Trong nội dung Thông báo, Ban Chỉ đạo đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã làm tốt công tác chuẩn bị tài liệu của Phiên họp lần thứ hai của Ban chỉ đạo, trong đó báo cáo về các kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế và nguyên nhân, đưa ra nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Các ý kiến tại Phiên họp cơ bản tán thành với báo cáo của NHNN và có góp ý bổ sung.
Ban Chỉ đạo cơ bản thống nhất với các nhận định, đánh giá kết quả triển khai Chiến lược và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới nêu tại báo cáo của NHNN và các ý kiến của các đại biểu tại phiên họp; yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp, chủ động rà soát, tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược, tập trung vào những nhiệm vụ chưa thực hiện được để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra của Chiến lược; tiến hành sơ kết, tổng kết Chiến lược, trên cơ sở đó, nghiên cứu, xây dựng, đề xuất Chiến lược cho giai đoạn mới, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2025.
Về kết quả đạt được, thông báo kết luận đánh giá, khuôn khổ pháp lý liên quan đến tài chính toàn diện không ngừng được rà soát sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; mạng lưới cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính tiếp tục được phát triển đa dạng, rộng khắp các địa bàn trên cả nước, đặc biệt là các kênh cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng hiện đại như điện thoại di động, internet; các sản phẩm, dịch vụ tài chính được phát triển đa dạng, hiện đại, an toàn, thuận lợi hơn với chi phí hợp lý, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng nhờ ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, hạ tầng tài chính được chú trọng đầu tư, nâng cấp, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số để tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, kết nối liên thông với các ngành, lĩnh vực khác phục vụ cho thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế; ứng dụng mạnh mẽ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân gắn chíp, tài khoản định danh và xác thực điện tử trong cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng. Ngành Ngân hàng cũng đã tích cực triển khai công tác truyền thông về vai trò, ý nghĩa của tài chính toàn diện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; triển khai nhiều chương trình giáo dục tài chính cho các đối tượng khác nhau trong xã hội, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết tài chính cho người dân; cơ chế bảo vệ người tiêu dùng tài chính tiếp tục được rà soát bổ sung, hoàn thiện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thông báo kết luận cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Mạng lưới giao dịch của các tổ chức tín dụng vẫn phân bố chủ yếu ở khu vực thành thị trong khi còn hạn chế ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt chưa theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới, mô hình, dịch vụ thanh toán mới; thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn hạn chế ở một bộ phận người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa do thói quen sử dụng tiền mặt, thiếu kiến thức về tài chính.
Việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua ngân hàng tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị; các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp còn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng; người dân, doanh nghiệp, nhất là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn hạn chế về kiến thức tài chính, thiếu những kỹ năng quản lý tài chính một cách hiệu quả.
Theo đó, yêu cầu đặt ra trong thời gian tới đó là phải tiếp tục phát triển hợp lý và tăng độ bao phủ dịch vụ tài chính cung ứng cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về tài chính toàn diện theo hướng vừa thúc đẩy được sự phát triển vừa quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp; khắc phục hiệu quả những tồn tại, hạn chế, bất cập hiện nay.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng tài chính, tăng cường kết nối liên thông nhằm tạo ra hệ sinh thái đồng bộ cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế.
Đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại và thiết kế phù hợp hơn với các đối tượng, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh đặc biệt, các đối tượng yếu thế; tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thông tin để khách hàng tin tưởng sử dụng dịch vụ.
Bên cạnh đó, chú trọng công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao kiến thức, hiểu biết về tài chính và kỹ năng sử dụng dịch vụ tài chính, quản lý tài chính cá nhân cho người dân cần tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh nhằm giúp cho người dân thấy được sự tiện ích, an toàn và tự tin khi tham gia sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính chính thức, xây dựng và phát triển chương trình công dân số trên phạm vi cả nước, nhất là đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Hướng đến sự tiếp cận bình đẳng, toàn diện của mọi người dân đối với sản phẩm, dịch vụ tài chính, đặc biệt là đối tượng người yếu thế, người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, học sinh, sinh viên; tận dụng tối đa các công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số; đảm bảm an ninh, an toàn, bảo mật cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại.
Đối với phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Ban Chỉ đạo đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo, các Bộ, cơ quan liên quan, các địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra với tinh thần phân công nhiệm vụ bảo đảm "6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền".
Các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện thể chế để vừa thúc đẩy phát triển, vừa đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; phát triển hạ tầng đồng bộ, đều khắp trên phạm vi cả nước; xây dựng chương trình công dân số; thúc đẩy mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa thanh toán không dùng tiền mặt; đa dạng hóa cách làm, phương pháp truyền thông để phù hợp với các đối tượng khác nhau, các địa bàn khác nhau; bố trí đủ nguồn lực thực hiện Chiến lược; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ được giao trước ngày 1/6/2025; đồng thời gửi NHNN để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2025,
Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng báo cáo sơ kết, tổng kết giai đoạn 2020 - 2025 và đề xuất mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tài chính tài chính toàn diện trong giai đoạn mới, gửi báo cáo cho NHNN trước ngày 1/6/2025 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2025.
NHNN - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chiến lược giai đoạn 2020 - 2025; nghiên cứu, đề xuất Chiến lược cho giai đoạn mới, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2025.
PV