Cụ thể là việc tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế, thể hiện trách nhiệm, sự sẻ chia giữa ngân hàng với doanh nghiệp, người dân trong những thời điểm khó khăn.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, với sự nỗ lực, vào cuộc của NHNN và sự tích cực trách nhiệm của các TCTD, hoạt động cấp tín dụng đối với nền kinh tế đạt được những kết quả đáng khích lệ. Những thành tựu này được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, tổ chức quốc tế ghi nhận là sự động viên đối với toàn ngành tiếp tục vượt qua khó khăn thách thức hoàn thành nhiệm vụ chính trị.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước dự báo tiếp tục đối với mặt với nhiều khó khăn, thách thức; doanh nghiệp, người dân rất cần các chính sách tháo gỡ, hỗ trợ, đồng hành của các cấp, các ngành để vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, Thống đốc đề nghị Thủ trưởng các đơn vị thuộc NHNN và các TCTD nâng cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đạo đơn vị triển khai hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 990/CĐ-TTg, trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm:
Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị 01/CT-NHNN, Thông báo 247/TB-NHNN ngày 10/8/2023 của Thống đốc về triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023 và các văn bản chỉ đạo khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc.
Trong đó, tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tăng cường hơn nữa kết nối ngân hàng-doanh nghiệp và hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thúc đẩy phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, Thống đốc yêu cầu Vụ Chính sách tiền tệ (CSTT) đầu mối bám sát diễn biến trong nước và quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD); phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả các công cụ của CSTT để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đáp ứng cao nhất có thể nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Chủ động tham mưu điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất có thể đã đề ra và hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo động lực tăng trưởng.
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế tiếp tục theo dõi sát tình hình triển khai các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm là Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản... để kịp thời tham mưu, đề xuất xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Hướng dẫn, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Hai vụ chức năng trên cần khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN và các Thông tư, văn bản quy định có liên quan nhất là các cơ chế, chính sách hết hiệu lực trong năm 2023 để kịp thời tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới (nếu cần thiết) nhằm tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong việc tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, cũng như đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống các TCTD.
Vụ Truyền thông phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông về các chủ trương, chương trình, chính sách tín dụng của Chính phủ và của Ngành để người dân, doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ, kịp thời thông tin và cách thức tiếp cận vốn vay của các chương trình, chính sách này. Các đơn vị khác thuộc NHNN đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, rà soát, kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính không còn phù hợp gây tốn kém, phiền hà, tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Đối với cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm của các TCTD; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì hội nghị
Thống đốc yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các Thông báo kết luận số 102/TB-NHNN ngày 03/4/2023, 160/TB-NHNN ngày 26/5/2023 và văn bản số 6936/NHNN-TD ngày 05/9/2023 về tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho nền kinh tế. Trong đó, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và đẩy mạnh triển khai các chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, hiệp hội trên địa bàn để kịp thời nắm bắt, đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh, những khó khăn, vướng mắc, nhu cầu vốn thực của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn. Đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, ưu tiên, ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, của địa phương; chỉ đạo, định hướng các TCTD chủ động cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn vay; đảm bảo cho vay theo quy định pháp luật.
Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc triển khai các chủ trương, chính sách về giảm lãi suất, miễn, giảm phí, các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và việc bán, triển khai đại lý bảo hiểm của các chi nhánh TCTD trên địa bàn để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý trường hợp TCTD không thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách hoặc phát sinh vi phạm nếu có. Trong trường hợp vượt thẩm quyền, các chi nhánh báo cáo lên NHNN.
Phát huy tinh thần trách nhiệm, đồng hành và chia sẻ cùng doanh nghiệp, người dân
Đối với các TCTD, cần phát huy tinh thần trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh, cùng đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận tín dụng; tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các Thông báo kết luận số 102/TB-NHNN ngày 03/4/2023, 160/TB-NHNN ngày 26/5/2023 và văn bản số 6936/NHNN-TD ngày 05/9/2023 về tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Trong đó, tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục nội bộ và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm 1,5-2%/năm) đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu, cắt giảm phí, lệ phí không cần thiết và tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng. Công khai các loại phí đối với khách hàng liên quan đến các hoạt động tín dụng, thanh toán và dịch vụ tiền tệ khác.
Thống đốc yêu cầu các TCTD cần chủ động, tích cực hơn trong tham gia thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, tiếp tục có giải pháp đẩy mạnh giải ngân theo Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản và tích cực triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo đúng quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN.
Lãnh đạo NHNN lưu ý các NHTM Nhà nước cần phát huy tốt vai trò chủ lực; các NHTM cổ phần tham gia tích cực, sáng tạo trong triển khai các chính sách này. Song song với đó tích cực triển khai các gói tín dụng phù hợp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Thống đốc đề nghị các TCTD thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm. Trong đó tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm, đại lý phát hành trái phiếu, các hoạt động cung ứng dịch vụ khác liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).
Công tác thông tin tuyên truyền về các sản phẩm dịch vụ, chính sách hỗ trợ đối với khách hàng và các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng nhằm nâng cao sự hiểu biết và tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội của các ngân hàng cần phải thực hiện tốt hơn. Nhất là đăng tải đầy đủ, kịp thời các chương trình, chính sách của ngân hàng để khách hàng nắm bắt đầy đủ thông tin về chương trình, sản phẩm cho vay của khách hàng, cũng như cách thức tiếp cận vốn. Đẩy mạnh hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng hoặc báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý nếu vượt thẩm quyền; chủ động phản ánh với NHNN về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách của ngành Ngân hàng trong quá trình triển khai của TCTD... là những nhiệm vụ lãnh đạo NHNN yêu cầu các ngân hàng phải thực hiện nghiêm túc.
Để tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp, bên cạnh các giải pháp về tiền tệ, tín dụng của ngành Ngân hàng, Thống đốc cho rằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp khác là rất cần thiết để TCTD có điều kiện mở rộng cung ứng tín dụng đối với nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng như các giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; giải pháp phát triển các loại thị trường khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, xử lý các vấn đề tồn tại của thị trường BĐS...
Thống đốc đề nghị các Bộ, ngành sớm nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 990/CĐ-TTg để đảm bảo việc hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh được triển khai đồng bộ, có hiệu quả.
PV