Giả mạo nhân viên ngân hàng “rao” lãi suất cao để chào mời gửi tiết kiệm
Một số đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng “rao” lãi suất cao để chào mời gửi tiền tiết kiệm. Để tạo vỏ bọc nhân viên tư vấn khách hàng của ngân hàng, đối tượng lừa đảo gửi một mã code và thông báo chỉ khi nhập mã code, người gửi mới được hưởng mức lãi suất đó. Khi nhập mã code, sẽ xuất hiện tên đầy đủ của nhân viên ngân hàng, khiến người dân tưởng lầm đó là nhân viên tư vấn của ngân hàng.
Sau đó, đối tượng lừa đảo yêu cầu người dân nạp tiền vào tài khoản và mở sổ tiết kiệm online. Tiếp theo, đối tượng sẽ gửi đường liên kết (link) giống giao diện của ứng dụng (app) ngân hàng nhưng đó là link giả tạo ra để lừa đảo. Khi ấn vào đường link, người dân sẽ mất quyền điều khiển điện thoại, máy tính.
Ngoài thủ đoạn này, cơ quan công an cũng đã ghi nhận thủ đoạn gọi điện thông báo tài khoản của khách hàng có dấu hiệu hoạt động bất thường, đang bị trừ phí hoặc đăng ký một số dịch vụ mà khách hàng không hề hay biết và dọa khóa tài khoản. Để giải quyết các vấn đề trên, đối tượng hướng dẫn khách hàng truy cập vào đường link trang thông tin điện tử (website) giả mạo ngân hàng, cài đặt ứng dụng do chúng tạo ra nhằm đánh cắp các thông tin tài khoản ngân hàng gồm: Tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP ngân hàng, sau đó rút tiền trong tài khoản để chiếm đoạt.
Cơ quan công an đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, không tải, cài đặt, truy cập các đường link, ứng dụng theo yêu cầu của người lạ. Khuyến khích người dân tham gia các hoạt động ngân hàng chính thức, tuyệt đối không tin tưởng vào những lời chào mời về “mức lợi nhuận cao hơn lãi suất ngân hàng”. Nếu người gọi điện thoại tự nhận là nhân viên tư vấn của của ngân hàng có lãi suất cao, người dân nên đến trực tiếp quầy giao dịch để xác minh, không nên làm theo hướng dẫn online.
Người dân có nguồn tiền nhàn rỗi nên trực tiếp gửi vào các tổ chức tín dụng hợp pháp để được đảm bảo quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật. Theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi, các tổ chức tín dụng có nhận tiền gửi của cá nhân bằng đồng Việt Nam phải tham gia bảo hiểm tiền gửi (trừ Ngân hàng chính sách). Trường hợp tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả cho người gửi tiền hoặc phá sản thì người gửi tiền vẫn được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo đảm hoàn trả tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm theo quy định.
Các TCTD huy động tiền gửi của cá nhân phải tham gia BHTG bao gồm: ngân hàng thương mại, ngân hàng Hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ ngân hàng chính sách). Các TCTD đã tham gia BHTG phải niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tham gia BHTG do Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cấp tại các địa điểm giao dịch. Do đó, người gửi tiền có thể nhận biết TCTD đã tham gia BHTG qua việc quan sát điểm giao dịch của TCTD có niêm yết bản sao Chứng nhận tham gia BHTG hay không. Bản sao Chứng nhận tham gia BHTG có đầy đủ thông tin của Chứng nhận tham gia BHTG, gồm: Tên tổ chức BHTG; tên tổ chức tham gia BHTG; nội dung khác theo quy định của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Giả mạo nhân viên công ty tài chính, ngân hàng để chào mời cho vay tín chấp
Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng là đánh vào tâm lý của những người đang cần tiền kinh doanh, tiêu dùng, muốn được vay với số tiền lớn nhưng lại gặp khó khăn do nợ xấu hoặc không đủ điều kiện vay vốn tại các tổ chức tín dụng, tài chính. Từ đó, các đối tượng mạo danh một số ngân hàng và các công ty tài chính uy tín tại Việt Nam, tạo lập website, ứng dụng, chạy quảng cáo thông qua các nền tảng mạng xã hội để chào mời cho vay tín chấp với lãi suất đặc biệt thấp.
Các đối tượng lừa đảo tạo lập nhiều tài khoản facebook với các nguồn thông tin giả, tham gia vào các hội nhóm, diễn đàn, đăng bài quảng cáo cho vay tín chấp với lãi suất thấp (chỉ 1%/ tháng), thủ tục đơn giản, không cần gặp trực tiếp; nợ xấu vẫn vay được; không thế chấp, không thẩm định, chỉ cần Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân và có tài khoản ngân hàng/thẻ ATM là có thể vay được tiền.
Khi có người vay tiếp cận, đối tượng sẽ yêu cầu người vay cung cấp thông tin cá nhân như: họ tên, số điện thoại, ảnh chụp CMND/CCCD, ảnh chụp chân dung… phục vụ làm hồ sơ vay.
Sau khi hướng dẫn người vay xác minh thông tin, duyệt khoản vay, đối tượng tiếp tục lấy hàng loạt lý do khoản vay không được giải ngân xuất phát từ lỗi khai hồ sơ của người vay (như khai sai tên người hưởng thụ, đổi cách viết tên người hưởng thụ từ chữ in thường sang in hoa, không đủ điều kiện vay, thừa hoặc sai một số trên số căn cước công dân…). Từ đó, chúng yêu cầu người vay phải nộp thêm các khoản tiền để bảo đảm khoản vay hoặc khắc phục lỗi hệ thống; hứa hẹn sẽ hoàn trả lại số tiền đã gửi cho khách hàng sau khi khoản vay được giải ngân. Tuy nhiên, khi người vay chuyển tiền vào số tài khoản của các đối tượng cung cấp, các đối tượng sẽ lập tức chiếm đoạt và ngắt liên lạc.
Trước thủ đoạn lừa đảo tinh vi, có nhiều diễn biến phức tạp trên không gian mạng, người dân cần:
- Chủ động nâng cao ý thức cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi có nhu cầu vay tiền, cần liên hệ trực tiếp với các tổ chức tín dụng để được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn.
- Cảnh giác, tìm hiểu kỹ, xác thực chính xác công ty tài chính, tư vấn viên trước khi tiến hành các thủ tục vay tiền bằng cách: kiểm tra mã số thuế, địa chỉ, người đại diện công ty, gọi điện thoại đến các số đường dây nóng, chăm sóc khách hàng của các công ty, kiểm tra kỹ các đường link trang web trước khi truy cập. Nên tư vấn thêm ý kiến của người thân có nhiều kinh nghiệm trước khi làm các thủ tục vay.
- Không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân (CMND/CCCD, địa chỉ, hình ảnh nhận diện khuôn mặt…) khi chưa xác định chính xác website, ứng dụng và danh tính tư vấn viên.
- Tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP được gửi vào hòm thư, điện thoại di động cho các đối tượng. Không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân mà các đối tượng lạ cung cấp, dụ dỗ.
- Nhanh chóng trình báo cơ quan công an nơi gần nhất khi phát hiện thủ đoạn mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc bị mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
HG
Tài liệu tham khảo
Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến (2023) – Bộ Thông tin và truyền thông