Nhận thức người gửi tiền về chính sách BHTG ở mức khá nhưng chưa đồng đều
Người gửi tiền là nhóm đối tượng công chúng trọng tâm trong hoạt động tuyên truyền của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) những năm qua, đặc biệt là người gửi tiền nhỏ tại nông thôn, vùng sâu vùng xa. Bởi đây là nhóm công chúng ít có điều kiện tiếp cận với thông tin về hoạt động ngân hàng, BHTG nên rất dễ bị tổn thương trước các thông tin không tích cực về hoạt động ngân hàng.
Năm 2023, BHTGVN đã triển khai khảo sát trên 1880 người gửi tiền tại 6 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng kinh tế của Việt Nam, bao gồm: Phú Thọ, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Cần Thơ.
Theo kết quả khảo sát, 37,4% người gửi tiền có nhận thức chung về BHTG. Nhận thức chung của người gửi tiền về mục tiêu của BHTG, quyền và nghĩa vụ của người gửi tiền và một số khái niệm liên quan đến BHTG tương đối tốt. Trong đó, nhận thức về mục tiêu của chính sách BHTG là tốt nhất, tiếp theo là nhận thức về các khái niệm có liên quan, cuối cùng là nhận thức về quyền và nghĩa vụ của người gửi tiền. Bên cạnh đó, vẫn còn 14% người gửi tiền hoàn toàn không nắm bắt được thông tin về BHTG.
Mặt khác, nhận thức về những thông tin cụ thể của chính sách BHTG còn cần được bổ sung. Người gửi tiền nhận thức tốt về tổ chức chịu trách nhiệm trả tiền BHTG là BHTGVN và đối tượng được BHTG, nhưng nhận thức về đối tượng trả phí BHTG và tổ chức tham gia BHTG còn thấp. Số người biết về BHTGVN còn khá khiêm tốn (chưa được 1/2 số người tham gia khảo sát); một bộ phận người gửi tiền chỉ nghe nói đến BHTGVN chứ không nhận biết được khẩu hiệu, biểu tượng, trang thông tin điện tử (trang web) của tổ chức BHTG.
Nhận thức của người gửi tiền cũng có sự khác biệt theo các yếu tố về nhân khẩu học, thu nhập, nơi cư trú v.v.
Theo yếu tố giới tính, nhận thức chung về BHTG của người gửi tiền không có khác biệt đáng kể nhưng nhận thức cụ thể của nữ giới tốt hơn nam giới về nhiều nội dung như đối tượng được BHTG, tính chất, sứ mệnh của tổ chức BHTG, tổ chức tín dụng tham gia BHTG, loại hình tiền gửi được bảo hiểm.
Theo độ tuổi, nhận thức chung về BHTG của nhóm trẻ tuổi (30 tuổi trở xuống) cao hơn đáng kể so với nhóm trên 60 tuổi. Người trẻ tuổi có khả năng tiếp cận thông tin tốt hơn nên nhận thức đúng ở nhiều nội dung cụ thể như tổ chức tham gia BHTG, thời hạn trả tiền bảo hiểm, hạn mức BHTG, các hình thức tiền gửi được bảo hiểm v.v.
Theo trình độ học vấn, người gửi tiền có trình độ học vấn càng cao càng nhận thức tốt hơn về chính sách BHTG; học vấn càng cao thì mức độ nhận thức càng cao, ngược lại học vấn càng thấp thì mức độ nhận thức càng thấp. Tuy vậy, người có học vấn cao vẫn hiểu sai ở một vài nội dung cụ thể.
