Ngay từ những năm 1920, khi chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Cách mạng muốn thành công trước hết phải có Đảng, “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”[1]. Sau này, Đảng trở thành đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh nhiều lần nêu lên vai trò hết sức quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng: “Là một Đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu”[2]; “Đối với vận mệnh của nước nhà và dân tộc, Đảng có trách nhiệm vô cùng to lớn. Cho nên xây dựng Đảng là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của nhân dân ta”[3]. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Đảng “cũng ở trong xã hội”. Đảng là một cơ thể sống, tồn tại và phát triển theo quy luật khách quan, có hấp thụ, có đào thải. Đảng phải có một số lượng đảng viên nhất định mới hình thành nên tổ chức đảng. Do đó, Đảng phải thường xuyên bồi dưỡng và làm tốt công tác phát triển đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích “Nếu Đảng ta không biết chọn lọc, kết nạp, đề bạt đồng chí mới thì đâu có như ngày nay”[4].
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò quan trọng của thanh niên, lực lượng kế cận của Đảng đối với sự nghiệp Đảng, tương lai, vận mệnh của dân tộc, tiền đồ của Tổ quốc. Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1946, Người viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”[5]. Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II (năm 1956), Người có dạy: “Đoàn là cánh tay đắc lực của Đảng để thực hiện những chủ trương, chính sách cách mạng”, Người còn căn dặn: “Phải củng cố tổ chức Đoàn, phải đoàn kết nội bộ thật chặt chẽ và phải đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên”. Tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Người chỉ rõ: “Đoàn thanh niên lao động - phải là cánh tay đắc lực của Đảng trong việc tổ chức và giáo dục các thế hệ thanh niên, nhi đồng thành những chiến sĩ tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Đây là một chức năng hết sức quan trọng của tổ chức đoàn với tư cách là một tổ chức quần chúng gần Đảng nhất mà trong Điều lệ Đảng từ trước đến nay đều ghi rõ.
Trong Di chúc trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên là hệ thống nhận thức tư duy, quan điểm lý luận của Người về những vấn đề quan trọng: Nhìn nhận, đánh giá vai trò, vị trí của thanh niên trong tiến trình lịch sử qua các thời kỳ cách mạng; đường lối nội dung bồi dưỡng, giáo dục - đào tạo thanh niên thành lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; nhiệm vụ công tác thanh niên của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đội dự bị tin cậy của Đảng. Là người sáng lập và rèn luyện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bác Hồ luôn chú trọng vấn đề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên và công tác Đoàn. Người căn dặn: “Chi bộ phải chăm lo xây dựng Đoàn thanh niên cho thật tốt”, đồng thời: “Trung ương và các cấp đảng bộ địa phương phải chăm sóc hơn nữa đến công tác thanh niên”, trong đó vấn đề quan trọng là chăm lo công tác xây dựng Đoàn để “phát huy tác dụng tiên phong của Đoàn về mọi mặt”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất coi trọng vai trò của nhà nước trong công tác thanh niên. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Người đã chỉ thị thành lập Bộ Thanh niên rồi Nha Thanh niên trong Chính phủ để chăm lo công tác thanh niên. Người căn dặn công tác thanh niên “phải liên hệ với các lực lượng của chính phủ”. Điều này có nghĩa là muốn đưa công tác thanh niên đạt đến kết quả như mong muốn, trước hết Đảng cần tăng cường sự lãnh đạo và tổ chức sự phối hợp giữa nhiều lực lượng, trong đó vai trò của Chính phủ là vô cùng quan trọng. Hồ Chí Minh cũng thường xuyên nhắc nhở mọi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên chăm lo, giáo dục, rèn luyện thanh niên. Người nói: “Các đồng chí già rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đồng chí già phải giúp đỡ cho đồng chí trẻ tiến bộ. Như thế, đòi hỏi ở đồng chí già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ. Đó cũng là một tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa”. Người cũng lấy ví dụ rất cụ thể để căn dặn: “Có số thanh niên tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay là trên trời rơi xuống, không biết sự gian nan, cực khổ cũ. Các đồng chí già phải kể lại cho họ nghe. Đó là một cách giáo dục thanh niên”. Đối với những tấm gương anh hùng cách mạng, với những chiến công của các anh hùng dũng sĩ đã lập nên trong công cuộc cứu nước và giữ nước, Người căn dặn: “Chúng ta phải ghi chép và thường nhắc lại những sự tích ấy… để giáo dục thanh niên ta rèn luyện một ý chí kiên quyết, quật cường, một tâm lý quả cảm xung phong, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của Tổ quốc”... Thực hiện tốt điều này là nhằm bảo đảm cho thanh niên “có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng”[6]. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải sống xứng đáng với truyền thống vẻ vang của dân tộc.
