Ngày 07/6/2021, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ra Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối về việc “Thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, “Chuyển đổi số là cơ hội và yêu cầu cấp bách, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương, là công cụ để thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, sức cạnh tranh, vị thế dẫn dắt trong nền kinh tế, góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng, Nhà nước về thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng kinh tế số, xã hội số, chính phủ số”.
Chuyển đổi số trong công tác đảng là các hoạt động chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát và nghiệp vụ công tác đảng được thực hiện dựa trên dữ liệu và sự tích hợp các công nghệ kĩ thuật số.
Chuyển đổi số trong công tác đảng là vấn đề mới, chưa có nhiều mô hình để nghiên cứu, học tập nhưng cũng không thể chậm trễ. Mỗi doanh nghiệp, đơn vị cần xác định lộ trình, bước đi phù hợp và tận dụng tối đa cơ hội để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Với sứ mệnh “đi trước, mở đường”, các tổ chức Đảng xác định cần tiên phong trong công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong cán bộ, đảng viên và thực hành chuyển đổi số công tác đảng, mà trước hết là công tác quản lý và sinh hoạt Đảng.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK ngày 19/7/2021 của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về “Thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” bằng Nghị quyết số 882-NQ/ĐU ngày 05/5/2022 về thực hiện chuyển đổi số tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với chiến lược phát triển, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện của đơn vị.
Thời gian qua, Chi bộ Thông tin tuyên truyền đã từng bước áp dụng chuyển đổi số trong công tác đảng. Thông qua chuyển đổi số, hoạt động lãnh đạo, điều hành và giám sát của chi bộ được thực hiện dựa trên dữ liệu và bằng công nghệ. Thực hiện bước đầu quá trình chuyển đổi số công tác đảng đã giúp giảm công tác in ấn, sao lưu văn bản tiết kiệm thời gian. Các văn bản số hoá gửi đến các đảng viên trong chi bộ được nhanh chóng, kịp thời, giúp rút ngắn thời gian xử lý. Hồ sơ công việc của phòng được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
Bên cạnh đó, thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên môn và thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy BHTGVN, phòng Thông tin tuyên truyền đã triển khai tuyên truyền sâu rộng các nội dung của Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và người lao động, vận động đoàn viên tích cực hưởng ứng tham gia tiến trình chuyển đổi số của đơn vị; kịp thời tuyên truyền những tấm gương tốt, các mô hình tiêu biểu để nhân rộng.
Như vậy, từ thực tiễn chuyển đổi số công tác đảng tại chi bộ đã cho thấy những giá trị mà chuyển đổi số mang lại trong công tác quản lý và tổ chức sinh hoạt đảng, góp phần cải cách hành chính, tăng hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Đảng đến đảng viên và quần chúng.
Từ thực tiễn quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và chính trị của Chi bộ Thông tin tuyên truyền cho thấy, chuyển đổi số trong công tác đảng cần tập trung vào các nội dung cơ bản:
Một là, phát triển hạ tầng số, hệ thống mạng, trung tâm dữ liệu, máy chủ, đường truyền phục vụ cho chuyển đổi số của đảng ủy; tăng cường phương thức hội nghị, họp trực tuyến. Ứng dụng chuyển đổi số trong tổ chức hoạt động học tập nghị quyết của Đảng với việc số hóa nội dung nghị quyết và các tài liệu học tập nghị quyết giúp cán bộ, đảng viên có thể học tập ở mọi lúc, mọi nơi; ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin để xây dựng các bộ tài liệu đa phương tiện tuyên truyền nghị quyết của Đảng, tăng sự lôi cuốn, hấp dẫn.
Hai là, phát triển dữ liệu: Xây dựng cơ sở dữ liệu đảng viên, tổ chức đảng, hệ thống quản lý hồ sơ đảng viên kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với hệ thống quản lý nhân sự của Nhà nước nhằm phục vụ việc quản lý hồ sơ đảng viên, quản lý các quyết định của đảng viên, quản lý tình trạng đảng viên, quản lý khen thưởng, kỷ luật, quản lý phát và cấp thẻ đảng viên, quản lý huy hiệu đảng, quản lý tổ chức cơ sở đảng; phục vụ cho việc tra cứu, quản lý thông tin về đảng viên một cách nhanh chóng, chính xác, giúp cho việc chỉ đạo của các cấp ủy được thuận tiện, kịp thời.
Ba là, xây dựng nền tảng số: Xây dựng, triển khai Hệ thống quản lý văn bản điều hành đến các đảng ủy trực thuộc. Xây dựng Hệ thống thông tin tổng hợp, báo cáo phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy bảo đảm chế độ thông tin, báo cáo, kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng được thực hiện qua môi trường mạng (trừ những văn bản mật).
Bốn là, tăng cường sự chỉ đạo của tổ chức đảng các cấp đối với công tác chuyển đổi số. Để ứng dụng tốt chuyển đổi số trong công tác đảng cần sự quyết tâm, nỗ lực, tính sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, sự quan tâm và trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính của người đứng đầu cấp ủy các cấp; ngoài ra, cần sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy cơ sở trong quá trình liên hệ, thực hiện các thủ tục hành chính, phát hiện, bổ sung, đề xuất phương hướng giải quyết những điểm hạn chế, bất cập.
Như vậy, chuyển đổi số là cuộc cách mạng của toàn Đảng, toàn xã hội. Trong công tác đảng, việc chuyển đổi số sẽ góp phần cải cách toàn diện, nâng cao chất lượng công tác quản lý và sinh hoạt đảng. Mặc dù việc ứng dụng chuyển đổi số còn mới mẻ, nhiều khó khăn và phức tạp nhưng với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong xây dựng và triển khai mô hình mới, tận dụng sức mạnh và sự phát triển của công nghệ số, tin rằng cuộc cách mạng chuyển đổi số sẽ thành công./.
Chi bộ Thông tin tuyên truyền