Ngày 13/7/2023, DPS đã công bố tham vấn lấy ý kiến công chúng trong vòng 3 tháng về các đề xuất cải cách chính sách BHTG, bao gồm: (i) nâng hạn mức BHTG; (ii) hoàn thiện cơ chế phí BHTG; (iii) tăng cường cơ chế BHTG trong trường hợp sáp nhập ngân hàng; (iv) tăng cường yêu cầu hiển thị hình ảnh, dấu hiệu về việc tham gia BHTG trên nền tảng kỹ thuật số; và (v) tinh giản yêu cầu tiết lộ thông tin tiêu cực về tiền gửi không được bảo vệ đối với khách hàng của ngân hàng tư nhân.
Tính đến ngày 12/10/2023, DPS đã nhận được tổng cộng 33 văn bản góp ý từ công chúng, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, tổ chức trong ngành ngân hàng và các cơ quan liên quan. Bên cạnh đó, DPS cũng đã ủy quyền cho Viện Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Đại học Trung Hoa tại Hồng Kông tiến hành khảo sát ý kiến dư luận về những đề xuất cải tiến chính sách BHTG với mẫu bao gồm khoảng 1.000 cư dân từ 18 tuổi trở lên và có tài khoản ngân hàng tại Hồng Kông.
Kết quả góp ý bằng văn bản và khảo sát cho thấy đa phần người dân ủng hộ các cải tiến chính sách BHTG như nâng hạn mức BHTG từ 500.000 đô la Hồng Kông (gần 65.000 đô la Mỹ) lên 800.000 đô la Hồng Kông (hơn 100.000 đô la Mỹ), tuy vẫn còn quan điểm trái chiều về hạn mức bảo hiểm phù hợp là bao nhiêu. Phúc đáp vấn đề này, DPS cho rằng việc tăng hạn mức lên 800.000 đô la Hồng Kông ở giai đoạn này – tương đương mức tăng 60% - là đủ để bảo vệ người gửi tiền một cách phù hợp với hoàn cảnh. Tỷ lệ tăng hạn mức cao hơn phần bù đắp cho lạm phát tích lũy theo thời gian, do đó tỷ lệ tăng thực tế của hạn mức là khoảng 20%. Hơn nữa, với hạn mức mới này, phần lớn người gửi tiền (hơn 92%) sẽ được bảo hiểm toàn bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhìn chung, ngoại trừ một số điều chỉnh đối với các chi tiết triển khai dựa trên phản hồi ý kiến của các ngân hàng, DPS sẽ tiến hành chuẩn bị đề xuất chỉnh sửa pháp lý dựa trên tài liệu tham vấn đã công bố.
Bà Connie Lau Yin-hing - Chủ tịch Hội đồng quản trị DPS nhận định: “Những cải tiến được đề xuất có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo DPS theo kịp các thông lệ quốc tế tốt nhất và góp phần ổn định hệ thống ngân hàng một cách hiệu quả. Do bối cảnh toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn, DPS sẽ cố gắng triển khai hạn mức bảo hiểm mới trong năm nay và thực hiện đánh giá lại về hạn mức sau 3 năm nữa. Trong lần đánh giá tiếp theo, DPS sẽ xem xét việc nâng hạn mức dựa trên tình hình trong nước, quốc tế cũng như các nguyên tắc và hướng dẫn có liên quan.
DPS sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ để trình Dự luật sửa đổi lên Hội đồng Lập pháp trong vài tháng tới. Mục tiêu của DPS là thực hiện các đề xuất chính sách theo hai giai đoạn. Giai đoạn một bao gồm tăng hạn mức BHTG và các giải pháp có thể triển khai trong ngắn hạn, dự kiến sẽ có hiệu lực vào quý 4 năm 2024. Giai đoạn hai bao gồm phần còn lại của các cải cách chính sách BHTG, dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2025.”
TH