Tiền gửi vào ngân hàng tăng – chỉ dấu về niềm tin
Theo số liệu thống kê, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng năm 2023 tăng cao. Đây được xem là một chỉ dấu về niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.
Đến cuối năm 2023, huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng (gồm cả huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế) ở mức cao, đạt trên 13,82 triệu tỷ đồng, tăng gần 13,5% so với cuối năm 2022, trong đó tiền gửi bằng VND của dân cư tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2022. Trước đó, trong 11 tháng đầu năm 2023, lượng tiền gửi VND của dân cư và tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng tăng khá cao, đạt 11,55% so với cùng kỳ năm 2022 (2022: 7,78%; 2021: 10,12%). Số liệu thống kê trên website của NHNN công bố ngày 15/1 cho thấy, tính đến tháng 10/2023, người dân gửi tiền vào ngân hàng tăng thêm 422 tỷ đồng so với tháng 9, đạt hơn 6,44 triệu tỷ đồng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay. Qua đó phản ánh niềm tin của người dân, tổ chức vào thành quả ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng như niềm tin vào đồng nội tệ, tin tưởng vào công tác điều hành của Chính phủ, NHNN. Đây là một điểm thuận lợi và cũng phản ánh nỗ lực của toàn ngành ngân hàng nói chung và NHNN nói riêng trong năm qua.
Việc tập trung được nguồn tiền nhàn rỗi trong dân vào hệ thống ngân hàng sẽ giúp hệ thống ngân hàng chủ động, linh hoạt hơn trong điều tiết thanh khoản, cung ứng vốn, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau Covid-19, nhất là trong bối cảnh việc giải ngân vốn đầu tư công còn khó khăn.
Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thời gian qua giảm mạnh nhưng lượng tiền gửi vẫn tăng cao cho thấy dòng tiền vẫn còn thận trọng trong việc dịch chuyển sang các kênh khác như bất động sản hay chứng khoán, trái phiếu, đặc biệt, sau hàng loạt các vi phạm về phát hành trái phiếu, thao túng chứng khoán khiến niềm tin bị sụt giảm. Hơn nữa, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 dự báo là vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, năng lực hấp thụ vốn của các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp; nợ xấu có xu hướng gia tăng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng…, nhiều người đánh giá cơ hội kinh doanh, đầu tư vẫn chưa có. Trên thế giới, xung đột địa chính trị thế giới vẫn tiếp tục phức tạp và khó lường, cũng như môi trường kinh doanh còn nhiều bất ổn. Do đó, dù lãi suất tiền gửi thấp nhưng người dân vẫn hướng dòng tiền vào kênh tiết kiệm nhằm đảm bảo an toàn cho nguồn vốn, chờ đợi cơ hội kinh doanh rõ ràng hơn.
Trên thị trường, lãi suất huy động hiện nay đang xuống rất thấp, chủ yếu dao động từ 1,7 - 5,2%. Từ đầu năm mới đến nay, lãi suất huy động tại các NHTM cũng liên tục được điều chỉnh giảm.
Kể từ đầu tháng 1/2024 đến nay, đã có 28 ngân hàng giảm lãi suất huy động gồm: BaoViet Bank, GPBank, Eximbank, SHB, Bac A Bank, KienLong Bank, LPBank, OCB, VIB, TPBank, ABBank, NCB, Viet A Bank, Vietcombank, PVCombank, SCB, HDBank, VietBank, Techcombank, Agribank, BIDV, VietinBank, VPBank, SeABank, MSB, Nam A Bank, MB, BVBank.
Trong đó, OCB, GPBank, SHB, VIB, Bac A Bank, VPBank, Eximbank, VietBank lần thứ hai giảm lãi suất kể từ đầu tháng 1. SHB, NCB, Viet A Bank và KienLong Bank thậm chí đã giảm lãi suất tới 3 lần.
Trong năm 2023, NHNN đã 4 lần liên tục giảm lãi suất điều hành, với mức giảm lên đến 2%/năm. Cùng với việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với điều kiện thuận lợi hơn, mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại cũng giảm theo và lãi suất cho vay đang ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Mặt bằng lãi suất cho vay các khoản vay mới đã giảm trên 2,5%/năm và còn tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Với sự chỉ đạo sát sao cùng những chính sách tài khóa - tiền tệ thiết thực, kịp thời từ NHNN và Chính phủ thời gian qua, cùng với những dự báo khả quan về tình hình kinh tế thế giới và trong nước, năm 2024 sẽ có nhiều điểm sáng kích cầu tín dụng, tạo lực đẩy tăng trưởng tín dụng. Đặc biệt, bối cảnh lãi suất rất thấp thời điểm hiện tại là một trong những nhân tố kéo cầu tín dụng trong thời gian tới.
Tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay
Trong năm 2024, triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, tính bất định cao trong bối cảnh xung đột địa chính trị leo thang, lạm phát cao dai dẳng tại các nước, xu hướng duy trì lãi suất cao tiếp diễn tại nhiều quốc gia. Một số ít dự báo lạm phát và chu kỳ tăng lãi suất trên thế giới sẽ sớm kết thúc và lãi suất có thể quay đầu giảm trong năm 2024.
Theo các chuyên gia, với việc giá trị USD sẽ giảm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất, lạm phát vẫn được kiểm soát, khả năng NHNN phải tăng lãi suất khó xảy ra. Trong khi đó, dư địa giảm lãi suất điều hành cũng không còn nhiều.
Tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2024, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN: Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cho vay, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Chỉ đạo các TCTD công bố công khai và chịu trách nhiệm về lãi suất cho vay bình quân của từng TCTD và chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân trên website của từng TCTD.
Năm 2024, NHNN cho biết sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, tận dụng hiệu quả điều kiện thuận lợi khi tăng trưởng tiền gửi ở mức khá nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Trong đó:
Tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; NHNN sẽ tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh
Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, can thiệp thị trường khi cần thiết và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để có các giải pháp điều hành kịp thời, phù hợp, chủ động, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh nỗ lực của ngành Ngân hàng, để kích cầu tín dụng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng, Chính phủ cũng cần có giải pháp để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh. Trong đó có hoàn thiện pháp lý trong hoạt động kinh doanh, trong lĩnh vực bất động sản; tạo lập môi trường kinh doanh ổn đinh; cùng với đó là các giải pháp về đầu tư, mở rộng thị trường, các chính sách thuế, phí…
Thanh Thủy