Nâng cao hiểu biết cho người dân qua truyền thông chính sách BHTG
Truyền thông chính sách là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống. Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020. Theo đó, một nội hàm quan trọng là tăng cường hiểu biết tài chính cho người dân nhằm mục tiêu thay đổi nhận thức, hành vi và tạo thói quen tài chính tốt trong cộng đồng. Gắn với đó, chính sách BHTG là một bộ phận không thể tách rời của chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, và ngược lại, những diễn biến của hoạt động ngân hàng cũng có thể tác động tới người gửi tiền, kéo theo tác động tới tổ chức BHTG và chính sách BHTG.
Người dân rất cần tìm hiểu chính sách BHTG bởi hiểu biết đầy đủ, chính xác về chính sách BHTG góp phần hình thành hành vi, thói quen ứng xử của người gửi tiền trước mỗi thông tin trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Nếu truyền thông chính sách BHTG hiệu quả sẽ giúp người dân có trách nhiệm khi lựa chọn và gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG; bình tĩnh, sáng suốt trước những thông tin thiếu tích cực, tránh các hành vi mang tính kích động, gây ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng và nền kinh tế và an toàn trật tự xã hội như rút tiền hàng loạt, đầu tư vào các loại hình tín dụng đen…
Theo quy định tại Luật BHTG, BHTGVN có nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHTG, là một trong những nghiệp vụ nền tảng giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Trên cơ sở đó, công tác phổ biến kiến thức về BHTG lồng ghép với các hoạt động tiền gửi - ngân hàng - tài chính được BHTGVN tích cực triển khai theo hướng đa dạng về nội dung, hình thức, đưa chính sách BHTG lan toả rộng rãi tới các nhóm công chúng thuộc mọi tầng lớp dân cư.
Cụ thể, nhiều thông tin về thời sự hoạt động ngành ngân hàng, chính sách liên quan tới bảo vệ người gửi tiền của Ngân hàng Nhà nước cũng như các vấn đề cần định hướng, tư vấn cho người gửi tiền được đăng tải trên trang web của BHTGVN và Bản tin BHTG hàng quý. Bên cạnh đó, thông tin về hoạt động BHTG thường xuyên được “phủ sóng” trên các báo, tạp chí trong, ngoài ngành ngân hàng.
Nội dung cốt lõi chính sách BHTG cũng được truyền thông một cách linh hoạt qua các kênh phát thanh, truyền hình quốc gia dưới hình thức tọa đàm chính sách, tiểu phẩm tuyên truyền hay tư vấn chính sách.
Ngoài tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều sự kiện tuyên truyền chính sách BHTG tới là cán bộ quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính vi mô được tổ chức ở nhiều địa phương trên cả nước. Đồng thời, việc truyền thông chính sách hướng mạnh về người gửi tiền tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, thiếu thông tin về hoạt động ngân hàng thông qua việc tuyên truyền qua hệ thống bưu cục, bưu điện của VNPOST hay qua các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương như Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội Nông dân,…
Mỗi cán bộ BHTGVN là một ”đại sứ niềm tin”
Có thể thấy, nỗ lực đổi mới trong công tác phổ biến chính sách của BHTGVN đã và đang đáp ứng được nhu cầu thông tin của người dân, góp phần củng cố lòng tin của người dân đối với chính sách BHTG và hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, để chính sách BHTG ngày càng đi vào cuộc sống, thực hiện tốt tôn chỉ, mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền thì hoạt động truyền thông cần được đẩy mạnh hơn nữa. Mỗi cán bộ BHTGVN cần là một “đại sứ niềm tin”, là một tuyên truyền viên đáng tin cậy trong con mắt của người dân, cần bồi dưỡng và rèn luyện những tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực sau:
Học tập và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn vững vàng, có hiểu biết sâu sắc về các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG; chức năng, nhiệm vụ và vai trò của tổ chức BHTG; các cơ chế bảo hiểm và quyền lợi cơ bản của người gửi tiền khi được bảo vệ bởi chính sách BHTG.
Có ý thức về trách nhiệm tuyên truyền chính sách BHTG đến công chúng, phối hợp công tác tuyên truyền trong các khâu nghiệp vụ, trong công việc cũng như đời sống hàng ngày. Tăng cường giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức nghiệp vụ giữa các phòng ban để phát huy khả năng truyền thông, không coi nhiệm vụ thông tin tuyên truyền chỉ dành cho cán bộ, bộ phận tuyên truyền.
