THÔNG CÁO BÁO CHÍ
HỘI THẢO CỦA ỦY BAN CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG
HIỆP HỘI BẢO HIỂM TIỀN GỬI QUỐC TẾ
“TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC BẢO HIỂM TIỀN GỬI TRONG PHÁT HIỆN SỚM VÀ CAN THIỆP KỊP THỜI”
Phú Quốc, ngày 09 tháng 11 năm 2023
Ngày 09/11/2023, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đăng cai tổ chức Hội thảo của Ủy ban Châu Á – Thái Bình Dương (APRC), Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI) với chủ đề: “Tăng cường vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời”. Hội thảo có sự tham dự trực tiếp của gần 100 đại biểu, trong đó, về phía đại biểu quốc tế, có sự tham gia của các đại diện đến từ 01 Ngân hàng Trung ương và 13 tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong khu vực và trên thế giới; về phía đại diện trong nước, có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính; cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
Là một thành viên trong mạng an toàn tài chính, tổ chức bảo hiểm tiền gửi hoạt động với mục tiêu chính là bảo vệ người gửi tiền và góp phần vào sự ổn định của hệ thống tài chính – ngân hàng. Tại Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức duy nhất thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Trong suốt 24 năm hình thành và phát triển, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ chính như cấp và thu hồi chứng nhận bảo hiểm tiền gửi, giám sát, kiểm tra, thu phí, đầu tư nguồn vốn, tham gia kiểm soát đặc biệt, chi trả, tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi.
Tính đến hết tháng 10/2023, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo vệ người gửi tiền tại 1.280 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, bao gồm 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trong đó bao gồm 35 ngân hàng thương mại Việt Nam, 02 ngân hàng liên doanh, 09 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài), 1.179 quỹ tín dụng nhân dân, 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô. Với tổng tài sản đạt hơn 109 nghìn tỷ đồng tương đương khoảng 4,43 tỷ USD, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có nguồn lực tốt để sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi, trong đó bao gồm việc phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém. Do đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần tích cực nghiên cứu và học hỏi các thông lệ quốc tế tốt nhất cũng như kinh nghiệm thực tiễn của các tổ chức bảo hiểm tiền gửi tiên tiến để thực hiện tốt mục tiêu Chiến lược đã đề ra.
Bên cạnh đó, theo Báo cáo “Bảo hiểm tiền gửi 2023: Xu thế toàn cầu và các vấn đề mới nổi” của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế, hiện nay các tổ chức bảo hiểm tiền gửi có xu hướng mở rộng nhiệm vụ tham gia vào quá trình can thiệp sớm và quá trình xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. Vấn đề này ngày càng được quan tâm với nhiều cuộc thảo luận và nghiên cứu được tổ chức trên toàn thế giới và nhận được sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế có liên quan. Việc phát hiện sớm rủi ro và can thiệp kịp thời hiệu quả ở giai đoạn đầu khi tình trạng tổ chức tín dụng bắt đầu có dấu hiệu yếu kém có thể góp phần khắc phục các yếu tố gây rủi ro và cải thiện tình hình kinh doanh của tổ chức đó. Vì vậy, can thiệp kịp thời có thể làm giảm khả năng phải xử lý ngân hàng, góp phần duy trì sự ổn định hệ thống ngân hàng và niềm tin công chúng, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người gửi tiền và giảm thiểu thiệt hại cho quỹ bảo hiểm tiền gửi.
Nhằm góp phần vào việc hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động phát hiện sớm và can thiệp kịp thời đối với tổ chức tín dụng yếu kém, Hội thảo “Tăng cường vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời” được tổ chức để các bên liên quan cùng trao đổi, thảo luận nhằm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, cũng như tạo cơ hội để các tổ chức bảo hiểm tiền gửi có dịp tăng cường hợp tác phát triển.
Hội thảo tập trung thảo luận 03 nhóm nội dung: (i) Tổng quan về phát hiện sớm và can thiệp kịp thời; (ii) Vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời; (iii) Sự phối hợp giữa cơ quan giám sát và tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.
Thông qua việc thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm trên cơ sở các nội dung thảo luận trên, Hội thảo gợi mở thêm nhiều khía cạnh mới của vấn đề cùng các định hướng, giải pháp đáng chú ý nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hiểm tiền gửi nói chung và tăng cường vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời tổ chức tín dụng yếu kém nói riêng.
Chương trình Hội thảo được gửi kèm thông cáo báo chí này.
Mọi thông tin về Hội thảo, xin vui lòng liên hệ:
Bà Phan Thị Thanh Bình
Phó Tổng giám đốc
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
Điện thoại: 024 3974 2886 (Máy lẻ: 8206)
Email: phan-thi-thanh.binh@div.gov.vn