Theo địa điểm cư trú, kết quả cho thấy, nhận thức chung của những người gửi tiền được khảo sát trên địa bàn TP. Hà Nội và tỉnh Nghệ An là ở mức chưa cao, Phú Thọ là cao nhất, tiếp đến Đà Nẵng; Lâm Đồng và Cần Thơ xếp ở vị trí giữa. Tuy nhiên, ở các nội dung cụ thể, nhận thức của người gửi tiền được khảo sát ở Phú Thọ không phải lúc nào cũng cao nhất; Hà Nội lại có nhận thức về một vài nội dung tốt hơn. Nhận thức chung của người gửi tiền ở nông thôn và thành thị không có khác biệt đáng kể, song nhận thức ở một số nội dung cụ thể thì có sự khác biệt theo hướng người gửi tiền ở thành thị có nhận thức tốt hơn so với người gửi tiền ở nông thôn.
Về nhu cầu thông tin của người gửi tiền về chính sách BHTG, chưa đến 50% người có tiền gửi chủ động tìm kiếm thông tin liên quan đến BHTG tại các tổ chức tín dụng. Theo thống kê, nhu cầu về kênh thông tin sử dụng khi tìm hiểu về chính sách BHTG của người gửi tiền, các kênh thông tin người gửi tiền lựa chọn nhiều nhất lần lượt thuộc về: Truyền hình, Cán bộ tổ chức tín dụng; Bạn bè/Người quen; Mạng xã hội, Báo điện tử và Trang web của BHTGVN. Người gửi tiền là nam giới ưu tiên hơn về kênh thông tin sử dụng để tìm hiểu về chính sách BHTG theo thứ tự: Cán bộ tổ chức tín dụng giới thiệu; Truyền hình; Bạn bè, người quen, Qua mạng xã hội và qua Báo điện tử. Trong khi lựa chọn của người gửi tiền là nữ giới lại là: Truyền hình, Cán bộ tổ chức tín dụng giới thiệu, Bạn bè, người quen, Qua mạng xã hội và Trang web của BHTGVN.
Nhóm người gửi tiền có mức thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng và Nhóm thu nhập từ 5 đến 10 triệu đồng quan tâm tới thông tin về chính sách BHTG ít hơn nhóm có thu nhập trên 10 triệu đồng. Không có khác biệt về mức độ quan tâm tới thông tin về chính sách BHTG giữa nhóm thu nhập dưới 5 triệu đồng với nhóm thu nhập từ 5 đến 10 triệu đồng.
Có mối liên hệ giữa nhận thức, hành vi và niềm tin của người gửi tiền đối với tổ chức tín dụng, chính sách BHTG. Những người biết về BHTG là những người có niềm tin với BHTG cao hơn so với những người chưa từng nghe tới BHTG. Những người có niềm tin với BHTG và tổ chức tín dụng là những người bình tĩnh theo dõi thông tin chính thức từ tổ chức tín dụng và cơ quan chức năng; đồng thời, họ không quá lo lắng về khoản tiền của mình đang gửi trong các tổ chức này. Điều này cho thấy, việc tăng cường niềm tin cho người dân nói chung và người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng là cần thiết, tạo ra sự an toàn, ổn định cho hệ thống tổ chức tín dụng và tài chính – ngân hàng.
Giải pháp nâng cao nhận thức người gửi tiền về chính sách BHTG
Trên cơ sở Chiến lược phát triển BHTG và thực trạng mức độ nhận thức của người gửi tiền, BHTGVN đã đặt mục tiêu nâng cao nhận thức công chúng về chính sách BHTG nhằm bảo vệ tốt hơn người gửi tiền và đóng góp vào sự ổn định của hệ thống tài chính - ngân hàng.
