Đó là khẳng định của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khi phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo Hỗ trợ kỹ thuật của Ủy ban Châu Á – Thái Bình Dương (APRC), Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) do Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) vừa đăng cai tổ chức với chủ đề “Tăng cường vai trò của BHTG trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời”.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo
Xu thế tất yếu
Tại hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, vấn đề tăng cường vai trò của tổ chức BHTG trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời là xu thế tất yếu, phù hợp với bối cảnh cần nâng cao vai trò của tổ chức BHTG nói riêng và đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng nói chung như hiện nay.
Theo đó, sau 24 năm hoạt động, với mục tiêu trở thành một định chế tài chính góp phần đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng và bảo vệ người gửi tiền, BHTGVN đã xây dựng được nguồn lực tài chính tốt để sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại hệ thống các TDTD thời gian qua.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, đến nay, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động BHTG ngày càng hoàn thiện. Bên cạnh Luật BHTG được ban hành năm 2012, chức năng nhiệm vụ của BHTGVN cũng được quy định tại Luật Các TCTD. “Hiện dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi đang được tích cực thảo luận trên diễn đàn Quốc hội khóa XV nhằm hoàn thiện quy định và xử lý những vướng mắc, bất cập của pháp luật về TCTD” - Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo NHNN, việc xây dựng Luật Các TCTD sửa đổi nhằm tăng cường phòng ngừa rủi ro; xây dựng công cụ để quản lý các TCTD; phát hiện sớm và xử lý kịp thời các vi phạm; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng. Luật Các TCTD sửa đổi cũng hướng đến bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD thông qua việc quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo; xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt.
“Dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi dự kiến sẽ giao cho BHTGVN một số chức năng, nhiệm vụ trong việc can thiệp sớm và xử lý TCTD yếu kém” - Phó Thống đốc thông tin thêm. Đồng thời, quan điểm của NHNN đó là đề cao việc áp dụng kinh nghiệm quốc tế vào hoạt động của ngành Ngân hàng nói chung và hoạt động BHTG nói riêng.
Toàn cảnh hội thảo
BHTG - công cụ quan trọng trong can thiệp sớm
Hội thảo ghi nhận chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu đến từ tổ chức BHTG ở 13 quốc gia, trong đó nhận định, phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các TCTD yếu kém có vai trò rất quan trọng nâng cao hiệu quả và sự ổn định của hệ thống BHTG, qua đó giúp tổ chức BHTG chuẩn bị kỹ lưỡng khi phát sinh tình huống trong tương lai.
Thời gian qua, sự cố đổ vỡ xảy ra ở một số ngân hàng Mỹ, Châu Âu càng khẳng định tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Ông Hidenori Mitsui - Chủ tịch Ủy ban APRC, Chủ tịch Tổng Công ty BHTG Nhật Bản khẳng định, nhờ phát hiện sớm và can thiệp kịp thời bằng công cụ BHTG sẽ giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất và là giải pháp mấu chốt để đảm bảo hệ thống tài chính hoạt động ổn định.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo
Mặc dù BHTGVN đã có các hoạt động nghiệp vụ chuyên nghiệp với những nhiệm vụ được Chính phủ quy định, tuy nhiên theo ông JaeHoon Yoo - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty BHTG Hàn Quốc, nếu so sánh với BHTG ở một số nước khác như Mỹ, Hàn Quốc… thì vẫn còn dư địa để BHTGVN mở rộng khả năng của mình, đảm bảo tính ổn định của thị trường tài chính.
Theo khảo sát thường niên IADI 2022, hiện có 25% các quốc gia chi trả BHTG theo phương pháp đơn thuần; 46% chi trả với quyền hạn mở rộng thông qua phương pháp xử lý; 17% chi trả theo phương pháp giảm thiểu chi phí với phương pháp xử lý theo nguyên tắc chi phí tối thiểu; và số quốc gia thực hiện cấp độ cao nhất là giảm thiểu rủi ro theo phương pháp quản lý và giám sát rủi ro chiếm 13%. Hiện tại, Việt Nam đang nằm ở nhóm 46% - đã nâng lên một bước mới nhưng vẫn còn một chặng đường dài để tới nhóm hiện đại như Đức, Hàn Quốc, Mỹ, Mexico…
Ông Hiroaki Kuwahara - đại diện Tổng Công ty BHTG Nhật Bản cho biết, việc xác định khó khăn tài chính của ngân hàng cần được thực hiện sớm, dựa trên các tiêu chí được định nghĩa rõ ràng. Cơ chế tổ chức phải đảm bảo rằng nhiệm vụ, vai trò và trách nhiệm của các thành viên liên quan trong mạng an toàn tài chính được xác định rõ ràng và đảm bảo tính độc lập trong hoạt động.
