Thông tư số 39 gồm 5 chương, 22 điều, thay thế Thông tư số 11/2019/TT-NHNN ngày 2/8/2019 quy định về việc kiểm soát đặc biệt đối với TCTD, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 21 Thông tư này[1]. Các nội dung hướng dẫn về kiểm soát đặc biệt TCTD đã kế thừa Thông tư số 11/2019/TT-NHNN, đồng thời quy định các nội dung mới, hướng dẫn cụ thể các quy định tại Luật Các TCTD năm 2024.
Một số điểm mới về kiểm soát đặc biệt đối với TCTD
Về phạm vi điều chỉnh, Thông tư số 39 quy định thẩm quyền quyết định trong kiểm soát đặc biệt TCTD; hình thức kiểm soát đặc biệt; quyết định kiểm soát đặc biệt; thông báo, công bố thông tin kiểm soát đặc biệt; thời hạn kiểm soát đặc biệt, gia hạn thời hạn kiểm soát đặc biệt, chấm dứt kiểm soát đặc biệt; thành phần, số lượng thành viên, cơ cấu, cơ chế hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát đặc biệt; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
So với Thông tư số 11/2019/TT-NHNN, Thông tư 39 đã bỏ các tiêu chí về chỉ tiêu TCTD mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán, giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ, ghi giảm vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt được Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc để phù hợp với điều kiện đặt vào kiểm soát đặc biệt được quy định tại Điều 162 Luật Các TCTD năm 2024.
Về một số nội dung liên quan đến phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt, Thông tư số 39 bổ sung quy định trường hợp ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt có phương án chuyển giao bắt buộc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nếu thấy cần thiết, Ban kiểm soát đặc biệt kiến nghị Thống đốc NHNN (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) thay đổi hình thức kiểm soát đặc biệt.
Ngoài ra, Thông tư 39 cũng bổ sung bên nhận chuyển giao bắt buộc (trong trường hợp kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng thương mại đã có phương án chuyển giao bắt buộc được cấp có thẩm quyền phê duyệt) là đối tượng tham gia Ban kiểm soát đặc biệt. Cấp có thẩm quyền quyết định cụ thể thành phần, số lượng thành viên, cơ cấu Ban kiểm soát đặc biệt phù hợp với hình thức kiểm soát đặc biệt và thực trạng của TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Các quy định trên là cơ sở pháp lý cần thiết giúp TCTD được kiểm soát đặc biệt được chuyển giao bắt buộc, đặc biệt là bên nhận chuyển giao bắt buộc nắm đầy đủ thông tin, thuận lợi trong thực hiện phương án cơ cấu lại cũng như thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của NHNN đối với phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại trong quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém thời gian sắp tới.
Về đối tượng giữ vị trí Trưởng Ban kiểm soát đặc biệt,NHNN đã quy định mở rộng đối tượng làm Trưởng Ban kiểm soát đặc biệt để đảm bảo nguồn nhân sự đáp ứng yêu cầu trong quá trình thực hiện xử lý đối với các TCTD được kiểm soát đặc biệt:
Đối với các TCTD được kiểm soát đặc biệt (trừ quỹ tín dụng nhân dân), Thông tư số 39 bổ sung đối tượng làm Trưởng Ban kiểm soát đặc biệt là lãnh đạo cấp phòng hoặc chức danh tương đương trở lên của các Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; lãnh đạo cấp phòng hoặc chức danh tương đương trở lên của Thanh tra, giám sát NHNN Chi nhánh thành phố Hà Nội, Thanh tra, giám sát NHNN Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh.
Đối với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, Trưởng Ban kiểm soát đặc biệt đã được bổ sung đối tượng là lãnh đạo cấp phòng hoặc chức danh tương đương trở lên của Thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh (nếu có) nơi TCTD được kiểm soát đặc biệt đặt trụ sở chính.
Quy định đối với BHTGVN
Đối với hoạt động tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt TCTD của BHTGVN được quy định tại Điều 18 của Thông tư số 39/2024/TT-NHNN.
Theo đó, một số nội dung được kế thừa Thông tư số 11/2019/TT-NHNN gồm: Cử người tham gia Ban kiểm soát đặc biệt của TCTD được kiểm soát đặc biệt là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; Phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN chi nhánh nơi TCTD được kiểm soát đặc biệt là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đặt trụ sở chính, Ban kiểm soát đặc biệt trong quá trình kiểm soát đặc biệt TCTD; Được tiếp nhận thông tin liên quan đến TCTD yếu kém từ NHNN, Ban kiểm soát đặc biệt để thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong quá trình cơ cấu lại TCTD yếu kém.
