Kinh nghiệm quốc tế về hoạt động thanh lý TCTD yếu kém
Khi có quyết định thu hồi giấy phép, TCTD sẽ bị đưa vào thủ tục phá sản, trong đó có thanh lý. Quản tài viên được chỉ định để chấm dứt hoạt động kinh doanh. Tùy thuộc vào chính sách của từng quốc gia mà quản tài viên có thể được chỉ định qua các thủ tục hành chính hoặc thông qua tòa án. Việc thanh lý có thể được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc bởi quản tài viên. Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền không thực hiện việc thanh lý, cơ quan này có thể chỉ định và giám sát quản tài viên thuê ở bên ngoài. Nếu việc phá sản TCTD do tòa án phụ trách thì cơ quan có thẩm quyền có thể tham gia hoặc không tham gia. Ví dụ, Cơ quan giám sát ngân hàng có thể yêu cầu tòa án đưa TCTD vào thủ tục phá sản. Tuy nhiên, sau khi các thủ tục tố tụng được mở ra, các cơ quan hành chính công thường có rất ít hoặc không có vai trò gì.
TCTD đóng cửa và rút khỏi hệ thống thanh toán, người gửi tiền được bảo hiểm được chi trả hoặc tài khoản tiền gửi của họ được chuyển sang một TCTD khác hoặc một ngân hàng bắc cầu. Tài sản của TCTD được bán cho ngân hàng khác hoặc chuyển sang ngân hàng bắc cầu hoặc thanh lý. TCTD đổ vỡ bị giải thể và không còn tồn tại. Tổ chức BHTG xây dựng các kế hoạch khác nhau để xử lý việc chi trả cho người gửi tiền trước khi TCTD đóng cửa.
Tại các quốc gia có hệ thống BHTG, đa số tổ chức BHTG chỉ xử lý việc chi trả cho người gửi tiền được bảo hiểm; trong khi đó, quản tài viên được tòa án chỉ định xử lý yêu cầu bồi thường của các chủ nợ của TCTD và các khoản tiền gửi không được bảo hiểm. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp ngoại lệ như Tổng công ty BHTG Indonesia (IDIC) và Tổng công ty BHTG Hàn Quốc (KDIC), ngoài chức năng chi trả, họ còn thực hiện việc hỗ trợ TCTD bị giải thể hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ cần thiết; cũng như thẩm định các tài sản còn lại để thực hiện thanh lý nhanh chóng, công khai đảm bảo giá trị tài sản thanh lý bù đắp được một phần hoặc gần như toàn bộ các khoản nợ và tối ưu chi phí mà Quỹ BHTG phải bỏ ra để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền và những chi phí liên quan mà chính phủ phải bỏ ra để xử lý TCTD yếu kém.
Tại Hàn Quốc, thủ tục phá sản là một thủ tục pháp lý trong đó tòa án thu giữ và thanh lý tài sản của TCTD phá sản và phân phối số tiền thu được cho các chủ nợ của TCTD phá sản theo thứ tự ưu tiên. Tất cả các thủ tục phá sản được quy định theo Đạo luật Phá sản và Phục hồi TCTD được giám sát bởi tòa án. Khi tòa án tuyên bố phá sản, tất cả tài sản của TCTD, cả trong và ngoài nước, đều được chuyển sang tài sản phá sản, tòa án chỉ định KDIC làm quản tài viên để quản lý và định đoạt tài sản.
Quản tài viên có trách nhiệm thu càng nhiều tiền càng nhanh càng tốt qua các hình thức quảng cáo, bán tài sản, tham gia vào các hoạt động pháp lý về thanh lý phá sản và cuối cùng phân phối số tiền thu được từ các hoạt động trên cho các chủ nợ dưới dạng cổ tức phá sản. Vì vậy, họ phải hết sức lưu ý để xác định tất cả các tài sản tính đến ngày tuyên bố phá sản. Cụ thể hơn, quản tài viên sẽ kiểm soát tiền mặt, tài khoản tiền gửi, chứng thư quyền sở hữu và két an toàn của bất động sản và đóng sổ sách tài khoản. Sau đó, quản tài viên phải yêu cầu các chủ nợ nộp đơn kiện lên tòa án trong một khoảng thời gian xác định để xác định số tiền yêu cầu. KDIC sẽ xem xét các vấn đề về pháp lý để thu hồi và trả cổ tức phá sản theo các yêu cầu bồi thường đó.