Cụ thể, năm 2025 có 45%, năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG. BHTGVN cũng tập trung tuyên truyền về việc sửa đổi Luật BHTG; tuyên truyền về triển khai Chiến lược phát triển BHTG và gắn với các nghiệp vụ của BHTGVN. Đảm bảo truyền thông hiệu quả, đồng bộ, nhất quán trên toàn hệ thống BHTGVN. Đồng thời, tạo dựng hình ảnh của BHTGVN - tổ chức tài chính Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thực hiện chính sách BHTG góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Những nội dung cốt lõi về chính sách BHTG được tập trung tuyên truyền tới công chúng bao gồm: Phạm vi tiền gửi được bảo hiểm, tổ chức tham gia BHTG, phí BHTG, hạn mức trả tiền bảo hiểm, chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền và tổ chức BHTG. Ngoài các nội dung trên, các vấn đề chung về chính sách BHTG cũng sẽ được tuyên truyền tới công chúng với mức độ hợp lý theo từng thời điểm và mức độ nhận thức của mỗi đối tượng công chúng.
Việc thông tin tuyên truyền nâng cao ý thức, niềm tin đối với sự ổn định và bền vững của tổ chức tín dụng cũng như chính sách bảo vệ người có tiền gửi tại các tổ chức tín dụng của BHTGVN cần được thực hiện thường xuyên; xây dựng hình thức và nội dung thông tin tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng để đạt hiệu quả cao nhất.
Về công cụ tuyên truyền, trong điều kiện thị trường ổn định, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTG cần được triển khai thường xuyên, định kỳ qua nhiều kênh truyền thông đại chúng phù hợp với các đối tượng mục tiêu. Ngoài ra, cần quan tâm đến việc giáo dục tài chính cho người gửi tiền nhằm nâng cao nhận thức về BHTG. Trong giai đoạn có TCTD yếu kém cần tái cơ cấu, chú trọng vào việc công bố thông tin minh bạch, rộng rãi – nhất là thông tin về việc ưu tiên bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền. Đồng thời, cần định kỳ đánh giá hiệu quả tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTG thông qua khảo sát mức độ nhận thức của người gửi tiền nhằm cập nhật, bổ sung các giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn.
Trong bối cảnh công nghệ và số hóa bùng nổ, truyền thông cần chú ý tới cả 2 phương thức truyền thông truyền thống (tổ chức sự kiện, phát thanh, truyền hình) và truyền thông hiện đại (mạng xã hội, sử dụng truyền thông viral). Đồng thời, cần chú ý truyền thông qua cán bộ tại tổ chức tham gia BHTG vì đây là kênh truyền thông trực tiếp và hiệu quả đến người gửi tiền.
Ngoài ra, để thúc đẩy nâng cao nhận thức của người gửi tiền về BHTG, cần một nỗ lực mạnh mẽ, toàn diện không chỉ của BHTGVN mà còn cần sự tham gia, vào cuộc của các cơ quan có liên quan. Vì vậy, cần xây dựng được cơ chế phối hợp hiệu quả của BHTGVN và các cơ quan có thẩm quyền như Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Bộ Tài chính v.v. và các tổ chức tham gia BHTG như ngân hàng thương mại, QTDND…để tạo niềm tin cho người gửi tiền vào toàn hệ thống tài chính – ngân hàng.
Đẩy mạnh việc tuyên truyền chính sách BHTG trên tất cả các mặt: quy mô tuyên truyền, chiều sâu thông tin, gia tăng tiếp cận tới các đối tượng công chúng, đề xuất lên các cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cách tính khoản chi dành cho tuyên tuyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHTG, đáp ứng yêu cầu của hoạt động thực tiễn. Triển khai truyền thông bao trùm, không bỏ lại nhóm đối tượng công chúng nào ở phía sau. Đồng thời, xác định rõ đối tượng công chúng cụ thể đối với từng chương trình truyền thông, đảm bảo thống nhất kênh truyền thông, thông điệp, nội dung, hình thức thể hiện.
Đề xuất định kỳ 3 năm một lần đánh giá tổng thể nhận thức và hành vi của người gửi tiền trên phạm vi toàn quốc với kích cỡ mẫu lớn, do đơn vị khảo sát, nghiên cứu thị trường độc lập thực hiện; từ đó, đề xuất các giải pháp truyền thông tương ứng, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG.
TX