Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội – đơn vị chủ trì soạn thảo cho biết, Nghị định hướng tới sửa đổi, bổ sung các vấn đề bất cập, cấp thiết nhằm tạo thuận lợi khi tiến hành cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW. Qua đó, doanh nghiệp nhà nước sẽ được cởi trói về chính sách tiền lương để phát triển phù hợp với thị trường, đảm bảo tính ổn định, tạo động lực cho loại hình doanh nghiệp này tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, có giải pháp đối với các đơn vị có tính chất đặc thù mà cơ chế hiện tại chưa giải quyết được.
Trong quá trình Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội soạn thảo Nghị định nói trên, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã tham gia đóng góp một số ý kiến nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách từ góc độ một tổ chức tài chính Nhà nước đặc thù. Tại phiên họp Hội đồng thẩm định ngày 12/9/2023 do Bộ Tư pháp chủ trì, các thành viên Hội đồng cũng thống nhất ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp tục bảo lưu xếp hạng Công ty hạng đặc biệt của BHTGVN mà không cần xếp hạng lại do nhiều yếu tố đặc thù, khách quan của tổ chức này.
Khác với các doanh nghiệp nhà nước khác, BHTGVN là tổ chức tài chính do Chính phủ thành lập, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ. BHTGVN hoạt động không vì lợi nhuận mà phục vụ mục tiêu chính sách, đảm bảo an toàn vốn và tự bù đắp chi phí. Thông qua các nghiệp vụ như cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG), kiểm tra, giám sát, tham gia kiểm soát đặc biệt, quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG, cho vay đặc biệt, mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ, chi trả BHTG, BHTGVN đóng vai trò là “tấm lưới an toàn” nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng (TCTD), đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Trong đó, một số hoạt động nghiệp vụ có liên quan tới nguồn vốn, quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới chênh lệch tổng doanh thu/tổng chi phí của đơn vị. Kết quả này không phản ánh hiệu quả sản xuất, kinh doanh mà thể hiện vai trò công cụ chính sách của BHTGVN. Đặc biệt, khi tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD, những biện pháp can thiệp, hỗ trợ phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt, xử lý đổ vỡ… sẽ tăng trách nhiệm về chuyên môn, nghiệp vụ đối với hệ thống BHTG, đồng thời tăng gánh nặng chi phí từ quỹ dự phòng nghiệp vụ.
Trên thực tế, từ khi được thành lập đến nay, BHTGVN đã được xếp lương theo hạng Tổng Công ty đặc biệt. Là đơn vị đặc thù, BHTGVN được miễn giảm các loại thuế theo quy định của pháp luật, do đó không có định mức nộp ngân sách nhà nước nhằm xếp hạng doanh nghiệp. Việc sử dụng các thước đo đối với doanh nghiệp nhà nước thông thường để đánh giá các đơn vị đặc thù như BHTGVN sẽ phát sinh những bất cập, ảnh hưởng tới đội ngũ và cấu trúc lao động của tổ chức.
Chính sách tiền lương là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội của đất nước, có liên quan trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người lao động. Từ năm 2001 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản đổi mới, hoàn thiện chính sách tiền lương đối với người lao động và người quản lý, góp phần thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước tích cực sắp xếp lại tổ chức sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động, phù hợp với từng giai đoạn. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 51/2016/NĐ-CP và Nghị định Nghị định số 52/2016/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ khai thông chính sách lao động, tiền lương đối với doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước nói chung và BHTGVN nói riêng; qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức và xây dựng môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ hấp dẫn, thu hút nhân tài cống hiến cho đất nước./.
Phòng Tổ chức cán bộ