Trong bối cảnh Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đang được triển khai, việc thực hiện các giải pháp đẩy mạnh truyền thông chính sách BHTG là một nhiệm vụ quan trọng của BHTGVN.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền của BHTGVN đã đóng góp tích cực trong việc nâng cao nhận thức của đông đảo người gửi tiền – người dân những nội dung cốt lõi của chính sách BHTG, các vấn đề liên quan đến quyền lợi người gửi tiền như: cơ chế kiểm tra, giám sát hệ thống các TCTD, quy trình chi trả BHTG…; và các quy định mới về chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng có liên quan đến người gửi tiền.
BHTGVN xác định một trong những đối tượng công chúng trọng tâm để tuyên truyền chính sách BHTG là các TCTD và cán bộ TCTD - lực lượng tiếp cận trực tiếp với người gửi tiền, có lợi thế đặc biệt trong việc truyền tải thông tin. Thông qua hoạt động giao dịch, các TCTD dễ dàng chia sẻ, giải đáp thắc mắc cho người gửi tiền về quyền lợi của họ, trong đó có quyền lợi về BHTG. Hơn nữa, cán bộ nhân viên TCTD có điều kiện nắm bắt những ý kiến góp ý, những vấn đề về BHTG mà người gửi tiền quan tâm để phản hồi với BHTGVN, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các cơ quan chức năng tại địa phương nhằm hoàn thiện, nâng cao hiệu quả chính sách.
Thực tiễn cho thấy, TCTD đã và đang đóng vai trò quan trọng, là cầu nối lan tỏa chính sách BHTG tới người gửi tiền. Mặc dù chưa có quy định pháp luật về trách nhiệm phối hợp giữa tổ chức tham gia BHTG với tổ chức BHTG trong tuyên truyền chính sách BHTG, nhưng nhiều TCTD đã tích cực lan tỏa thông tin về BHTG tới người gửi tiền, phản ánh tính trách nhiệm xã hội của các TCTD.
Hàng năm, BHTGVN tổ chức sự kiện tuyên truyền chính sách BHTG tại các TCTD - tổ chức tham gia BHTG; lồng ghép phổ biến kiến thức, chính sách pháp luật về BHTG trong các sự kiện đại hội QTDND và trong hoạt động kiểm tra chuyên sâu QTDND, qua đó tạo điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi và ghi nhận những ý kiến thực tiễn xoay quanh vấn đề bảo vệ quyền lợi người gửi tiền từ các tổ chức tham gia BHTG.
Bên cạnh việc niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tham gia BHTG tại tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi để người gửi tiền có thể quan sát, nhận biết TCTD nơi mình gửi tiền có tham gia BHTG, một số tổ chức đã chủ động lồng ghép thông tin về BHTG trên sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi và các phương tiện truyền thông dành cho khách hàng như cẩm nang thông tin, mạng xã hội, website…
Theo kết quả khảo sát người gửi tiền về chính sách BHTG do BHTGVN thực hiện năm 2023, nguồn thông tin người gửi tiền mong muốn biết tới chính sách BHTG nhiều nhất là qua “Cán bộ TCTD giới thiệu” (26,3%); sau đó mới là từ các kênh thông tin khác như “Truyền hình”, “Bạn bè/người quen”, “Mạng xã hội ... Nhân viên của TCTD được người gửi tiền đặt niềm tin cao nhất (34,1%) khi muốn tìm hiểu về tình trạng của các TCTD.
Đáng chú ý trong năm 2024, thành công của Cuộc thi tìm hiểu BHTG phải kể đến sự hưởng ứng đông đảo từ 236 đơn vị tổ chức tham gia BHTG có cán bộ nhân viên tham gia làm bài thi với số lượng bài thi là 78.551 bài trong tổng số gần 500.000 bài dự thi trên phạm vi cả nước. Nhiều tổ chức tham gia BHTG đã tích cực kêu gọi cán bộ nhân viên và người gửi tiền cùng tham gia. Những tổ chức tham gia BHTG có số lượng bài dự thi cao nhất gồm: Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (37.758 bài dự thi), Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (12.741 bài dự thi), Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (11.704 bài dự thi)… Cuộc thi là dịp để các tổ chức tham gia BHTG thể hiện vai trò tiên phong trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ nhân viên, từ đó lan tỏa đến công chúng, cộng đồng về chính sách BHTG, nâng cao uy tín và cam kết trong việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.