Hoạt động tuyên truyền giữa các bộ phận, cán bộ cần chính xác, đúng định hướng và có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, không phát ngôn tuỳ hứng chủ quan; bảo đảm tuyên truyền có tổ chức, có hệ thống, có thông điệp rõ ràng, thống nhất từ Trụ sở chính đến các chi nhánh, từ các cán bộ tuyên truyền tới các cán bộ nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, các cán bộ có điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ với các tổ chức tham gia BHTG và người gửi tiền.
Các tuyên truyền viên không chỉ có nhiệm vụ thông tin thuần tuý mà còn cần thực hiện thông tin hai chiều, nắm bắt nguyện vọng, mức độ nhận thức của công chúng về chính sách BHTG để góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống các TCTD, từ đó tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong thực thi chính sách BHTG.
Cần xây dựng hình ảnh cán bộ BHTGVN có tác phong làm việc chuyên nghiệp, có văn hóa giao tiếp, có năng lực tiếp nhận và xử lý thông tin, có khả năng thuyết phục và truyền đạt, có phong cách ứng xử, tác nghiệp chuẩn mực trong quá trình công tác, phối hợp với cá nhân, đơn vị bên ngoài, đặc biệt là với người gửi tiền.
Xây những “nhịp cầu” nối niềm tin về BHTGVề phía BHTGVN, để khuyến khích và phát huy vai trò mỗi cán bộ BHTGVN là một tuyên truyền viên chính sách BHTG, cần có những giải pháp đồng bộ, thống nhất trên toàn hệ thống, cụ thể:
Thứ nhất, định kỳ cung cấp thông tin và định hướng tuyên truyền cho các cán bộ trong toàn hệ thống, xác định thông điệp và thường xuyên đổi mới để phù hợp với mục tiêu truyền thông theo từng giai đoạn, trình độ dân trí, điều kiện phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương. Ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác chia sẻ thông tin, kết hợp vừa có thông tin miệng vừa có văn bản, tài liệu để cán bộ nghiên cứu, học tập và làm căn cứ truyền tải thông tin tới người gửi tiền.
Thứ hai, tập huấn kỹ năng, phương pháp tuyên truyền chính sách pháp luật về BHTG cho cán bộ. Việc nâng cao năng lực cần được thực hiện trên cơ sở đánh giá nhu cầu, xác định điểm thiếu hụt, điểm yếu của cán bộ và của tổ chức để bổ sung, bồi đắp. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến đào tạo các kỹ năng cần thiết như thuyết trình, xử lý khủng hoảng, phản ứng trước đám đông, giao tiếp với báo chí, với người gửi tiền…
Thứ ba, tăng cường kết hợp tuyên truyền chính sách pháp luật về BHTG trong công tác kiểm tra QTDND; tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ, giải đáp thắc mắc đối với QTDND và các đối tượng thụ hưởng quyền lợi về BHTG (thông qua hoạt động đối chiếu trực tiếp khách hàng gửi và vay tiền tại QTDND khi kiểm tra QTDND theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam).
Thứ tư, tổ chức diễn tập, phổ biến và hướng dẫn ứng dụng “Phương án truyền thông xử lý thông tin khủng hoảng liên quan đến BHTGVN” đã được ban hành theo Quyết định số 94a/QĐ-BHTG ngày 30/3/2022 của HĐQT BHTGVN tới cán bộ làm công tác truyền thông nói riêng và cán bộ BHTGVN nói chung. Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ được chuẩn bị sẵn sàng về tâm thế và cơ chế, kịp thời xử lý trong trường hợp xảy ra các tình huống diễn biến bất thường như: truyền thông khi phát sinh nghĩa vụ chi trả, khi xảy ra khủng hoảng tổ chức tín dụng ở quy mô nhỏ và khi có tác động dây chuyền, khủng hoảng truyền thông của tổ chức BHTG cũng như các kịch bản khác có thể diễn ra.
Cuối cùng, đẩy mạnh truyền thông nội bộ để xây dựng hình ảnh cán bộ BHTGVN không chỉ nắm vững chính sách, quy định, tinh thông nghiệp vụ…mà còn hiểu rõ chủ trương, chỉ đạo của Ban lãnh đạo BHTGVN, xứng đáng là những “nhịp cầu” nối niềm tin giữa Nhà nước, tổ chức BHTG với tổ chức nhận tiền gửi, người gửi tiền và người dân.
TM