Gửi tiết kiệm ngân hàng hay mua bảo hiểm nhân thọ?
Với khách hàng, cần phân biệt giữa gửi tiết kiệm và mua bảo hiểm nhân thọ.
Bảo hiểm nhân thọ được hiểu là cách thức dự phòng tài chính cho tương lai với mục đích bảo vệ tài sản trước những rủi ro liên quan tới sức khỏe, thân thể, tính mạng, đến thời điểm đáo hạn thì bạn sẽ nhận lại được một khoản tiền nhất định. Trong khi đó, gửi tiết kiệm ngân hàng là cách thức gửi tiền vào ngân hàng và hưởng lãi suất tiết kiệm tương ứng với kì hạn gửi.
Với hình thức gửi tiết kiệm ngân hàng, số tiền khách hàng gửi vào ngân hàng, gần như toàn bộ số tiền này được đem đi đầu tư sinh lãi. Phía ngân hàng sẽ trả lãi suất tương ứng với kì hạn gửi. Hơn nữa, gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng đã tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG) thì quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền luôn được Nhà nước bảo đảm.
Theo Điều 2, Thông tư 48/2018/TT-NHNN ngày 31/1/2018 quy định về tiền gửi tiết kiệm: Tổ chức tín dụng nhận tiền gửi tiết kiệm quy định tại Thông tư này là tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, bao gồm: Ngân hàng thương mại; Ngân hàng hợp tác xã; Tổ chức tài chính vi mô; Quỹ tín dụng nhân dân; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng nhận tiền gửi của người dân thông qua các chi nhánh, phòng giao dịch. Hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0%, không phải tham gia BHTG, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước.
Theo Luật BHTG, các tổ chức tín dụng huy động tiền gửi của cá nhân phải tham gia BHTG. Người gửi tiền sẽ được bảo hiểm đối với khoản tiền gửi của mình trong trường hợp tổ chức tín dụng bị phá sản hoặc mất khả năng chi trả, quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền luôn được ưu tiên đảm bảo.
Ở Việt Nam hiện nay có duy nhất một tổ chức bảo hiểm tiền gửi là Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) - tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Vậy, người gửi tiền có thể nhận biết tổ chức tín dụng đã tham gia BHTG bằng cách nào?
Điều 15, Luật BHTG quy định: “Tổ chức tham gia BHTG phải niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tham gia BHTG tại tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi”.
Bản sao Chứng nhận tham gia BHTG là bản sao do BHTGVN cấp từ sổ gốc. Chứng nhận tham gia BHTG là văn bản thể hiện việc một tổ chức tín dụng đã tham gia BHTG.
Tổ chức tín dụng đã tham gia BHTG phải niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tham gia BHTGtại: Tại trụ sở chính của tổ chức tham gia BHTG; trụ sở chi nhánh của tổ chức tham gia BHTG; tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi của cá nhân.
Do đó, người gửi tiền có thể nhận biết tổ chức tín dụng đã tham gia BHTG qua việc quan sát điểm giao dịch của tổ chức tín dụng có niêm yết bản sao Chứng nhận tham gia BHTG hay không. Bản sao Chứng nhận tham gia BHTG có đầy đủ thông tin của Chứng nhận tham gia BHTG, gồm: Tên tổ chức BHTG; tên tổ chức tham gia BHTG; nội dung khác theo quy định của BHTGVN.
Người gửi tiền là cá nhân khi gửi tiền vào tổ chức tham gia BHTGkhông phải đóng phí BHTG. Các tổ chức tín dụng có huy động tiền gửi của cá nhân phải tham gia BHTG và chịu trách nhiệm nộp phí BHTG đầy đủ và đúng thời hạn.
BHTGVN chịu trách nhiệm tính và thu phí BHTG đối với tổ chức tham gia BHTG.
Với bảo hiểm nhân thọ, số tiền khách hàng tham gia bảo hiểm, sau khi trừ các khoản phí, dùng để chi trả các quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng. Phần còn lại mới được tích lũy hoặc đem đi đầu tư sinh lãi cho khách hàng.
Tham gia bảo hiểm nhân thọ là kế hoạch dài hạn, những năm đầu các khoản phí trừ đi rất cao, nên phần còn lại để tích lũy hay đầu tư là rất ít. Một số công ty bảo hiểm có thêm khoản phí hủy hợp đồng trước hạn nữa, nên nếu hủy hợp đồng và rút tiền về sớm thì số tiền nhận lại là rất thấp, thậm chí là 0 đồng.
