Hạn mức BHTG cho tiền gửi tại ngân hàng nhận tiền gửi (DMB) đã tăng từ 500.000 Naira (hơn 360 đô la Mỹ) lên 5 triệu Naira (hơn 3600 đô la Mỹ); hạn mức cho tiền gửi tại ngân hàng tài chính vi mô (MFB) từ 200.000 Naira lên 2 triệu Naira; hạn mức cho tiền gửi tại ngân hàng thế chấp chính (PMB) từ 500.000 Naira lên 2 triệu Naira; hạn mức cho tiền gửi tại ngân hàng dịch vụ thanh toán (PSB) từ 500.000 Naira lên 2 triệu Naira và hạn mức cho thuê bao sử dụng tiền di động (MMO) từ 500.000 Naira lên 5 triệu Naira cho mỗi thuê bao di động.
Tổng giám đốc NDIC - ông Bello Hassan cho biết, Ủy ban Quản lý lâm thời (IMC) của NDIC đã phê duyệt hạn mức bảo hiểm tiền gửi sửa đổi trong cuộc họp lần thứ 18 được tổ chức vào ngày 24 và 25/4/2024. Quyết định này phù hợp với cam kết của NDIC trong việc bảo vệ người gửi tiền tốt hơn, thúc đẩy niềm tin của công chúng, tăng cường tài chính toàn diện và sự ổn định của hệ thống tài chính ngân hàng.
Ông Hassan nhấn mạnh rằng trước đó hạn mức bảo hiểm tiền gửi đã được đánh giá vào năm 2016 và những thay đổi của bối cảnh kinh tế xã hội đòi hỏi việc xem xét mức độ phù hợp của hạn mức hiện hành với Nguyên tắc số 8 của Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả do Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI) ban hành. Theo đó, các quốc gia và vùng lãnh thổ phải định kỳ xem xét hạn mức bảo hiểm tiền gửi để đảm bảo rằng hạn mức bảo hiểm tiền gửi BHTG đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền nhằm ngăn ngừa rủi ro rút tiền hàng loạt tại ngân hàng, nhưng vẫn đảm bảo một lượng tiền gửi đáng kể vẫn tuân theo kỷ luật thị trường. Do đó, NDIC đã tiến hành một nghiên cứu vào năm 2023 để xác định mức độ phù hợp của hạn mức bảo hiểm tiền gửi.
Khi đưa ra mức bảo hiểm mới, NDIC đã xem xét các yếu tố như phân phối tiền gửi, tác động của lạm phát, GDP bình quân đầu người, tỷ giá hối đoái và các yếu tố khác theo mô hình thống kê. Hạn mức bảo hiểm tiền gửi mới đối với tiền gửi DMB hiện bảo hiểm toàn bộ cho 98,98% tổng số người gửi tiền và 25,37% tổng số tiền gửi trong khi hạn mức bảo hiểm mới đối với tiền gửi MFB bảo hiểm toàn bộ cho 99,27% tổng số người gửi tiền và 34,43% tổng số tiền gửi. Đối với các PMB, hạn mức bảo hiểm mới bảo hiểm toàn bộ cho 99,34% tổng số người gửi tiền và 21,04% tổng số tiền gửi, trong khi đối với PSB thì tỷ lệ này lần lượt là 99,99% tổng số người gửi tiền và 43,10% tổng số tiền gửi.
Ông Hassan nhấn mạnh rằng, hạn mức BHTG sửa đổi đã cân bằng các mục tiêu của NDIC về bảo vệ tiền gửi và ổn định hệ thống tài chính với các động cơ khuyến khích người gửi tiền thực hiện kỷ luật thị trường, ngăn ngừa việc các ngân hàng gặp phải rủi ro không cần thiết và rủi ro đạo đức. Ông cho biết NDIC đã cân nhắc để đảm bảo rằng hạn mức bảo hiểm là có giới hạn nhưng đủ để bảo vệ một số lượng lớn người gửi tiền và đủ tin cậy để ngăn chặn tác động gây bất ổn của việc rút tiền hàng loạt.
Về nguồn vốn, việc áp dụng hạn mức bảo hiểm tiền gửi mới được hỗ trợ bởi nguồn vốn hiện tại của NDIC trong Quỹ bảo hiểm tiền gửi (DIF), nguồn thu phí bảo hiểm hàng năm, tăng cường giám sát nhằm giảm khả năng xảy ra rủi ro phá sản ngân hàng, khuôn khổ xử lý ngân hàng hiệu quả và các thỏa thuận cấp vốn khác theo Đạo luật NDIC số 33 năm 2023. Đây là cam kết của NDIC với người gửi tiền trong việc đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính trong nước.
Về quyền hạn của NDIC trong việc đánh giá hạn mức bảo hiểm tiền gửi, Hassan cho biết, cơ sở pháp lý dựa trên Mục 25(2) của Đạo luật NDIC 2023, cho phép NDIC thay đổi hạn mức bảo hiểm đối với tiền gửi tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đổ vỡ.
Trước đó, hạn mức bảo hiểm tiền gửi đã được nâng từ 50.000 Naira lên 200.000 Naira vào năm 2006. Hạn mức bảo hiểm 100.000 Naira cũng được áp dụng lần đầu tiên cho tiền gửi tại MFB và PMB trong cùng năm. Năm 2011, hạn mức bảo hiểm cho tiền gửi tại DMB đã tăng từ 200.000 Naira lên 500.000 Naira và từ 100.000 Naira lên 200.000 Naira đối với tiền gửi tại MFB và PMB. Ngoài ra, hạn mức bảo hiểm tiền gửi đã được điều chỉnh tăng thêm lên 500.000 Naira vào năm 2016 đối với tiền gửi tại PMB cũng như thuê bao sử dụng tiền di động được cấp phép. Mức bảo hiểm 500.000 Naira đã được tăng lên cho tiền gửi tại PSB vào năm 2020.
NDIC được thành lập năm 1989 theo Nghị định số 22 của Ngân hàng trung ương Nigeria như một biện pháp cải cách kinh tế của Chính phủ nhằm tăng cường an toàn cho khu vực ngân hàng theo chính sách tự do hóa và áp dụng Chương trình Điều chỉnh Cơ cấu (SAP) năm 1986 ở Nigeria. NDIC hoạt động với mô hình giảm thiểu rủi ro và có chức năng bảo vệ người gửi tiền, giám sát, xử lý, thanh lý v.v. |
TX