Ngân hàng tăng lãi suất huy động nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cuối năm
Tính đến 13/11/2024, lãi suất gửi tiết kiệm tại các ngân hàng dao động từ 1,6 - 9,5%. Trong đó, 5 ngân hàng thương mại có lãi suất cao như: PVcombank, HDBank, BacABank, Oceanbank, NCB...
Cũng trong ngày 13/11, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) tăng mạnh lãi suất huy động tại tất cả kỳ hạn, trong đó lãi suất cao nhất lên đến 6%/năm. Đây là lần đầu tiên sau gần 5 tháng kể (từ ngày 27/6), VietABank thực hiện điều chỉnh biểu lãi suất huy động.
Cùng VietABank, số ngân hàng niêm yết lãi suất huy động trên 4%/năm cho tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng chỉ đếm trên đầu ngón tay, như OceanBank, OCB, VietBank, NCB, Nam A Bank, BaoViet Bank, DongABank và BVBank.
Như vậy, VietABank chính thức gia nhập “câu lạc bộ” những ngân hàng niêm yết lãi suất từ 6%/năm, gồm: NCB, OceanBank, PVCombank, BacABank, Saigonbank, BVBank, ABBank.
Đây cũng là ngân hàng duy nhất điều chỉnh lãi suất huy động trong ngày 13/11, qua đó nâng tổng số ngân hàng tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 11 lên 7 ngân hàng, bao gồm: VietABank, VIB, MB, Agribank, Techcombank, ABBank và VietBank.
Từ đầu tháng 5/2024, lãi suất tiền gửi của các giao dịch phát sinh mới có tín hiệu tăng nhẹ do các ngân hàng đã và đang điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi niêm yết từ cuối tháng 4. Việc các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi chủ yếu do mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua, các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi nhằm giữ thị phần và thu hút nguồn tiền gửi trong khi nhu cầu tín dụng đang dần có xu hướng hồi phục.
Về phía các ngân hàng thương mại (NHTM), các chuyên gia cho rằng, việc tăng hay giảm lãi suất tùy thuộc thanh khoản từng ngân hàng. Ngân hàng nào tăng trưởng được tín dụng thì sẽ tăng lãi suất huy động, còn những ngân hàng cuối năm khó đẩy tín dụng thì sẽ khó tăng lãi suất hơn. Những ngân hàng quốc doanh sẽ có thanh khoản tốt hơn ngân hàng nhỏ.
Tuy nhiên, nhìn chung, các ngân hàng vẫn đối mặt với áp lực tăng lãi suất huy động cho tới cuối năm nay trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh hơn gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của huy động vốn. Sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm, sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống và có thể dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào.
Theo NHNN, tính đến 31/10/2024, tín dụng tăng 10,08% so với cuối năm 2023. Như vậy, so với mục tiêu tăng trưởng 15%, các ngân hàng còn nhiều dư địa cấp vốn trong 2 tháng cuối năm. Để đạt mục tiêu dư nợ, một số ngân hàng đang nỗ lực giảm lãi suất cho vay cả với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.
Chẳng hạn, tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), ngân hàng này cam kết cho vay 5.000 tỷ đồng vốn giá rẻ thông qua giới thiệu của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và tiếp tục nâng gói vốn tín dụng lên 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp trong dịp cuối năm.
Còn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đưa ra gói tín dụng 20.000 tỷ đồng với lãi suất từ 2,6%/năm; 2 gói tín dụng với tổng quy mô 110.000 tỷ đồng với lãi suất từ 3,5%/năm dành cho doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất chế biến, kinh doanh nông, lâm thủy, hải sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) triển khai gói vay ưu đãi đặc biệt đến 2.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm tới 1% một năm cho các khách hàng có nhu cầu vay vốn từ nay đến hết 31/12/2024 nhằm tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận nguồn vốn tốt tái thiết lại cuộc sống sau bão lũ với nhiều mục đích như: Sửa chữa lại nhà cửa, mua sắm trang bị nội thất, sửa chữa cơ sở kinh doanh và cấp thêm vốn ổn định sản xuất, vay tiêu dùng để ổn định cuộc sống. Đồng thời, ngân hàng cũng hỗ trợ đa dạng hình thức cấp tín dụng như khoản vay, thấu chi, bảo lãnh, thẻ tín dụng... giúp người dân linh hoạt sử dụng vốn theo nhu cầu.
Nếu giảm lãi suất quá nhiều sẽ tác động làm tăng tỷ giá
Theo các chuyên gia, điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua gặp nhiều khó khăn, thách thức, áp lực. Lạm phát giảm chưa bền vững, tiềm ẩn rủi ro tăng trong bối cảnh độ mở nền kinh tế Việt Nam rất lớn. Bởi thế, việc thực hiện chủ trương tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới rất khó khăn.
Nguyên nhân là lãi suất cho vay có xu hướng giảm sâu thời gian qua. Nhu cầu vốn tín dụng có xu hướng tiếp tục tăng, sẽ tạo áp lực đối với mặt bằng lãi suất. Việc giảm lãi suất VND trong nước càng gia tăng áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước. Chưa kể, sức ép cung ứng vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với nền kinh tế vẫn lớn, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp, người dân còn thấp.
Với những khó khăn trên, các tổ chức quốc tế nhận định, dư địa nới lỏng chính sách tài chính của Việt Nam rất hạn hẹp và khuyến nghị cần tận dụng dư địa tài khóa còn nhiều để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, đồng thời yêu cầu các TCTD thực hiện báo cáo và công bố công khai mức lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân trên trang thông tin điện tử của TCTD.
Theo báo cáo lãi suất của các NHTM, đến ngày 20/10/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,88%/năm, tăng 0,36% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,33%/năm, giảm 0,76%/năm so với cuối năm 2023. Như vậy, lãi suất cho vay tiếp tục giảm trong khi lãi suất tiền gửi tăng nhẹ. Các TCTD đã công bố mức lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân trên trang thông tin điện tử của TCTD.
Về lãi suất quốc tế, từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu xu hướng cắt giảm lãi suất. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất ba lần, tổng cộng từ 75 - 110 điểm cơ bản. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng đã hai lần hạ lãi suất, tổng cộng 75 điểm cơ bản. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 7/11 tiến hành đợt cắt giảm lãi suất thứ hai trong vòng 2 tháng, nhưng với bước giảm nông hơn so với lần trước. Đây là một sự tiếp nối nỗ lực của ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới trong việc đưa chính sách tiền tệ trở lại trạng thái bình thường sau chu kỳ thắt chặt mạnh tay để chống lạm phát.
Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), bộ phận ra quyết sách trong FED, hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang về khoảng 4,5-4,75%. Trong cuộc họp tháng 9, FED hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm từ mức cao nhất 23 năm.
Đối với việc giảm lãi suất, trả lời tại Quốc hội sáng 11/11, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, để ổn định tỷ giá mà giảm lãi suất sẽ tác động đến tỷ giá, vì vậy, thời gian qua, NHNN phải cân bằng, thực hiện mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp của người dân, nhưng nếu giảm lãi suất quá nhiều sẽ tác động làm tăng tỷ giá, có thể tạo tâm lý không yên tâm của nhà đầu tư nước ngoài nếu tỷ giá không ổn định.
“Việc có tiếp tục giảm lãi suất hay không phụ thuộc vào diễn biến kinh tế trong nước và thế giới, thanh khoản, tình trạng hệ thống ngân hàng. Thời gian vừa qua, chúng ta đã giảm mặt bằng lãi suất khá nhiều so với các nước, cho nên chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi thêm" - Thống đốc cho biết.
Thanh Thủy