Vì vậy, để bồi dưỡng thanh niên một cách toàn diện, có thể đảm nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ khó khăn, gian khổ khi cách mạng giao phó, cần thực hiện những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên
Theo đó, cần bồi dưỡng thanh niên có nhận thức đúng đắn về Chủ nghĩa xã hội, nâng cao ý chí phấn đấu vì lý tưởng cao cả là độc lập dân tộc và tiến lên xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội.
Lý tưởng cao đẹp mà chúng ta đang phấn đấu thực hiện đã được Hồ Chí Minh xác định khi gắn liền sự nghiệp giải phóng dân tộc với cách mạng vô sản, khi kết hợp chặt chẽ độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Lý tưởng độc lập dân tộc, tự do và chủ nghĩa xã hội đã trở thành niềm tin, lẽ sống của nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Có giác ngộ lý tưởng cách mạng, thanh niên mới đảm đương được sứ mệnh đưa lá cờ bách chiến, bách thắng của Đảng và của dân tộc đến thắng lợi cuối cùng.
Giáo dục thanh niên thấm nhuần sâu sắc lý tưởng giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, xây dựng một xã hội mới tốt đẹp, công bằng và hạnh phúc.
Bên cạnh đó, giáo dục cho thanh niên nhận thức đúng đắn về nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Việt Nam, như Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ ra rằng: “Đảng ở trong quần chúng ra để phụng sự quần chúng”, “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”. Chính vì vậy, khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền, Người luôn quan tâm đến trách nhiệm của Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên là phải phục vụ nhân dân, chứ không phải trở thành những vị “quan cách mạng”, chỉ biết vinh thân, phì gia. Người khẳng định: Đảng ta không phải là Đảng làm quan mà Đảng phải lo đời sống cho nhân dân, trước mắt là sản xuất”. Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, là Đảng cầm quyền, Đảng phải có trách nhiệm đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trách nhiệm của Đảng cầm quyền khó khăn hơn, to lớn hơn, phức tạp hơn so với trước khi Đảng giành chính quyền. Người nêu rõ: “Dân không đủ muối, Đảng phải lo. Dân không có gạo ăn đủ no, dân không có vải mặc đủ ấm, Đảng phải lo. Các cháu bé không có trường học, Đảng phải lo. Tôi lo chuyện này lắm: Các cháu mắt choẹt, da bủng. Tất cả mọi việc, Đảng phải lo. Việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, đấu tranh giành thống nhất nước nhà, Đảng phải lo. Ngay đến cả tương, cà, mắm, muối của dân, Đảng đều phải lo”[7].
Lý tưởng của Hồ Chí Minh hướng tới mang tư tưởng nhân văn, cách mạng của giai cấp công nhân và những người lao động, lấy hạnh phúc của con người làm nguyên tắc cao nhất. Người trả lời: Học “để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh”. Đây chính là lý tưởng phấn đấu của thanh niên trong điều kiện mới.
Thứ hai, giáo dục cho thanh niên về tư tưởng, chính trị, đạo đức cách mạng của Đảng[8]
Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Hồ Chí Minh đã dẫn lại luận điểm nổi tiếng của Lênin trong tác phẩm Làm gì ở phần Lời mở đầu: “Không có lý luận cách mện, thì không có cách mệnh vận động… Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”. Cũng trong tác phẩm này, Người đã dùng hình ảnh sinh động để chỉ rõ vai trò quan trọng của lý luận cách mạng (chủ nghĩa) đối với sự vững mạnh của Đảng: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Khi đặt vấn đề Đảng phải có chủ nghĩa làm cốt, từ thực tiễn khảo sát nhiều trào lưu tư tưởng trên thế giới, Hồ Chí Minh cũng đồng thời xác định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.
