Vậy chơi hụi là gì?
Họ, hụi, biêu, phường thực chất chỉ là một hoạt động, mà tùy vào từng vùng miền sẽ có những cách gọi khác nhau. Mục đích ban đầu là việc góp vốn giúp đỡ tương trợ lẫn nhau trong công việc làm ăn, buôn bán. Đây là hình thức huy động vốn "truyền thống" có từ rất lâu đời, với lợi thế huy động vốn nhanh và có lãi suất khá hấp dẫn nên thu hút đông đảo người dân tham gia.
Khi chơi hụi cần có một người đứng ra làm chủ (chủ hụi) và mời các thành viên khác cùng chơi (hụi viên). Chủ hụi có trách nhiệm đi thu tiền (tài sản) của hụi viên. Một “dây hụi” có thể không giới hạn người chơi. Các thành viên của dây hụi thống nhất góp một loại tài sản có giá trị giao dịch (tiền, vàng, gạo…). Dây hụi cũng thỏa thuận số lượng tài sản góp, số kỳ góp, thời gian góp, kỳ mở hụi… Như vậy, hụi là một hình thức chia sẻ kinh tế nhàn rỗi, tương thân hỗ trợ theo vòng lặp.
Quy định pháp luật về hụi, họ, biêu, phường
Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015 quy định chơi hụi là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại, cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh hụi và quyền, nghĩa vụ của các thành viên. Việc tổ chức hụi nhằm tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật Dân sự. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.
Như vậy, hoạt động chơi hụi bản chất không vi phạm pháp luật mà chỉ bị nghiêm cấm nếu người chơi lợi dụng hình thức này để che giấu hoạt động cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp, nếu việc chơi hụi nhằm mục đích tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, không vi phạm những điều cấm của pháp luật, thì hoạt động này được pháp luật bảo vệ. Pháp luật quy định cụ thể mức lãi suất của họ, hụi, biêu, phường phải tuân theo mức lãi suất được quy định trong luật dân sự là không vượt quá 20%/năm và cũng nghiêm cấm những hình thức cho vay nặng lãi (hay còn gọi là tín dụng đen) núp bóng dưới danh nghĩa các nhóm họ, hụi.
Tuy nhiên, thời gian gần đây ngày càng có nhiều vụ việc vỡ hụi, chủ hụi tuyên bố vỡ nợ, không có khả năng chi trả. Một số đối tượng chủ hụi lợi dụng việc chơi hụi để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nhiều người dân dốc toàn bộ tiền tích góp cả đời cho chủ hụi đứng trước nguy cơ không thể lấy lại số tiền dẫn đến cảnh trắng tay, nợ nần.
Để đưa hoạt động của hình thức họ, hụi, biêu, phường về đúng mục đích, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2019/NĐ-CP để quy định chi tiết về cách thức hoạt động, nguyên tắc tổ chức và hình thức thỏa thuận về dây họ. Cụ thể tại Điều 3 Nghị định 19/2019/NĐ-CP nêu các nguyên tắc tổ chức của hoạt động này:
1. Việc tổ chức họ phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật Dân sự.
2. Việc tổ chức họ chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về họ.
3. Không được tổ chức họ để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Tại Điều 7 Nghị định 19/2019/NĐ-CP quy định hình thức thoả thuận về dây họ:
1. Thoả thuận về dây họ được thể hiện bằng văn bản. Văn bản thoả thuận về dây họ được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây họ yêu cầu.
2. Trường hợp thỏa thuận về dây họ được sửa đổi, bổ sung thì văn bản sửa đổi, bổ sung phải được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Thực tế, nhiều người dân đóng góp tiền chơi họ, hụi bằng lòng tin, nghe theo lời mời về khoản lãi suất khủng và khi cần huy động vốn lại rất dễ dàng, thuận lợi, kèm theo đó là sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết trước cám dỗ của đồng tiền... khiến họ tự nguyện mang tiền đến góp mà không có bất kỳ một loại văn bản, giấy tờ nào hoặc có cũng chỉ là những tấm giấy viết tay vô giá trị. Thậm chí nhiều người còn không biết những ai cùng chơi với mình.
Nguy cơ vỡ hụi nhất là ở vùng nông thôn chắc chắn chưa dừng lại. Từ một hình thức tiết kiệm tiền với mục đích tương trợ lẫn nhau, hụi, họ đã bị biến tướng và trở thành một vấn nạn, nhất là khi người cầm hụi, họ có ý định lừa đảo. Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, hy vọng trong tương lai gần họ, hụi, biêu, phường sẽ sớm trở về với đúng chức năng, mục đích vốn có.
Những lưu ý khi tham gia chơi hụi
Đối với chủ hụi:
• Lập sổ hụi khi bắt đầu chơi hụi; ghi rõ và lưu trữ thông tin về người chơi (như Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân, hộ khẩu, nơi cư trú hiện tại);
• Tổ chức họp hụi khi bắt đầu chơi để người chơi biết được có những ai tham gia và người đó là ai.
• Ghi chép lại quá trình đóng hụi, hốt hụi của người chơi và cho người chơi đã đóng hoặc đã hốt hụi ký xác nhận sau mỗi lần đóng hoặc hốt hụi;
• Yêu cầu người chơi hụi cam kết bồi thường thiệt hại cho chủ hụi khi vi phạm việc đóng hụi.
Đối với người chơi hụi:
• Đề nghị chủ hụi cung cấp thông tin cá nhân của chủ hụi và những người tham gia dây hụi (như Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân, hộ khẩu, nơi cư trú hiện tại);
• Đề nghị chủ hụi ghi giấy xác nhận góp hụi khi đến lượt góp, giấy xác nhận đã hốt hụi đối với thành viên đã hốt hụi.
• Công khai thứ tự hốt hụi của người chơi hụi.
• Đề nghị chủ hụi lập văn bản thỏa thuận giữa các người chơi hụi về lãi suất (đối với hụi có lãi); cam kết chịu trách nhiệm trước người chơi khi có rủi ro xảy ra.
Cuối cùng, khuyến khích người dân nên tham gia các hoạt động ngân hàng chính thức, tìm hiểu và lựa chọn các hình thức đầu tư, gửi tiền tiết kiệm khác để vừa phòng tránh rủi ro, cũng như không vi phạm pháp luật khi tham gia. Người dân có tiền nhàn rỗi nên gửi vào các tổ chức tín dụng hợp pháp để được đảm bảo quyền lợi theo quy định của pháp luật. Theo quy định, các tổ chức tín dụng có nhận tiền gửi của cá nhân bằng đồng Việt Nam phải tham gia bảo hiểm tiền gửi (trừ ngân hàng chính sách). Trường hợp tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả cho người gửi tiền hoặc phá sản thì người gửi tiền vẫn được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo đảm hoàn trả tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm theo quy định.
HG