi phí các khoản cấp tín dụng, hạ lãi suất, tăng cường khả năng quay vòng vốn và tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp; tránh để phát sinh và bùng phát tình trạng người dân, doanh nghiệp tiếp cận “tín dụng đen”.
Thứ hai, quy định về kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án: Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên phải thi hành án đang bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại TCTD không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác, qua đó giúp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.
Mục tiêu của chính sách nhằm khắc phục được khó khăn, vướng mắc của TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ trong bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình nhưng vẫn đảm bảo việc thi hành án đối với một số nghĩa vụ như cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe.
Chính sách này được đề xuất nhằm hài hòa hóa giữa việc bảo vệ quyền chủ nợ của bên nhận bảo đảm là TCTD với việc thực thi các bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Thứ ba, hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự cũng như tài sản bảo đảm là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính: Thiết lập một khung pháp lý rõ ràng về hoàn trả tài sản bị thu giữ liên quan đến các vụ án hình sự hoặc hành chính.
Việc luật hóa quy định về hoàn trả tài sản là vật chứng trong vụ án hình sự cho bên nhận bảo đảm sẽ giúp bảo vệ quyền xử lý tài sản bảo đảm của TCTD (bên nhận bảo đảm), thúc đẩy đến tiến độ và hiệu quả xử lý nợ xấu của các TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ.
Đồng thời, việc bổ sung quy định về hoàn trả tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính sẽ giúp TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của mình trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định không áp dụng hình thức tịch thu đối với tang vật, phương tiện trong vụ việc vi phạm hành chính.
Đề xuất chuyển quyền quyết định cho vay đặc biệt đối với khoản vay có lãi suất 0%/năm sang NHNN
Một trong những nội dung mới được đưa vào dự thảo luật là phân cấp thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt đối với khoản vay có lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm từ Thủ tướng Chính phủ sang NHNN
Cụ thể, đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 193 Luật Các TCTD: “Điều chỉnh thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt của NHNN theo hướng "NHNN quyết định cho vay đặc biệt có tài sản bảo đảm, không có tài sản bảo đảm đối với TCTD. Tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt từ NHNN theo quy định của Thống đốc NHNN. Lãi suất cho vay đặc biệt của NHNN là 0%/năm".
Bổ sung Điều 198a vào sau Điều 198 Luật Các TCTD. Theo đó, Điều 198a quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của TCTD và tổ chức mua bán, xử lý nợ trong trường hợp xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Theo NHNN, việc sửa đổi, bổ sung thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt của NHNN theo hướng chuyển thẩm quyền quyết định từ Thủ tướng Chính phủ (đối với trường hợp khoản cho vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm, khoản cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm) sang NHNN nhằm triệt để phân cấp, phân quyền cho NHNN trong việc quyết định cho vay đặc biệt; tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của thành viên Chính phủ. Đồng thời, quy định này giúp giảm bớt khâu trung gian trong quá trình triển khai thực hiện; từ đó, góp phần rút ngắn thời gian xử lý, bảo đảm việc tổ chức thực hiện kịp thời, an ninh, an toàn hệ thống các TCTD.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 24/4, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Các TCTD với các nội dung chính: Về cho vay không có tài sản bảo đảm và cho vay với lãi suất 0%, trước đây, thẩm quyền này thuộc Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, qua quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém, Chính phủ nhận thấy việc phân cấp là cần thiết để giảm bớt các cấp xét duyệt và sự tham gia của nhiều ngành, trong khi các vấn đề trọng yếu đã được Chính phủ phê chuẩn. Phân cấp cho NHNN sẽ giúp xử lý thông suốt, kịp thời, và giảm thủ tục hành chính.
Về thu giữ tài sản bảo đảm, Nghị quyết 42 đã được thực hiện và gia hạn hai lần, chứng minh tính đúng đắn và phù hợp với thực tiễn. Các quy định này bảo vệ quyền lợi của ngân hàng thương mại, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của người vay. Trước đây, khi sửa Luật Các TCTD, nội dung này từng được đưa vào nhưng sau đó bị loại bỏ vì Nghị quyết 42 vẫn còn hiệu lực. Khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, nợ xấu tại các TCTD tăng cao, đòi hỏi phải luật hóa các quy định này để đảm bảo công bằng và chặt chẽ về mặt pháp luật. Việc ban hành nghị quyết thí điểm lần thứ ba là không phù hợp, nên Chính phủ đề nghị đưa các nội dung này vào luật.
“Nguyên tắc cơ bản là người vay phải trả nợ và nếu dùng tài sản thế chấp thì khi không trả được nợ, tài sản đó phải được thu giữ. Nếu không cho phép thu giữ, ngân hàng sẽ không dám cho vay, còn người vay lại thiếu động lực trả nợ. Các nội dung của Nghị quyết 42 đã được thực tiễn khẳng định và Chính phủ cam kết ban hành nghị định hướng dẫn chi tiết sau khi luật được thông qua, đảm bảo thực hiện công khai, minh bạch và ổn định tình hình” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Luật, tuy nhiên, đề nghị làm rõ một số nội dung như: Cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn của việc luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42.
Trong đó về cơ sở chính trị, đề nghị báo cáo xin ý kiến của cấp có thẩm quyền do việc xử lý tài sản bảo đảm liên quan trực tiếp đến quyền tài sản của công dân; Tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế có liên quan; Các chính sách đề xuất cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện đối với các bên có liên quan; Bổ sung kinh nghiệm quốc tế về quy định pháp luật trong xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để tham khảo, đề xuất giải pháp phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính tán thành việc trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Đồng thời, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ tính cấp bách của dự án Luật, cần áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn. Bên cạnh đó, chính sách về phân cấp thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt là chính sách mới được bổ sung. Do đó, đề nghị rà soát quy trình xây dựng chính sách và soạn thảo, bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025.
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, để tránh việc các TCTD dựa vào quyền thu giữ tài sản bảo đảm để nới lỏng điều kiện cho vay, thẩm định tín dụng, đề nghị 3 chính sách được đề xuất luật hóa chỉ áp dụng đối với khoản vay đúng quy định.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần xem xét, rà soát kỹ lưỡng các quy định về phân cấp, phân quyền, đảm bảo tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện. Quốc hội quyết nghị rõ các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Các nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, nếu ủy quyền cho Thống đốc NHNN thì quy trình giải quyết có thể được đẩy nhanh hơn, khắc phục tình trạng chậm trễ do thủ tục hành chính hiện nay.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần xem xét thấu đáo các phương án cơ cấu lại hệ thống TCTD để đảm bảo tuân thủ các quy định về thẩm quyền, quyền tài sản, quyền công dân và các cơ sở chính trị. Với các vấn đề quan trọng, Chính phủ cần báo cáo và xin ý kiến của cấp có thẩm quyền.
Thanh Thủy