Luật BHTG quy định tổ chức BHTG thực hiện “Tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng”; “được phép tiếp cận dữ liệu thông tin của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tổ chức tham gia BHTG để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm để tổ chức BHTG tiếp cận dữ liệu thông tin về tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Chính phủ”; “Yêu cầu tổ chức tham gia BHTG cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm”. Tính đến hết tháng 3/2024, có 1.279 tổ chức tham gia BHTG, gồm 96 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 4 tổ chức tài chính vi mô, 1178 quỹ tín dụng nhân dân, 1 ngân hàng hợp tác. Thông tin báo cáo về hoạt động của tổ chức tham gia BHTG từ dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được BHTGVN tiếp nhận theo quy định tại Thông tư 34/2016/TT-NHNN Quy định việc cung cấp thông tin giữa Ngân hàng nhà nước Việt Nam và BHTGVN bao gồm thông tin bằng văn bản và thông tin điện tử.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của chính sách BHTG trong việc góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền nhằm nâng cao niềm tin công chúng và đảm bảo hoạt động an toàn của thị trường tài chính, tiền tệ, BHTGVN luôn bám sát các quy định của pháp luật về BHTG, quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng để thực hiện nghiệp vụ. Thông qua báo cáo định kỳ và báo cáo chuyên sâu, BHTGVN đã phát hiện những tình huống đột biến phát sinh, các đơn vị vi phạm quy định về BHTG và an toàn trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các thông tin đột biến có thể gây mất an toàn trong hoạt động như người gửi tiền rút tiền gửi ồ ạt dẫn đến nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán… để có những khuyến nghị, cảnh báo các rủi ro có nguy cơ gây mất an toàn trong hoạt động hoặc dẫn đến vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng của tổ chức tham gia BHTG. Kết quả này là một kênh thông tin quan trọng góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; duy trì và nâng cao lòng tin của công chúng đối với hệ thống các tổ chức tín dụng.
Từ năm 2017 đến nay, thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm của tổ chức tham gia BHTG được thực hiện theo Quy chế thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm. Tổ chức tham gia BHTG có trách nhiệm cung cấp, gửi trực tiếp các thông tin chi tiết về tiền gửi được bảo hiểm cho BHTGVN theo quy định. Theo số liệu BHTGVN thu thập được, tính đến ngày 31/12/2023 BHTGVN đang bảo hiểm cho khoảng 115 triệu lượt người gửi tiền, số tiền gửi được bảo hiểm khoảng 8.348 triệu tỷ đồng. Đây được coi là kênh thông tin giúp ngăn ngừa và hạn chế rủi ro phát sinh trong hoạt động huy động tiền gửi của tổ chức tham gia BHTG. Đồng thời, những thông tin này là cơ sở để BHTGVN nghiên cứu đề xuất chính sách cũng như xây dựng, diễn tập các “kịch bản” mô phỏng chi trả với mục tiêu thực hiện nhanh chóng, kịp thời khi phát sinh nghĩa vụ chi trả, qua đó góp phần thiết thực nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Đối với tổ chức tham gia BHTG yếu kém, đây là cơ sở để BHTGVN dự kiến số tiền chi trả BHTG. Số liệu tiền gửi được bảo hiểm là cơ sở để BHTGVN chuẩn bị nguồn lực tài chính, sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, thực hiện chính sách BHTG.
Ngoài thông tin về số dư tiền gửi được bảo hiểm cung cấp định kỳ cho BHTGVN, tổ chức tham gia BHTG có trách nhiệm duy trì thông tin đảm bảo sẵn sàng cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm cho BHTGVN thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BHTG định kỳ và đột xuất theo quy định tại Luật BHTG.
BHTGVN cũng thường xuyên phối hợp, cung cấp, trao đổi thông tin với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố giúp cho hoạt động kiểm tra, giám sát và tuyên truyền chính sách BHTG thuận lợi; qua đó góp phần bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG, đặc biệt là hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên cả nước. Đến nay, BHTGVN đã kí kết quy chế phối hợp, cung cấp, trao đổi thông tin với 100% NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố có quỹ tín dụng nhân dân hoạt động.
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 vừa được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024, Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cho thấy vai trò của BHTGVN ngày càng được nâng cao. Việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng thông tin báo cáo là một trong những nhiệm vụ và ưu tiên hàng đầu phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN như giám sát, kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt giúp phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn tại các tổ chức tham gia BHTG. Để thực hiện được điều này, BHTGVN thường xuyên rà soát, đánh giá sự vận hành và hoàn thiện hệ thống thông tin báo cáo đảm bảo thông tin đầy đủ, đáng tin cậy. Tăng cường phối hợp với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố để việc cung cấp, trao đổi thông tin ngày càng hiệu quả. Thường xuyên đánh giá thực trạng của các tổ chức tham gia BHTG để dự báo trước khả năng chi trả bảo hiểm và chuẩn bị nguồn lực tài chính nếu tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả hoặc phá sản. Điều này cũng được đặt ra tại Chiến lược Phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, BHTGVN phối hợp chặt chẽ với NHNN và các Bộ, ngành liên quan để đề xuất, xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật BHTG, trong đó quy định thêm chức năng, nhiệm vụ cho BHTGVN; các loại thông tin BHTGVN được tiếp cận, chia sẻ để khai thác hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của hoạt động BHTG.
HN