Theo đó, bà Lisa Ann Violet giữ chức Tổng Giám đốc của Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Quần đảo Virgin (VIDIC) từ ngày 26/6/2024. Với hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, dịch vụ, pháp chế tại ngân hàng và quản lý rủi ro doanh nghiệp, bà Violet đóng vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thành sứ mệnh của VIDIC.
Việc bổ nhiệm Ban điều hành mới của VIDIC là “bước quan trọng hướng tới tăng cường an ninh tài chính cho người gửi tiền trong lãnh thổ quần đảo”. Thông qua việc kiện toàn các chức danh trong Hội đồng quản trị, Ban điều hành đã gia tăng tính pháp lý, nâng cao vai trò đồng giám sát hệ thống ngân hàng của Ủy ban Dịch vụ Tài chính Quần đảo Virgin (FSC) và VIDIC, từ đó củng cố niềm tin của người gửi tiền và ổn định tài chính tại quần đảo này.
Tại Virgin, giám sát ngân hàng được quản lý đồng thời bởi hai tổ chức là FSC và VIDIC. Do đó, Đạo luật Ủy ban Dịch vụ Tài chính năm 2001 đối với FSC và Đạo luật về bảo hiểm tiền gửi đối với VIDIC cho hoạt động này. Các Đạo luật xác định một số trường hợp VIDIC và FSC cần phải phối hợp làm việc, cụ thể như sau:
i) VIDIC có thể đưa ra khuyến nghị cho FSC về các hành động cần thực hiện đối với tổ chức tham gia BHTG có dấu hiệu gặp vấn đề.
ii) VIDIC có thể yêu cầu và nhận các báo cáo từ FSC liên quan đến bất kỳ tổ chức thành viên nào.
iii) VIDIC phải cung cấp cho FSC các thông tin liên quan nhằm nâng cao hoạt động tài chính lành mạnh.
iv) VIDIC phải liên hệ với FSC trước khi chỉ định đơn vị tiếp nhận, thanh lý hoặc quản lý tổ chức tham gia BHTG.
v) Các tổ chức tham gia BHTG phải đăng ký để FSC thanh tra, kiểm tra ít nhất hai năm một lần.
Ông Ian Smith - Chủ tịch VIDIC cho biết: “Các chính sách của VIDIC hiện nay bảo vệ người gửi tiền trước các rủi ro về thanh khoản và danh tiếng của ngân hàng, chẳng hạn, khủng hoảng tài chính xảy ra khi ngân hàng phá sản và người gửi tiền rút tiền hàng loạt trong thời gian ngắn. Khi ngân hàng có dấu hiệu gặp vấn đề, VIDIC sẽ bảo vệ người gửi tiền và xử lý theo hướng hiệu quả nhất để tránh ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính. VIDIC thực hiện đánh giá ngân hàng có nguy cơ phá sản và áp dụng ngân hàng bắc cầu hoặc các phương pháp khác để giảm tác động tiêu cực đến hệ thống”.
Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành của FSC, ông Baker đã chia sẻ: “Điều quan trọng là phải duy trì niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính. Việc FSC xếp loại ngân hàng là cần thiết để tạo ảnh hưởng tích cực đối với nền kinh tế. FSC và VIDIC cùng nhau xây dựng mối quan hệ bền chặt và hợp tác, thể hiện qua việc hai tổ chức luôn hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian qua”.
Bà Violet cho biết rất vinh dự khi được giữ chức vụ Tổng Giám đốc của VIDIC. Bà nhấn mạnh hơn nữa vai trò quan trọng của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong việc đảm bảo sự ổn định và an toàn của hệ thống tài chính. FSC và VIDIC sẽ triển khai thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo hiểm tiền gửi trong tương lai.
Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC) là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý và giám sát các dịch vụ tài chính được thực hiện trong và ngoài lãnh thổ Quần đảo Virgin thuộc Anh quốc. Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Quần đảo Virgin (VIDIC) được thành lập với mục tiêu bảo vệ tiền gửi của người dân và giống như FSC, VIDIC góp phần ổn định hệ thống tài chính. Để thực hiện các chức năng của mình, VIDIC phải thiết lập và quản lý hệ thống bảo hiểm tiền gửi, đánh giá và giảm thiểu rủi ro tài chính và theo đuổi các mục tiêu khác nhằm bảo vệ tiền gửi của người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG. Đạo luật Bảo hiểm tiền gửi Quần đảo Virgin năm 2016 đã được Hạ viện thông qua vào ngày 19/4/2016; sửa đổi và có hiệu lực vào ngày 07/3/2023. Đây là khung pháp lý quan trọng nhằm bảo vệ người gửi tiền là các khách hàng của các tổ chức tài chính tại lãnh thổ này. VIDIC thu phí theo mức phí 0,2%/tổng số tiền gửi được bảo hiểm và quản lý Quỹ bảo hiểm tiền gửi.
Kiều Trang – Chi nhánh BHTGVN tại TP. HCM
Nguồn:
https://www.bvifsc.vg/news/press-releases/press-release-10-2024-bvi-fsc-and-vidic-embrace-co-monitoring-role