Bên cạnh các kết quả đạt được, việc phối hợp tuyên truyền chính sách BHTG giữa BHTGVN và các tổ chức tham gia BHTG còn một số khó khăn, hạn chế:
Luật BHTG chỉ quy định BHTGVN có nhiệm vụ tuyên truyền chính sách BHTG mà không quy định tổ chức tham gia BHTG có trách nhiệm phối hợp với BHTGVN trong việc tuyên truyền. Hiện tại, các tổ chức tham gia BHTG tham gia tuyên truyền chính sách BHTG chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện, không có ràng buộc pháp lý, trong khi đây cũng là đối tượng được thụ hưởng từ chính sách, đồng thời cũng là đầu mối trực tiếp giao dịch, tiếp xúc với người gửi tiền, có sự thuận lợi trong việc tuyên truyền chính sách BHTG.
Tại Việt Nam, các vấn đề liên quan đến công khai, minh bạch thông tin ngân hàng được quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật như Luật Các TCTD 2024, Thông tư 48/2018/TT-NHNN về tiền gửi tiết kiệm, Thông tư 49/2018/TT-NHNN về tiền gửi có kỳ hạn. Sự hiện diện của chính sách BHTG trong hoạt động ngân hàng liên quan đến tiền gửi còn thấp, do đó chưa đạt được độ tiếp cận như kỳ vọng đối với người gửi tiền.
Trong thời gian tới, để đạt mục tiêu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG theo mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính sách BHTG, đặc biệt là phát huy vai trò của TCTD trong việc lan tỏa chính sách BHTG, xin đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung Luật BHTG theo hướng: Quy định cụ thể trách nhiệm của các tổ chức tham gia BHTG là phối hợp với BHTGVN tuyên truyền chính sách BHTG. Cụ thể, các tổ chức tham gia BHTG ngoài việc niêm yết Chứng nhận tham gia BHTG còn cần niêm yết công khai thông tin về chính sách BHTG tại quầy giao dịch, có trách nhiệm phối hợp truyền thông chính sách BHTG cùng BHTGVN.
Đây cũng là cơ hội để BHTGVN đẩy mạnh phổ biến kiến thức về BHTG, định hướng thông điệp, cung cấp các nội dung truyền thông cốt lõi để truyền tải đến cán bộ nhân viên TCTD. Từ đó, chính cán bộ nhân viên TCTD là “cánh tay nối dài” trong truyền thông về BHTG đến khách hàng gửi tiền.
Thứ hai, đề xuất bổ sung nội dung về thông tin BHTG tại Điều 21, Thông tư 48/2018/TT-NHNN về niêm yết công khai hoặc Điều 6 Thông tư 49/2018/TT-NHNN về thỏa thuận tiền gửi có kỳ hạn; thực hiện in ấn, hiển thị thông tin về BHTG trên thẻ tiết kiệm, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hay ứng dụng ngân hàng điện tử để người gửi tiền tiếp cận chính sách BHTG một cách thường xuyên, liên tục hơn.
Thứ ba, ký kết các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác, đối tác chiến lược truyền thông với các tổ chức tham gia BHTG nhằm thiết lập các nguyên tắc hợp tác lâu dài, thúc đẩy sự hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG, tạo sự tin tưởng của người gửi tiền, đồng thời góp phần nâng cao uy tín của các tổ chức tham gia BHTG.
Thứ tư, tăng cường phối hợp với các tổ chức tham gia BHTG tổ chức các cuộc thi, các buổi hội thảo, hội nghị chuyên đề và các chương trình đào tạo cho cán bộ, giao dịch viên của tổ chức tham gia BHTG nhằm cung cấp, giải đáp chính xác và đầy đủ thông tin về chính sách BHTG để các TCTD thực sự trở thành cầu nối hiệu quả, phát huy tốt vai trò lan tỏa chính sách BHTG đến người gửi tiền và khách hàng.
Truyền thông có hiệu quả về BHTG sẽ góp phần tạo ra cộng đồng hiểu biết và chia sẻ thông tin chính sách tài chính một cách toàn diện, từ đó duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia.
HG