Còn gửi tiền vào ngân hàng, bạn có quyền quyết định thời hạn gửi tiền. Ví dụ chọn gửi với lãi suất có kỳ hạn thì tiền lãi sẽ nhiều hơn so với gửi tiền lãi suất không kỳ hạn. Vậy gửi tiết kiệm ngân hàng cho phép bạn linh động thời hạn gửi tiền.
Chính vì vậy, khi xảy ra rủi ro liên quan tới sức khỏe và tính mạng, nếu gửi tiết kiệm tại ngân hàng bạn chỉ có thể rút về số tiền bạn đã gửi kèm lãi (nếu có), còn nếu tham gia bảo hiểm nhân thọ bạn sẽ nhận về số tiền lớn hơn rất nhiều lần số tiền đã gửi vào. Tùy vào mục đích tích lũy hay bảo vệ mà bạn quyết định lựa chọn cho hợp lý.
Vai trò chủ chốt của bảo hiểm là bảo vệ. Khi tìm hiểu bảo hiểm thì hãy yêu cầu người tư vấn viên nói thật kỹ, thật rõ về quyền lợi được bồi thường, chi trả viện phí. Hiện nay có thêm sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư thì có thể quan tâm thêm về lãi suất để gia tăng tài sản, nhưng yếu tố bảo vệ vẫn được quan tâm đầu tiên.
Mỗi hình thức đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Trước khi quyết định sử dụng loại dịch vụ nào, bạn cần cân nhắc xem mục đích của mình là gì.
Nếu đơn thuần chỉ muốn đầu tư sinh lời và có một khoản tiết kiệm phòng thân, bạn hãy chọn gửi tiết kiệm ngân hàng. Đồng thời, khi gửi tiền tiết kiệm ngân hàng, tiền gửi của bạn được tự động BHTG. Nếu muốn đề phòng rủi ro, bất trắc trong tương lai, có thể sử dụng bảo hiểm nhân thọ.
Bị phạt đến 500 triệu đồng nếu ngân hàng "ép" khách hàng mua bảo hiểm
Thời gian qua, các vụ việc nổi cộm liên quan đến bảo hiểm nhân thọ như: Tư vấn viên bảo hiểm không rõ ràng khiến khách hàng mất tiền, hiện tượng ép người vay vốn ngân hàng mua bảo hiểm, gửi tiền ngân hàng lại biến thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ... Những thông tin không tích cực về việc ký kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã ảnh hưởng chung đến toàn thị trường, trong đó có khối kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ qua kênh Bancassurance (bán bảo hiểm qua ngân hàng).
Hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung). Trong đó, tại Điều 7 Chương II của Dự thảo Nghị định có quy định phạt tiền từ 400 triệu đồng đến 500 triệu đồng đối với hành vi: “ vi phạm quy định về gắn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng”.
Nếu Dự thảo Nghị định được ban hàng, trường hợp ngân hàng “ép” khách mua bảo hiểm, ngân hàng có thể bị phạt tới 500 triệu đồng. Đây là động thái quyết liệt của NHNN nhằm ngăn chặn tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm để được vay vốn đã gây bức xúc trong dư luận thời gian qua, đồng thời góp phần tạo hành lang pháp lý, chế tài để thị trường này đi vào khuôn khổ, phát triển an toàn, lành mạnh.
Pháp luật hiện hành đã có quy định nghiêm cấm hành vi "ép" khách hàng mua, giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Hiện nay, Bộ Tài chính là cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm. Đối với các tổ chức tín dụng có hoạt động đại lý bảo hiểm, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cũng có quy định về vấn đề này.
Thời gian qua, về phía ngành ngân hàng, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và đối tượng quản lý, liên quan đến vấn đề này, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng, đồng thời đảm bảo việc các tổ chức tín dụng tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, NHNN đã thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo các tổ chức tín dụng về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm, và tăng cường thanh tra, giám sát đối với hoạt động này tại các tổ chức tín dụng.
Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm, không để xảy ra trường hợp tổ chức tín dụng, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm; tăng cường rà soát, giám sát chặt chẽ hoạt động đại lý bảo hiểm của các chi nhánh tổ chức tín dụng …
Bên cạnh sự phối hợp của các cơ quan chức năng (NHNN, Bộ Tài chính), ngành Ngân hàng cần đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho khách hàng về các sản phẩm đầu tư tài chính, trong đó có bảo hiểm.
Thanh Thủy