Tài sản phá sản phải được thanh lý trong một khoảng thời gian ngắn để thu hồi số tiền cao nhất, tùy thuộc vào đặc điểm của từng loại tài sản. Quản tài viên thực hiện hoạt động này cho đến khi không còn tài sản để thanh lý. Sau khi trả cổ tức phá sản đợt cuối cùng, quản tài viên yêu cầu toà án tuyên bố kết thúc thủ tục phá sản. Tòa án kết thúc thủ tục phá sản bằng cách đưa ra thông báo.
Hoạt động quản lý, thanh lý tài sản của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đối với tổ chức tham gia BHTG
Kể từ khi thành lập tổ chức BHTG (năm 1999) đến nay, hoạt động tham gia vào quản lý, thanh lý tài sản của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đối với tổ chức tham gia BHTG được chia thành 02 giai đoạn.
Giai đoạn trước khi có Luật BHTG, BHTGVN thực hiện theo Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 của Chính phủ về BHTG và Nghị định số 109/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/1999/NĐ-CP; Quyết định số 24/2006/QĐ-NHNN ngày 06/6/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về việc Ban hành Quy chế cấp, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động quỹ tín dụng nhân dân (QTDND); mở, chấm dứt hoạt động sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện và phòng giao dịch, điểm giao dịch của QTDND; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập QTDND; thanh lý QTDND dưới sự giám sát của NHNN; Thông tư số 03/2006/TT-NHNN ngày 25/4/2006 của NHNN về việc hướng dẫn một số nội dung tại Nghị định số 89/1999/NĐ-CP và Nghị định số 109/2005/NĐ-CP; Thông tư số 34/2011/TT-NHNN ngày 28/10/2011 của NHNN Hướng dẫn về trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép và thanh lý tài sản của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép văn phòng đại diện của TCTD nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng và một số văn bản khác liên quan.
BHTGVN được quyền tham gia vào quá trình quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thanh lý, BHTGVN là thành viên của Hội đồng thanh lý QTDND bị thu hồi giấy phép, giải thể; gồm đại diện của Chính quyền địa phương, QTDND, QTDND Trung ương, BHTGVN (khoản 1 điều 32 Quyết định số 24/2006/QĐ-NHNN); hoặc là thành viên Tổ giám sát thanh lý của TCTD bị thu hồi giấy phép (điều 20 Thông tư số 34/2011/TT-NHNN). Tuỳ theo mô hình TCTD, vai trò của BHTGVN tham gia quá trình quản lý, thanh lý khác nhau.
BHTGVN trở thành chủ nợ của tổ chức tham gia BHTG với số tiền bảo hiểm đã chi trả. Trong trường hợp đó, BHTGVN được phân chia giá trị tài sản theo thứ tự thanh toán như đối với người gửi tiền trong trường hợp tổ chức tham gia BHTG bị giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản sau các khoản lệ phí, chi phí cho việc giải thể QTDND và các khoản tiền của Nhà nước và các TCTD khác cho vay đặc biệt nhằm hỗ trợ chi trả tiền gửi (nếu có).
Giai đoạn sau khi Luật BHTG được ban hành, BHTGVN thực hiện theo Luật BHTG số 06/2012/QH13 ngày 18/6/2012; Luật Phá sản số 51/2014/QH13 (Luật Phá sản năm 2014), Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản và một số văn bản khác có liên quan.
BHTGVN tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Chính phủ (Khoản 13, Điều 13 Luật BHTG); Thu hồi số tiền bảo hiểm phải trả trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của NHNN về thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Trong trường hợp BHTGVN cho QTDND vay đặc biệt, BHTGVN là thành viên của Tổ giám sát thanh lý; bao gồm đại diện NHNN chi nhánh tỉnh/thành phố, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, BHTGVN (Thông tư số 13/2019/TT-NHNN ngày 21/8/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2018/TT-NHNN).
Luật Phá sản năm 2014 có một chương riêng quy định về thủ tục phá sản TCTD, việc thanh lý tài sản của TCTD cũng được thực hiện theo thủ tục thanh lý tài sản như doanh nghiệp, hợp tác xã thông thường. Theo đó, khi mở thủ tục phá sản, thẩm phán sẽ chỉ định quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản để thực hiện quản lý tài sản, giám sát hoạt động thanh lý tài sản của TCTD. Luật Phá sản năm 2014 cũng quy định cụ thể về người có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản TCTD. Cụ thể, TCTD có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, trường hợp TCTD không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì NHNN nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với TCTD đó.
BHTGVN trở thành chủ nợ của tổ chức tham gia BHTG đối với số tiền bảo hiểm đã trả cho người được BHTG kể từ ngày trả tiền bảo hiểm. BHTGVN được thanh toán khoản tiền đã trả cho người gửi tiền được bảo hiểm theo thứ tự phân chia giá trị tài sản của TCTD bị phá sản.