Giáo dục cho thanh niên về chính trị: Xây dựng Đảng về chính trị trước hết là xây dựng đường lối chính trị đúng đắn, đáp ứng được yêu cầu khách quan của tình hình thực tiễn cách mạng, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Đồng thời, sau khi đã có đường lối chính trị đúng đắn, công tác xây dựng Đảng về chính trị phải làm cho đường lối chính trị của Đảng thấm sâu vào mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm cho mọi người nắm vững đường lối của Đảng, tạo ra sự nhất trí cao trong Đảng và đồng thuận trong xã hội, trở thành những hành động cách mạng cụ thể để vượt qua mọi khó khăn, phức tạp, biến chủ trương, nghị quyết của Đảng thành hiện thực.
Giáo dục cho thanh niên về đạo đức: Sinh thời, Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm đến công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, tổ chức, mà còn đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Ngay từ những năm 1925-1927, khi mở các lớp huấn luyện, đào tạo “hạt giống đỏ” của cách mạng Việt Nam để chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng ta, Hồ Chí Minh đã đặt lên trước tiên bài giảng về tư cách của người cách mạng, với 23 điều chuẩn mực mà người cách mạng cần phải có. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh đã dành riêng phần III (trong tổng số 6 phần) để nói về Tư cách và đạo đức cách mạng. Trong Di chúc, Người dặn lại: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Để xây dựng mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo quá trình tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Đó là các nguyên tắc: nói đi đôi với làm, phải nêu gương đạo đức; phải tu dưỡng đạo đức suốt đời; kết hợp giữa xây dựng đạo đức cách mạng với đấu tranh chống những biểu hiện tượng phi đạo đức. Đồng thời, với Người, việc xây dựng Đảng về đạo đức chỉ thực sự có hiệu quả khi được gắn chặt với các nội dung xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị và tổ chức; gắn liền giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng với các nhiệm vụ chính trị và các biện pháp tổ chức, kỷ luật.
Thứ ba, giáo dục cho thanh niên bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Giáo dục cho thanh niên có trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải trên cơ sở quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam trong thời đại ngày nay, trước hết là trong xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thể chế, nguyên tắc tổ chức hoạt động của toàn hệ thống chính trị[9].
Đối với cách mạng Việt Nam, vai trò to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin đã được khẳng định qua 90 năm lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta nhờ kết hợp được chủ nghĩa Mác - Lênin với tình hình thực tế của nước ta, cho nên đã thu được nhiều thắng lợi trong công tác”. Theo Người: “Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta”[10]. Nhờ vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Có thể nói, sự phát triển của đất nước trong thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của các thế hệ trẻ, nhất là tầng lớp thanh niên Việt Nam. Họ vẫn một lòng tin vào Đảng, tiếp tục cùng với Đảng, Nhà nước xây dựng đất nước. Cho nên, hơn lúc nào hết, chúng ta phải giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên để họ kế thừa lý tưởng của các thế hệ cha anh, biến lý tưởng cách mạng thành ý chí cách mạng, thành động lực tinh thần mạnh mẽ, đánh bại âm mưu tuyên truyền kích động của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng một đất nướcViệt Nam giàu mạnh, sánh vai cùng với bạn bè năm châu theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ tư, giáo dục cho thanh niên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh
Bồi dưỡng cho thanh niên nghiên cứu, học tập và thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tổ chức thực hiện học tập, sinh hoạt chuyên đề hằng năm “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”; chuyên đề về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”… định hướng cho thanh niên có lập trường tư tưởng vững vàng, nói và làm theo đúng quan điểm, chủ trương và nghị quyết của Đảng, đoàn kết, nhất trí, nỗ lực cố gắng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.
Đảng bộ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đặc biệt quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đảng viên trẻ
Theo đó, căn cứ Hướng dẫn số 01-HD/TW, ngày 20/9/2016 của Ban Bí thư Hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng; Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW, ngày 05/6/2017 của Ban Tổ chức Trung ương Hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng viên; Căn cứ Chỉ thị số 07-CT/ĐUK, ngày 12/12/2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về tăng cường công tác phát triển đảng viên; Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Đảng ủy BHTGVN đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 1575-KH/ĐU, ngày 25/3/2019 về tăng cường công tác phát triển đảng viên hàng năm để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đảng viên trong Đảng bộ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, trong đó tập trung những nội dung sau:
Đảng ủy Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xác định công tác phát triển đảng viên là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường lực lượng, đảm bảo sự kế thừa, phát triển liên tục của Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo sự nghiệp đổi mới trong giai đoạn cách mạng hiện nay và lâu dài.
