Tham dự khoá đào tạo, về phía giảng viên có bà Đỗ Thị Hải Đăng và ông Vũ Thế Cường - Giảng viên Khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo - Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Về phía BHTGVN có ông Ngô Quang Lương - Thành viên chuyên trách HĐQT, ông Nguyễn Đình Hiển - Kiểm soát viên phụ trách chung, bà Phan Thị Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc BHTGVN.
Mục tiêu của khoá đào tạo nhằm mang đến kiến thức chuyên sâu về khủng hoảng truyền thông: tổng quan khủng hoảng truyền thông, quy trình xử lý khủng hoảng truyền thông, một số nguyên tắc và bài học trong xử lý khủng hoảng; kỹ năng viết tin bài trên website và xây dựng nội dung trên mạng xã hội.
Phát biểu khai mạc khoá đào tạo, ông Ngô Quang Lương - Thành viên chuyên trách HĐQT BHTGVN nhấn mạnh: trong bối cảnh truyền thông hiện đại, truyền thông trên mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, thông tin lan truyền với tốc độ nhanh chóng, thì việc chủ động, kịp thời và hiệu quả trong công tác truyền thông là một yêu cầu bắt buộc đối với mọi tổ chức – nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Đối với BHTGVN, với vai trò là một tổ chức bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính – ngân hàng, việc truyền tải chính sách bảo hiểm tiền gửi, truyền thông đúng lúc, đúng cách càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ông Ngô Quang Lương mong muốn các học viên tập trung tiếp thu và nghiên cứu bài giảng để lĩnh hội những kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ trong quá trình thực tiễn công tác thông tin truyền thông tại đơn vị mình.
Trong khoá đào tạo, các cán bộ đã được tiếp cận những kiến thức mới về truyền thông và tham gia sôi nổi vào hoạt động nhóm.
Tại khoá đào tạo, bà Phan Thị Thanh Bình – Phó Tổng giám đốc BHTGVN đã trực tiếp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm truyền thông chính sách BHTG, tổ chức sự kiện cũng như việc triển khai kế hoạch truyền thông năm 2025 của BHTGVN, cụ thể là truyền thông về việc sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi.
Phát biểu bế mạc khoá đào tạo, bà Phan Thị Thanh Bình đánh giá: những kỹ năng trau dồi thông qua khoá học đều là những kỹ năng cốt lõi, vừa mang tính nền tảng, vừa mang tính cập nhật, đòi hỏi người làm truyền thông phải không ngừng đổi mới tư duy, linh hoạt trong cách xử lý tình huống và thành thạo trong việc sử dụng các công cụ truyền thông số.
Liên quan đến việc truyền thông về sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi, các cán bộ làm công tác tuyên truyền cần áp dụng kỹ năng cần thiết, có kế hoạch truyền thông mang tính định hướng rõ ràng, thông điệp nhất quán, truyền tải đầy đủ, chính xác và thuyết phục mục tiêu, căn cứ và lợi ích của chính sách sửa đổi, góp phần tạo sự đồng thuận, ủng hộ rộng rãi, thúc đẩy hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi. Bà Phan Thị Thanh Bình yêu cầu sau khóa học, mỗi học viên sẽ tiếp tục phát huy tinh thần học hỏi, chủ động áp dụng những kiến thức và kỹ năng đã tiếp thu vào thực tiễn công việc; đồng thời chủ động tham mưu, phối hợp tốt trong triển khai hoạt động truyền thông trong đơn vị và toàn hệ thống.
LTT