Chuyến thăm này diễn ra vào thời điểm quan trọng khi DIV đang tập trung nguồn lực để nghiên cứu các điều khoản chi tiết trong dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm Tiền gửi, với mục tiêu đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt. Chuyến đi là cơ hội để DIV và các cơ quan học hỏi từ những thực tiễn tốt nhất của KDIC, đặc biệt là về các nhiệm vụ có thể được giao thêm cho DIV trong tương lai.
Trong chuyến công tác, ông Đặng Duy Cường đã trả lời phỏng vấn của KDIC với nội dung chính tập trung vào vai trò mở rộng của DIV trong việc tái cơ cấu tổ chức tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2024, lộ trình của DIV trong việc sửa đổi Luật Bảo hiểm Tiền gửi để DIV có thể thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo Luật Các Tổ chức Tín dụng mới, và cuối cùng là về mối quan hệ hợp tác song phương giữa DIV và KDIC.
Quý vị có thể xem nội dung chi tiết phỏng vấn bằng tiếng Anh tại đây:
Dưới đây là nội dung chi tiết cuộc phỏng vấn đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt.
Phóng viên: Luật Các Tổ chức Tín dụng mới được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 1 năm 2024, hiện đã có hiệu lực. Ông có thể giải thích rõ hơn về việc DIV đã mở rộng vai trò của mình trong việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo luật này như thế nào không?
Ông Đặng Duy Cường: Tôi xin phép chia sẻ ngắn gọn một số trách nhiệm chính của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV) như được quy định trong Luật Bảo hiểm Tiền gửi năm 2012. Những trách nhiệm này bao gồm: Giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ, tham gia vào kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng yếu kém, chi trả bảo hiểm và thanh lý, truyền thông chính sách, quản lý và đầu tư quỹ.
Gần đây, với sự ra đời của Luật Các Tổ chức Tín dụng năm 2024, các trách nhiệm bổ sung đã được giao cho DIV bao gồm: Các biện pháp can thiệp sớm, chẳng hạn như cung cấp các khoản vay đặc biệt cho các tổ chức tín dụng yếu kém và mua trái phiếu dài hạn từ các tổ chức tiếp nhận, đánh giá tính khả thi của các phương án phục hồi đối với quỹ tín dụng nhân dân, góp phần xây dựng kế hoạch phá sản cho các tổ chức bị kiểm soát đặc biệt, xây dựng kế hoạch tăng phí bảo hiểm tiền gửi khi quỹ dự phòng hoạt động không đủ để chi trả tiền gửi được bảo hiểm.
Để thực hiện những trách nhiệm này một cách hiệu quả, DIV sẽ tiếp tục cải thiện hoạt động và hoàn thiện các chính sách bảo hiểm tiền gửi. Một bước quan trọng trong quá trình này là đưa ra các khuyến nghị sửa đổi Luật Bảo hiểm Tiền gửi, đảm bảo sự phát triển bền vững của DIV và củng cố hệ thống bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam.
Phóng viên: Việc sửa đổi Luật Bảo hiểm Tiền gửi có vẻ là điều cần thiết để DIV có thể thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của mình theo Luật Các Tổ chức Tín dụng. Ông có thể giải thích về lộ trình hoặc chiến lược của DIV trong việc sửa đổi Luật Bảo hiểm Tiền gửi không?
Ông Đặng Duy Cường: Tôi rất vui khi chia sẻ rằng việc sửa đổi Luật Bảo hiểm Tiền gửi đã được đưa vào chương trình làm việc dự kiến của Quốc hội cho giai đoạn 2025–2026. Để có một định hướng rõ ràng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gần đây đã phê duyệt 05 nhóm chính sách quan trọng cho việc sửa đổi luật. Các nhóm chính sách này tập trung vào: Quyền và nghĩa vụ của DIV theo quy định pháp luật, vai trò của DIV trong việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, tăng cường năng lực tài chính thông qua phát triển nguồn vốn hoạt động và danh mục đầu tư, điều chỉnh quy định về phí bảo hiểm tiền gửi và chi trả bảo hiểm.
Trong thời gian tới, DIV sẽ hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ ngành liên quan để tiến hành nghiên cứu chuyên sâu và chuẩn bị các đề xuất sửa đổi luật theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện “Chiến lược Phát triển Bảo hiểm Tiền gửi đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, đảm bảo sự phù hợp với các sửa đổi sắp tới khi chính thức được phê duyệt.
Phóng viên: Nhắc đến hợp tác, KDIC và DIV đã có mối quan hệ bền chặt kể từ khi ký Biên bản Ghi nhớ (MOU) vào năm 2006, thông qua các chương trình trao đổi song phương và trao đổi trong khuôn khổ hoạt động của Hiệp hội Bảo hiểm Tiền gửi Quốc tế (IADI). Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ hợp tác này và ông kỳ vọng gì cho sự phát triển trong tương lai?
Ông Đặng Duy Cường: KDIC từ lâu đã là một đối tác chiến lược quan trọng của DIV theo Biên bản Ghi nhớ (MOU) giữa hai bên. Dựa trên nền tảng hợp tác này, DIV và KDIC đã liên tục trao đổi thông tin và tổ chức nhiều hoạt động song phương, bao gồm: Hội thảo, hội nghị chuyên đề (trực tiếp và trực tuyến), các chuyến tham quan nghiên cứu. Chỉ riêng vào tháng 7 năm ngoái, chúng tôi đã vinh dự đón tiếp Chủ tịch KDIC cùng các đại biểu khác đến Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để tham dự hai hội thảo. Trong các sự kiện này, KDIC đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về sửa đổi luật bảo hiểm tiền gửi và triển khai các chính sách bảo hiểm tiền gửi.
DIV đã thu được nhiều lợi ích từ mối quan hệ hợp tác với KDIC từ những ngày đầu thành lập cho đến nay, đặc biệt khi chúng tôi đang có những bước tiến quan trọng trong việc củng cố hệ thống bảo hiểm tiền gửi.
Hiện tại, DIV được giao nhiều nhiệm vụ hơn trong việc xử lý các tổ chức được bảo hiểm gặp khó khăn, cũng như tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng khác để góp phần ổn định hệ thống ngân hàng và tài chính Việt Nam. Vì vậy, qua chuyến đi này, chúng tôi đánh giá cao chuyên môn của KDIC cũng như sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan mạng an toàn tài chính tại Hàn Quốc.
Trong tương lai, chúng tôi mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác với KDIC trên tất cả các lĩnh vực có lợi chung. Chúng tôi tin tưởng rằng mối quan hệ này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai tổ chức và đóng góp vào sự phát triển bền vững của hệ thống bảo hiểm tiền gửi tại cả hai quốc gia.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông đã chia sẻ những góc nhìn sâu sắc với chúng tôi ngày hôm nay. Chúc ông tiếp tục thành công cùng DIV và có một chuyến công tác tuyệt vời tại Hàn Quốc.