Công tác tạo nguồn phát triển đảng phải được chi ủy chi bộ chủ động, phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chi Minh, Công đoàn tìm nguồn bồi dưỡng, giới thiệu ngay từ đầu năm; coi trọng chất lượng, tiêu chuẩn trong công tác phát triển đảng viên; chú trọng phát triển đảng ở những chi bộ có ít đảng viên.
Đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phát triển đảng viên của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nhiệm kỳ đã thông qua.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng cho đoàn viên, cán bộ nhận thức về mục tiêu lý tưởng của Đảng và xác định động cơ đúng đắn, rèn luyện phấn đâu vào Đảng; tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như hội thảo, tọa đàm theo chuyên đề “thanh niên với Đảng, Đảng với thanh niên”, “thanh niên làm theo lời Bác”... nhằm đề xuất những giải pháp tích cực nâng cao chất lượng tạo nguồn kết nạp đảng viên.
Khảo sát, đánh giá, làm tốt công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên: Các tổ chức đoàn thể phát động tốt các phong trào thi đua từ đó lựa chọn, bổ sung nguồn phát triển đảng viên, giác ngộ lý tưởng, bồi dưỡng, giáo dục đối tượng cảm tình Đảng, phấn đấu, rèn luyện để sớm được đứng vào hàng ngũ của Đảng; Các tổ chức đảng thực hiện tốt công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên; thường xuyên làm tốt công tác khảo sát, đánh giá thực trạng chất lượng quần chúng là nguồn kết nạp đảng viên tại đơn vị ngay từ đầu năm; coi trọng chất lượng, đảm bảo nguyên tắc, gắn công tác kết nạp đảng viên với củng cố tổ chức cơ sở đảng; chú trọng nguồn quần chúng ưu tú là đoàn viên người lao động trong toàn hệ thống Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam làm cơ sở để tạo nguồn phát triển đảng viên mới ở từng chi bộ, đảng bộ trực thuộc.
Tăng cườnng công tác giáo dục chính trị tư tưởng: Các cấp ủy Đảng tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức lối sống, tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên, tinh thần nêu gương, xây dựng đảng ở từng chi bộ. Thông qua các phong trào thi đua, học tập, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn các đơn vị, tổ chức đoàn thể giới thiệu cho chi bộ quần chúng ưu tú để xét là cảm tình đảng, bồi dưỡng, xem xét và cử đi học lớp nhận thức về Đảng; Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, lý tưởng cho quần chúng, trang bị kiến thức, hiểu biết về mục tiêu, lý tưởng cách mạng, định hướng cho quần chúng về động cơ phấn đấu vào Đảng; Nâng cao chất lượng công tác tổ chức học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; làm tốt công tác thẩm tra, xác minh lý lịch đối tượng kết nạp đảng đúng quy trình, quy định của Đảng. Quan tâm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng để đội ngũ cấp ủy, cán bộ làm công tác đảng các cấp nắm vững, thực hiện đúng nguyên tắc, thủ tục, quy trình theo Điều lệ Đảng và quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác phát triển đảng viên.
Trong những năm qua, công tác phát triển đảng viên được Đảng bộ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đặc biệt quan tâm và là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng. Các đảng viên được kết nạp đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác, quan hệ quần chúng, tín nhiệm của quần chúng và đảng viên ở đơn vị công tác; đảm bảo không vi phạm về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay theo Quy định của Trung ương về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng, góp phần xây dựng Đảng bộ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao.
Phạm Thanh Bình
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H2011,t.2,tra.289.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t7,tr.415.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t8,tr.279.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t10,tr.467.
[5] Hồ Chí Minh: Về giáo dục thanh niên, Nxb Thanh niên, HN 1980, Tr.82,84.
[6] Hồ Chí Minh toàn tập: Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, t7,tr.455.
[7] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Cao cấp lý luận chính trị: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Lý luận chính trị, H2019, tr105.
[8] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Cao cấp lý luận chính trị: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Lý luận chính trị, H2019, tr112, 113, 114, 119, 121.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, số 35-NQ/TW, ngày 22 tháng 10 năm 2018.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.11, tr. 92.