Truyền thông chính sách BHTG - công cụ duy trì niềm tin người gửi tiền
Người gửi tiền là lực lượng thiết yếu đóng góp vào sự phát triển của hệ thống ngân hàng, nhưng cũng là đối tượng dễ bị tác động bởi các luồng thông tin trái chiều. Chính vì vậy, với việc được cung cấp đầy đủ, kịp thời các kiến thức về tài chính - ngân hàng - BHTG, hiểu biết của họ sẽ được nâng cao, từ đó hành động đúng đắn trước những tin đồn thất thiệt đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng.
Bộ Nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI, 2014) khuyến nghị: “Để bảo vệ người gửi tiền và đóng góp vào sự ổn định tài chính, cần đảm bảo công chúng liên tục được thông tin đầy đủ về hệ thống BHTG”. Đồng thời, tổ chức BHTG tham gia vào quá trình xây dựng các kế hoạch truyền thông liên quan đến tất cả các thành viên của mạng an toàn tài chính, nhằm đảm bảo cho chương trình nâng cao nhận thức công chúng và truyền thông được toàn diện và nhất quán.
Theo kinh nghiệm từ một số tổ chức BHTG quốc tế, truyền thông nâng cao nhận thức người gửi tiền cần gắn liền với đặc thù hoạt động, chiến lược phát triển của tổ chức; có lộ trình cụ thể, tính chuyên nghiệp cao, góp phần thực hiện hiện thành công mục tiêu dài hạn của tổ chức. BHTG là loại hình chính sách công, vì vậy truyền thông cần được xem là một trong những nghiệp vụ quan trọng song hành cùng các nghiệp vụ khác như giám sát, kiểm tra, chi trả BHTG…; là cầu nối quan trọng để chuyển tải thông điệp cốt lõi của tổ chức BHTG - đó là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính - ngân hàng.
Trong giai đoạn ổn định, cần đẩy mạnh truyền thông qua nhiều kênh phù hợp với từng đối tượng mục tiêu. Song hành quá trình này là việc tổ chức đào tạo để nâng cao nhận thức công chúng về tài chính - ngân hàng - BHTG. Khi có tin đồn thất thiệt khiến người gửi tiền hoang mang và gây xáo trộn thị trường, công cụ truyền thông giúp tổ chức BHTG xử lý khủng hoảng ở nhiều mức độ khác nhau. Việc phân loại khủng hoảng và tìm nguyên nhân là yếu tố quan trọng để xây dựng kịch bản xử lý phù hợp. Cần chủ động, tích cực phối hợp với Ngân hàng Trung ương và các cơ quan liên quan để tập trung xử lý khủng hoảng, tránh nguy cơ lây lan đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng và làm xói mòn niềm tin của người gửi tiền.
Bên cạnh đó, tổ chức BHTG cần thực hiện đánh giá độc lập, thường xuyên về mức độ nhận thức của người gửi tiền thông qua hình thức khảo sát đối với các nhóm công chúng. Ngoài việc giúp thu nhận thông tin từ công chúng mục tiêu, đây cũng là cơ sở để tổ chức BHTG hoạch định chiến lược truyền thông phù hợp với từng đối tượng công chúng trong từng giai đoạn phát triển. Cùng với đó, đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông đảm bảo phù hợp với từng đối tượng như người gửi tiền, tổ chức tham gia BHTG và các cơ quan quản lý.
Đảm bảo truyền thông “trúng và đúng”, dễ nhớ, dễ tiếp cận
Tại Việt Nam, theo quy định tại Luật BHTG, BHTGVN có nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHTG. Đây là nghiệp vụ quan trọng nhằm cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác đến người gửi tiền, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu chính sách công.
Xác định vai trò của truyền thông trong việc nâng cao nhận thức công chúng nói chung và người gửi tiền nói riêng, BHTGVN những năm qua đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền chính sách BHTG để củng cố niềm tin người gửi tiền, qua đó góp phần giữ vững an toàn, lành mạnh hệ thống ngân hàng.
Đặc biệt, trong bối cảnh Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc nâng cao nhận thức của người gửi tiền là một nhiệm vụ quan trọng của BHTGVN thời gian tới. Cụ thể, BHTGVN đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG, bao gồm: Hạn mức trả tiền BHTG; người được BHTG; tiền gửi được bảo hiểm; thời hạn trả tiền bảo hiểm; hoạt động của tổ chức BHTG và thông tin về hoạt động ngân hàng có liên quan. Trong đó, hướng tới đối tượng công chúng mục tiêu là người gửi tiền, đặc biệt là người gửi tiền tại khu vực nông thôn, miền núi - nơi ít có điều kiện tiếp cận với thông tin về hoạt động ngân hàng và BHTG.
Để thực hiện mục tiêu trên, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động truyền thông, cụ thể là làm rõ chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN trong truyền thông chính sách BHTG. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG, trong đó có nội dung quy định tổ chức tham gia BHTG có trách nhiệm phối hợp với tổ chức BHTG tuyên truyền chính sách BHTG. BHTGVN hiện đang triển khai việc nghiên cứu, xây dựng Đề án truyền thông, đảm bảo bám sát Chiến lược phát triển BHTG, cũng như tương hợp với các chủ trương lớn của Chính phủ và của ngành Ngân hàng. Khi được ban hành, Đề án truyền thông sẽ là cơ sở, định hướng cho các hoạt động truyền thông ở tầm vĩ mô của tổ chức BHTG trong thời gian tới.
