IADI cho biết, các nội dung đưa ra tương ứng với những vấn đề được xác định trong ấn phẩm “Tình trạng hỗn loạn ngân hàng và hệ thống BHTG năm 2023: Những tác động tiềm ẩn và các vấn đề chính sách mới nổi” đã được IADI ban hành vào tháng 12/2023. Những vấn đề này cũng có vai trò cung cấp thông tin cho việc đánh giá Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của IADI và Sổ tay kèm theo, vốn là trọng tâm của chương trình làm việc năm 2024.
Các nội dung chính của Báo cáo xu hướng toàn cầu năm 2024 bao gồm:
(1) Thiết kế hệ thống BHTG (hạn mức và nguồn vốn)
(2) Vai trò của tổ chức BHTG trong việc xử lý ngân hàng và chi trả
(3) Số hóa và truyền thông xã hội
(4) Phối hợp trong Mạng an toàn tài chính và các vấn đề xuyên biên giới
Xu hướng toàn cầu cho hoạt động BHTG năm 2024 (Nguồn: IADI)
Đối chiếu báo cáo hoạt động BHTG hai năm qua, nội dung chính năm 2024 tăng cường các vấn đề cốt lõi về BHTG. Trong những năm trước, các vấn đề thời đại như tác động của COVID-19 (năm 2022) và môi trường kinh tế vĩ mô (năm 2023) được tập trung nhiều hơn. Các chủ đề mới xuất hiện như công nghệ tài chính và số hóa tiếp tục có vai trò nổi bật trong năm nay và ngày càng được coi là những yếu tố ảnh hưởng cơ bản đến chính sách BHTG như hạn mức hoặc chi trả.
Xu hướng toàn cầu về BHTG các năm 2022-2024 (Nguồn: IADI)
Thiết kế hệ thống BHTG (hạn mức và nguồn vốn)
Sau một loạt sự cố đổ vỡ ngân hàng xảy ra vào năm 2023 thì nội dung này trở thành trọng tâm mới, đặc biệt tập trung vào hạn mức và nguồn vốn.
Hạn mức BHTG
Sự đổ vỡ các ngân hàng vào năm 2023 đã thúc đẩy nhiều tranh luận về việc nâng hạn mức BHTG; một số quốc gia đã tiến hành xem xét lại hạn mức chi trả hiện tại. Hạn mức được đánh giá dựa trên hai mục tiêu chính sách công của tổ chức BHTG là bảo vệ người gửi tiền và góp phần ổn định nền tài chính quốc gia. Dữ liệu của IADI cho thấy tỷ lệ hạn mức nói chung trên toàn cầu đã giảm. Tuy nhiên, tỷ lệ hạn mức không thể xem xét một cách tách biệt mà cần phải tính đến yếu tốt rủi ro đạo đức, chi phí tài chính trực tiếp của việc tăng hạn mức đối với các tổ chức tham gia BHTG và xã hội, khả năng lựa chọn giải pháp thay thế cho việc chi trả trong trường hợp xảy ra đổ vỡ, bao gồm cả khả năng hấp thụ tổn thất bổ sung; cũng như các nguyên tắc hướng dẫn tổ chức BHTG lựa chọn công cụ xử lý đổ vỡ, chẳng hạn như kiểm tra “chi phí tối thiểu”. Việc tăng hạn mức vừa phải có thể chỉ có tác động hạn chế đối với các khoản tiền gửi có giá trị cao.
Nguồn vốn
Mức độ tăng hạn mức sẽ tác động đến nguồn vốn của tổ chức BHTG. Nguồn vốn không đủ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của tổ chức BHTG và sự ổn định tài chính. Tiếp cận các nguồn vốn dự phòng – bao gồm cả ngân sách công (ngân hàng trung ương và kho bạc), tư nhân (phí bảo hiểm đặc biệt và tài trợ thị trường) và từ các tổ chức quốc tế – là một yếu tố được quan tâm vì quỹ cấp vốn trước có nguy cơ bị cạn kiệt đáng kể trong thời gian căng thẳng tài chính xảy ra liên tục. Việc ủy quyền trước và chính thức hóa các nguồn vốn có thể tiếp cận là điều kiện tiên quyết giúp tổ chức BHTG có thể tiếp cận nhanh chóng các nguồn tài trợ trên, giúp duy trì niềm tin của công chúng và khả năng dự đoán trong quá trình ra quyết định xử lý. Hệ thống phí phân biệt có thể đóng vai trò trong việc quản lý rủi ro đạo đức nếu được thiết kế phù hợp (có xem xét đến các yếu tố như tỷ lệ tiền gửi không được bảo hiểm tại các ngân hàng riêng lẻ và khả năng chịu đựng tổn thất sẵn có).