Đối với can thiệp kịp thời, khi làm việc với tổ chức tài chính có tầm quan trọng trong hệ thống, theo ông Hiroaki Kuwahara, tổ chức BHTG và các cơ quan xử lý cần tham gia vào việc quyết định chính sách, cũng như lập kế hoạch phục hồi và xử lý, với quyền tiếp cận kịp thời thông tin giám sát trên cơ sở hợp nhất. Tổ chức BHTG cần được tiếp cận trực tiếp thông tin của các ngân hàng thành viên một cách kịp thời, chính xác và phù hợp. Đồng thời, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng và tổ chức BHTG cần có sự phối hợp chặt chẽ.
Tích cực áp dụng thông lệ quốc tế về phát hiện sớm và can thiệp kịp thời
Chia sẻ về vai trò, ý nghĩa của quá trình phát hiện sớm và can thiệp kịp thời đối với hoạt động của tổ chức BHTG, ông Phạm Bảo Lâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị BHTGVN cho biết, hiện nay các tổ chức BHTG trên thế giới có xu hướng mở rộng nhiệm vụ tham gia vào quá trình can thiệp sớm và quá trình xử lý TCTD yếu kém. Vấn đề này ngày càng được quan tâm với nhiều cuộc thảo luận, nghiên cứu và nhận được sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế.
Chủ tịch HĐQT BHTGVN Phạm Bảo Lâm nhận định, việc phát hiện sớm rủi ro và can thiệp kịp thời hiệu quả ở giai đoạn đầu khi TCTD bắt đầu có biểu hiện yếu kém có thể góp phần khắc phục các yếu tố gây rủi ro và cải thiện tình hình kinh doanh của tổ chức đó. Đồng thời, can thiệp kịp thời có thể làm giảm khả năng phải xử lý ngân hàng; góp phần duy trì sự ổn định hệ thống, bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền và giảm thiểu thiệt hại cho quỹ BHTG.
Theo ông Phạm Bảo Lâm, tại Việt Nam, Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được xây dựng phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế về mô hình BHTG hiệu quả. Trong đó, một trong những mục tiêu quan trọng Chiến lược đặt ra là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động BHTG; bao gồm việc phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG và tham gia tái cơ cấu có hiệu quả các TCTD yếu kém.
Bên cạnh đó, năm 2023 cũng là năm Luật BHTG trải qua 10 năm thực thi. Bên cạnh việc nghiên cứu áp dụng thông lệ quốc tế nói chung, Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả nói riêng, BHTGVN cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG nhằm đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy định tại Luật Các TCTD. Trong đó, định hướng rõ ràng việc sử dụng công cụ BHTG vào quá trình can thiệp sớm thông qua việc quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG; bổ sung quyền hạn cho BHTGVN tham gia tái cơ cấu, xử lý QTDND yếu kém...một cách cụ thể hơn.
Cũng theo người đứng đầu BHTGVN, Hội thảo IADI APRC 2023 đã nhận được những chia sẻ của các diễn giả về vai trò của tổ chức BHTG trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời; cũng như sự phối hợp giữa cơ quan giám sát và tổ chức BHTG trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Sự khác nhau trong mô hình hoạt động của các tổ chức BHTG tại diễn đàn đã mang lại những chia sẻ phong phú về vai trò của tổ chức BHTG theo mô hình từng nước, từ đó đưa ra những bài học kinh nghiệm quý báu giúp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động BHTG tại Việt Nam nói riêng và hoạt động ngân hàng tại Việt Nam nói chung.
“Trong quá trình hoạt động, BHTGVN sẽ tiếp thu có chọn lọc, áp dụng thông lệ quốc tế để triển khai các nghiệp vụ BHTG một cách hiệu quả. Các giải pháp của BHTGVN sẽ đi vào cụ thể, mang tính thực tiễn cao nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần vào sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng” - ông Lâm khẳng định.
BHTGVN được thành lập năm 1999 với mục tiêu trở thành một định chế tài chính góp phần đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng và bảo vệ người gửi tiền. Trong suốt 24 năm hoạt động, BHTGVN đã thực hiện hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ chính như cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG, giám sát, kiểm tra, thu phí, đầu tư nguồn vốn, tham gia kiểm soát đặc biệt, chi trả, tuyên truyền chính sách BHTG. Tính đến hết tháng 10/2023, BHTGVN đang bảo vệ người gửi tiền tại 1.280 tổ chức tham gia BHTG (bao gồm 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 1.179 quỹ tín dụng nhân dân, 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô). Với tổng tài sản đạt hơn 109 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 4,43 tỷ USD, BHTGVN có nguồn lực tốt để sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD. |
PV