Để nâng cao hiệu quả truyền thông, giúp các thông tin về chính sách BHTG đến được với công chúng theo đúng tiêu chí “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp cận”, BHTGVN cho biết sẽ tiếp tục đổi mới hình thức, công cụ tuyên truyền chính sách song hành cùng các kênh truyền thông chính thức của BHTGVN như website và Bản tin BHTG. Cùng với đó, nguồn lực báo chí như báo giấy, báo mạng, phát thanh, truyền hình - những kênh truyền thông chính thống, uy tín, có sức lan tỏa và mức độ ảnh hưởng lớn đến công chúng mục tiêu sẽ được BHTGVN tăng cường đẩy mạnh. Ngoài ra, phát triển, ứng dụng các công cụ truyền thông mới nhằm đảm bảo kịp thời, đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin của độc giả trên môi trường số, bên cạnh mục tiêu giúp chuyển tải thông tin trực quan, sinh động còn giúp BHTGVN lắng nghe thông tin từ dư luận hiệu quả, từ đó đưa ra định hướng, thông điệp truyền thông đảm bảo tiêu chí “trúng và đúng” đến với công chúng, giúp nhận thức công chúng về chính sách BHTG ngày càng gia tăng.
Đồng thời, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội địa phương như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc…, BHTGVN sẽ tích cực lồng ghép thông tin, kiến thức về BHTG một cách đơn giản, dễ hiểu để chính sách BHTG có thể “đến từng ngõ, gõ từng nhà”. Tích cực phối hợp với các Chi nhánh NHNN, Hiệp hội Ngân hàng, Hiệp hội QTDND để đưa kiến thức về BHTG vào các chương trình đào tạo cán bộ ngân hàng. Đây có thể coi là những kênh truyền thông thiết thực, hiệu quả và đảm bảo tính lan tỏa nhanh nhất đến nhóm công chúng mục tiêu.
Tựu chung, với nỗ lực trong việc liên tục làm mới phương thức, tích cực thay đổi các kênh truyền thông và lựa chọn thông điệp đơn giản, dễ tiếp cận đã giúp chính sách BHTG ngày càng đến gần hơn với công chúng; từ đó góp phần củng cố lòng tin của người gửi tiền, giúp họ dần thay đổi hành vi, thói quen ứng xử khi gặp phải các thông tin trái chiều hay tin đồn thất thiệt về hoạt động ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh tái cơ cấu hệ thống các TCTD với sự tham gia ngày càng tích cực của BHTGVN thời gian qua.
Đánh giá nhận thức công chúng để truyền thông phù hợp
Theo Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI), đánh giá mức độ nhận thức của công chúng là yêu cầu cần thiết, để qua đó xác định chỉ tiêu gia tăng nhận thức hàng năm và xây dựng chiến lược truyền thông phù hợp cho từng giai đoạn. Việc này cần thực hiện định kỳ, xen kẽ giữa đánh giá độc lập quy mô lớn, phạm vi rộng và tự đánh giá trên quy mô hẹp. Cũng theo IADI, hầu hết các tổ chức BHTG đều triển khai việc đánh giá nhận thức công chúng.
Liên quan đến nội dung này, BHTGVN cho biết đã bước đầu thực hiện đánh giá nhận thức công chúng để nhìn nhận các vấn đề còn tồn tại, đồng thời đưa ra giải pháp để nâng cao hiệu quả truyền thông cho giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, theo kết quả điều tra toàn quốc quy mô hẹp do BHTGVN thực hiện, trong số 1.069 người tham gia khảo sát, có 34,6% cùng lúc nắm được tất cả các thông tin cốt lõi về chính sách BHTG. Đa số người gửi tiền đã nhận biết được một phần (ít nhất 1 thành tố chính sách cốt lõi), nhưng không hiểu biết đầy đủ về các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG, chiếm tỷ lệ 61,6%. Đáng chú ý, có 3,8% người gửi tiền tham gia khảo sát hoàn toàn không nhận biết bất cứ thành tố chính sách nào nêu trên. Hiện BHTGVN đang tổ chức khảo sát độc lập trên quy mô toàn quốc với số lượng mẫu lớn hơn nhằm đánh giá mức độ nhận thức của người gửi tiền về chính sách BHTG, sau đó thực hiện khảo sát mức độ nhận thức của người gửi tiền ba năm một lần để đưa ra những định hướng và những giải pháp trong hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức công chúng về BHTG.
Đối với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG, theo thông tin từ BHTGVN, chỉ tiêu này được xác định trên cơ sở kinh nghiệm của một số tổ chức BHTG quốc tế như: Tổng Công ty BHTG Canada xác định nhận thức công chúng cần đạt 60-65% và đặt mức nhận thức mục tiêu ở 65% trong 5 năm tới (so với mức hiện tại là 50%); Tổng Công ty BHTG Đài Loan với mức độ nhận thức công chúng đang ở mức trên 60% và dự kiến tăng chỉ số này lên trên 70%; Tổng Công ty BHTG Malaysia đặt mục tiêu tỷ lệ nhận thức về BHTG là 57-60%. Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD, giữ vững niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng, BHTGVN cho biết mức độ nhận thức mục tiêu ở trên là tiền đề để BHTGVN không ngừng hoàn thiện, làm mới hoạt động truyền thông chính sách BHTG.
PV