Vai trò của tổ chức BHTG trong xử lý và chi trả
Những vụ phá sản ngân hàng gần đây cho thấy các biện pháp quản lý đổ vỡ ngân hàng cho phép tiếp cận liên tục với tiền gửi được bảo hiểm và tiền gửi không được bảo hiểm có liên quan đến sự ổn định tài chính. Các biện pháp này góp phần hạn chế tác động lây lan của khủng hoảng ngân hàng mang tính đặc thù và hệ thống.
Với xu hướng hiện nay, tổ chức BHTG ngày càng có nhiều quyền hạn mở rộng, nhất là tham gia xử lý ngân hàng và sử dụng công cụ xử lý ngoài chi trả, do đó cần nghiên cứu sâu hơn về cách thức tương tác, phối hợp giữa tổ chức BHTG với cơ quan xử lý ngân hàng, trong đó nâng cao vai trò của tổ chức BHTG trong việc áp dụng các biện pháp can thiệp sớm và phục hồi tổ chức tín dụng yếu kém.
Tùy theo điều kiện tại từng quốc gia, trong trường hợp không thể áp dụng các biện pháp xử lý ngoài chi trả, người gửi tiền cần được chi trả nhanh chóng trong vòng 07 ngày làm việc (theo khuyến nghị của Bộ nguyên tắc cơ bản - IADI). Với sự đổi mới công nghệ, thanh toán và dịch vụ ngân hàng 24/7, người gửi tiền kỳ vọng nhận được tiền chi trả nhanh hơn hoặc có thể truy cập không gián đoạn vào tài khoản . Do đó, điều quan trọng là các tổ chức BHTG cần phải đẩy nhanh, rút ngắn thời gian chi trả nhanh chóng hơn nữa.
Số hóa và truyền thông xã hội
Số hóa chứa đựng cả cơ hội và rủi ro đối với hoạt động ngân hàng và BHTG. Đổi mới và số hóa tài chính mang lại hiệu quả và sự thuận tiện, đồng thời thay đổi hành vi của người gửi tiền cũng như dịch vụ ngân hàng. Tổ chức BHTG cần dự đoán tác động tiềm tàng của đổi mới kỹ thuật số đối với sự ổn định tài chính, trung gian ngân hàng và các mô hình kinh doanh ngân hàng. Điều này không chỉ liên quan đến tiền điện tử (như tiền điện tử của Ngân hàng Trung ương CBDC, tài sản mã hóa và các đồng tiền ổn định stablecoin), mà còn liên quan đến truyền thông xã hội và trí tuệ nhân tạo, từ đó ảnh hưởng đến tiền gửi và hệ thống BHTG.
Số hóa cũng là một công cụ hữu ích để các tổ chức BHTG có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình. Các tổ chức BHTG cần có nền tảng thực nghiệm vững chắc để có thể giám sát hiệu quả, đánh giá rủi ro và có chuẩn bị xử lý và chi trả nhanh chóng cho người gửi tiền. Những phát triển công nghệ gần đây cho phép các bộ dữ liệu được soạn thảo và cập nhật với tốc độ nhanh chóng và chi tiết. Sự phát triển này càng khẳng định hơn nữa tầm quan trọng về an ninh mạng, quản trị dữ liệu và quyền truy cập dữ liệu của tổ chức BHTG nhằm đảm bảo việc sử dụng đáp ứng nhu cầu công việc của tổ chức BHTG.
Phối hợp trong Mạng an toàn tài chính và các vấn đề xuyên biên giới
Để hoạt động hiệu quả, tổ chức BHTG cần phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ quy định giám sát và xử lý với ngân hàng trung ương (người cho vay cuối cùng) và với các cơ quan có thẩm quyền. Các cơ quan trong Mạng an toàn tài chính phụ thuộc lẫn nhau, đòi hỏi sự phối hợp một cách toàn diện, chia sẻ thông tin vào giai đoạn hoạt động bình thường cũng như trong thời kỳ khủng hoảng. Cơ chế này cần được củng cố bởi khuôn khổ thể chế rõ ràng và đánh giá định kỳ. Điều này ngày càng quan trọng hơn do tổ chức BHTG được tăng cường vai trò xử lý tổ chức tham gia BHTG đổ vỡ.
Hoạt động ngân hàng xuyên biên giới ngày càng tăng nên việc phối hợp trong Mạng an toàn tài chính ngày càng phức tạp, đòi hỏi tổ chức BHTG và các thành viên trong Mạng an toàn tài chính nỗ lực hơn nữa.
Thái Huy – Chi nhánh BHTGVN tại TP.HCM