Đồng thời, Thông tư số 39 bổ sung một số nội dung mới để phù hợp với Luật Các TCTD năm 2024, cụ thể như sau:
Thứ nhất, BHTGVN cử người để NHNN chi nhánh chỉ định một số chức danh như Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng quản trị; Trưởng ban, thành viên khác của Ban kiểm soát; Giám đốc, Phó giám đốc và các chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt theo đề nghị của NHNN chi nhánh.
Đây là nội dung hoàn toàn mới theo Luật Các TCTD năm 2024, đã quy định cụ thể các vị trí chức danh mà BHTGVN tham gia hỗ trợ đối với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt.
Thứ hai, BHTGVN tham gia đánh giá tính khả thi phương án phục hồi, phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt trên cơ sở đề nghị của Ban kiểm soát đặc biệt.
Nội dung này kế thừa từ Luật Các TCTD năm 2017 theo hướng thu hẹp đối tượng, BHTGVN tham gia đánh giá tính khả thi đối với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt (không còn công ty tài chính và tổ chức tài chính vi mô).
Thứ ba, phối hợp với Ban kiểm soát đặc biệt trong việc xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt. Đối với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, BHTGVN phối hợp với Ban kiểm soát đặc biệt trong việc xây dựng, hoàn thiện phương án phá sản và đề xuất NHNN trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền, tối đa bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại quỹ tín dụng nhân dân.
Thứ tư, BHTGVN phối hợp với TCTD được kiểm soát đặc biệt chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền theo phương án phá sản đã được phê duyệt.
Nội dung thứ ba và thứ tư đã kế thừa một phần từ Luật Các TCTD năm 2017 và quy định cụ thể hơn trong việc phối hợp xây dựng, hoàn thiện phương án phá sản, trong đó hạn mức chi trả cho người gửi tiền có thể tăng tối đa bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại quỹ tín dụng nhân dân.
Một số nhiệm vụ BHTGVN cần triển khai thực hiện trong thời gian tới
Với trách nhiệm được quy định nêu trên là cơ hội để BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại TCTD nhưng cũng là thách thức với nghiệp vụ và nguồn nhân lực hiện nay của BHTGVN. Do đó, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, BHTGVN cần tiếp tục triển khai một số nội dung sau:
Tiếp tục nghiên cứu và tham mưu, đề xuất, tham gia ý kiến với NHNN về việc bổ sung, hoàn thiện các nội dung sửa đổi đối với Luật Bảo hiểm tiền gửi phù hợp với quy định tại Luật Các TCTD năm 2024, Thông tư số 39.
Tiếp tục rà soát và sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quản trị, điều hành của BHTGVN phù hợp với Thông tư số 39, như quy định về tham gia xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt; tham gia kiểm soát đặc biệt; đánh giá tính khả thi phương án phục hồi, phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt; cho người gửi tiền; cử người tham gia quản trị, điều hành quỹ tín dụng nhân dân,... .
Về nguồn lực của BHTGVN cần: (i) Nâng cao năng lực tài chính để đảm bảo thực hiện các biện pháp khi tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt như cho vay đặc biệt, mua trái phiếu dài hạn, cho người gửi tiền; (ii) Chuẩn bị nguồn nhân lực am hiểu sâu về quy định pháp luật, có trình độ nghiệp vụ, kinh nghiệm vàkỹ năng xử lý đáp ứng theo yêu cầu, đảm bảo sẵn sàng tham gia Ban kiểm soát đặc biệt, tham gia quản trị, điều hành quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt theo đề nghị của NHNN.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng công nghệ tin học cần được nâng cấp để đáp ứng các yêu cầu về hoạt động nghiệp vụ; công tác đào tạo, tập huấn, trao đổi và phối hợp trong toàn hệ thống cần được tăng cường.
Với việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trên cùng sự chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ của NHNN, BHTGVN sẽ ngày càng làm tốt hơn vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, tham gia có hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại TCTD yếu kém./.
Phòng Tham gia kiểm soát đặc biệt và Thu hồi tài sản - BHTGVN
[1] Đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản 9 Điều 210 Luật Các tổ chức tín dụng, các nội dung kiểm soát đặc biệt liên quan đến việc điều chỉnh chủ trương, xây dựng, phê duyệt phương án cơ cấu lại được tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 11/2019/TT-NHNN.