Hội thảo có sự tham dự trực tiếp của gần 100 đại biểu, trong đó, về phía đại biểu quốc tế, có các đại diện đến từ Ngân hàng Trung ương và 13 tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong khu vực và trên thế giới. Về phía Việt Nam, có sự tham dự của ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước và một số lãnh đạo Vụ, Cục của Ngân hàng Nhà nước, đại diện lãnh đạo một số vụ của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính cùng các cơ quan thông tấn báo chí. Về phía BHTGVN có ông Phạm Bảo Lâm – Chủ tịch HĐQT và các thành viên HĐQT, ông Vũ Văn Long – Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành và các thành viên Ban điều hành, cùng các Trưởng phòng/ban Trụ sở chính và Giám đốc Chi nhánh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Bảo Lâm – Chủ tịch Hội đồng quản trị BHTGVN, bày tỏ vinh dự khi BHTGVN được chọn là đơn vị chủ nhà tổ chức Hội thảo Hỗ trợ kỹ thuật APRC 2023, một sự kiện quan trọng đối với các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế nói chung. “Việc đăng cai tổ chức Hội thảo Hỗ trợ kỹ thuật APRC năm 2023 khẳng định sự tham gia tích cực, chủ động và trách nhiệm của BHTGVN trong các hoạt động bảo hiểm tiền gửi quốc tế, cũng như vấn đề phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có vấn đề” - ông Lâm nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐQT BHTGVN cũng vui mừng chia sẻ với các đại biểu tham dự Hội thảo hôm nay là ngày kỷ niệm 24 năm thành lập BHTGVN (9/11/1999 – 9/11/2023). Ông Lâm thông tin: Trong suốt 24 năm hình thành và phát triển, BHTGVN đã thực hiện hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ chính như cấp và thu hồi chứng nhận bảo hiểm tiền gửi, giám sát, kiểm tra, thu phí, đầu tư nguồn vốn, tham gia kiểm soát đặc biệt, chi trả, tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi. Tính đến thời điểm hiện tại, BHTGVN đang bảo vệ người gửi tiền tại 1.280 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, bao gồm 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trong đó bao gồm 35 ngân hàng thương mại Việt Nam, 2 ngân hàng liên doanh, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài), 1.179 quỹ tín dụng nhân dân, 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô. Đặc biệt, Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi, trong đó bao gồm việc phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém. Ngoài ra, BHTGVN cũng rất chú trọng đến các hoạt động hợp tác quốc tế như tăng cường hợp tác song phương với các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cũng như tham gia tích cực các hội nghị, hội thảo, diễn đàn đa phương, các hoạt động nghiên cứu chung của IADI, APRC từ đó giúp học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu, nâng cao hiệu quả hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đánh giá cao việc BHTGVN đã đăng cai tổ chức Hội thảo quốc tế APRC 2023. Điều này thể hiện sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của BHTGVN trong các diễn đàn quốc tế. Đối với chủ đề của Hội thảo, Phó Thống đốc cho rằng, chủ đề “Tăng cường vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời” là rất phù hợp trong bối cảnh cần nâng cao vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi nói riêng và đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng nói chung. Can thiệp kịp thời có thể làm giảm khả năng phải xử lý ngân hàng, góp phần duy trì sự ổn định hệ thống ngân hàng và niềm tin công chúng trong khi vẫn bảo tồn giá trị của ngân hàng gặp khó khăn, bảo vệ người gửi tiền tốt hơn và giảm thiểu thiệt hại cho quỹ bảo hiểm tiền gửi.Đánh giá về hoạt động của tổ chức BHTGVN trong suốt quá trình 24 năm xây dựng và trưởng thành, Phó Thống đốc nhận định: Được thành lập năm 1999 với mục tiêu trở thành một định chế tài chính góp phần đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng và bảo vệ người gửi tiền, trong quá trình hoạt động, BHTGVN đã thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao. Sau 24 năm đi vào hoạt động, khuôn khổ pháp lý và vai trò của BHTGVN ngày càng được hoàn thiện.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: “Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước luôn đề cao áp dụng kinh nghiệm quốc tế vào hoạt động của ngành ngân hàng nói chung và hoạt động bảo hiểm tiền gửi nói riêng”.
Hội thảo tập trung thảo luận 3 nhóm nội dung: (i) Tổng quan về phát hiện sớm và can thiệp kịp thời (ii) Vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời; (iii) Sự phối hợp giữa cơ quan giám sát và tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.
Thông qua việc thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm trên cơ sở các nội dung thảo luận trên, Hội thảo gợi mở thêm nhiều khía cạnh mới của vấn đề cùng các định hướng, giải pháp đáng chú ý nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hiểm tiền gửi nói chung và tăng cường vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời tổ chức tín dụng yếu kém nói riêng.
Trong khuôn khổ Hội thảo, BHTGVN đã ký gia hạn Biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổng công ty BHTG Philippines; gặp gỡ, trao đổi với Ngân hàng Trung ương Lào và Cơ quan bảo vệ tiền gửi Lào; và họp song phương với Tổng công ty BHTG Hàn Quốc.
PV