Về thứ tự phân chia tài sản: khoản tiền gửi, khoản tiền tổ chức BHTG đã trả cho người gửi tiền được xếp sau khi trả chi phí phá sản, khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đã ký kết (khoản 1 điều 101 Luật Phá sản năm 2014).
Điểm khác nhau cơ bản trong quá trình quản lý, thanh lý tài sản đó là tại giai đoạn trước khi có Luật BHTG, quá trình thanh lý do Tổ quản lý, thanh lý tài sản thực hiện và có sự tham gia của BHTGVN. Sau khi Luật Phá sản năm 2014 được ban hành, việc quản lý, thanh lý tài sản của TCTD bị phá sản được thực hiện bởi quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và không có vai trò của BHTGVN.
Về thực tiễn, giai đoạn trước khi Luật BHTG được ban hành, BHTGVN đã chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền tại 38 QTDND với số tiền đã thu hồi được đạt tỷ lệ 50,5%, số tiền đã xóa nợ trên số tiền phải thu hồi chiếm 46,8%, số tiền phải thu hồi chiếm 2,7%. Đối với số tiền chưa thu hồi được, BHTGVN tiếp tục phối hợp với Hội đồng thanh lý QTDND để tiếp tục thu hồi nợ. Từ sau khi Luật BHTG được ban hành, BHTGVN đã thực hiện chi trả cho 01 QTDND bị lâm vào tình trạng phá sản. Sau khi chi trả bảo hiểm, BHTGVN trở thành chủ nợ của QTDND này. Việc thu hồi khoản nợ mà BHTGVN đã chi trả cho người gửi tiền tại QTDND này phải chờ tòa án mở thủ tục phá sản và tiến hành thanh lý tài sản của QTDND theo thủ tục phá sản, hiện NHNN đã thành lập Tổ thu nợ để thu hồi các khoản nợ của QTDND này.
Như vậy, có thể thấy rằng, pháp luật Việt Nam đã tiếp cận với thông lệ quốc tế về hoạt động thanh lý TCTD đổ vỡ như quy định về việc quản tài viên thực hiện quản lý tài sản, giám sát hoạt động thanh lý tài sản của TCTD. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định quản lý, thanh lý tài sản theo kinh nghiệm quốc tế và tại Việt Nam là khác nhau.
Một số khó khăn và đề xuất, khuyến nghị
Qua thực tiễn hoạt động theo dõi và thu hồi các khoản nợ, BHTGVN gặp một số vấn đề sau: (i) chưa thu hồi được hết số tiền BHTGVN đã chi trả do hầu hết tài sản thanh lý tại QTDND là các khoản nợ khó đòi do người vay không có khả năng trả nợ, hoặc người vay bị chết, mất tích, già yếu; một số QTDND và Hội đồng thanh lý QTDND hiện nay đã không còn hoạt động; (ii) chưa có cơ chế, chính sách cho BHTGVN xoá nợ trong trường hợp các QTDND không còn tài sản để trả cho BHTGVN; (iii) Luật Phá sản năm 2014 không quy định BHTGVN được tham gia quản lý, thanh lý tài sản đối với tổ chức tham gia BHTG; theo đó, việc quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG được giao cho quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có chứng chỉ hành nghề.
Trên cơ sở đó, nhóm có một số đề xuất, khuyến nghị như sau:
Thứ nhất, nhằm tối ưu hóa giá trị thu hồi các loại tài sản sau thanh lý, xem xét quy định về thời gian thực hiện thanh lý, thu hồi tài sản đối với tổ chức tham gia BHTG. Sau thời gian thanh lý trên, trường hợp không còn tài sản để thu hồi, trên cơ sở xem xét báo cáo của BHTGVN, NHNN trình Chính phủ có quy định về việc xử lý dứt điểm các khoản nợ không có khả năng thu hồi.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép BHTGVN xóa nợ đối với tổ chức tham gia BHTG bị thanh lý không còn tài sản để thu hồi hoặc không có khả năng thu hồi hoặc Hội đồng thanh lý không còn hoạt động.
Thứ ba, việc xử lý một TCTD đổ vỡ không đơn thuần như một doanh nghiệp vì sự phức tạp của mạng lưới hoạt động, tính chất hoạt động của TCTD đến các bên liên quan, cần xem xét quy định việc quản lý, thanh lý tài sản của TCTD giao cho một tổ chức thực hiện nhằm tạo ra một quy trình hiệu quả, đảm bảo sự ổn định tài chính./.
Phòng Tham gia Kiểm soát đặc biệt và Thu hồi tài sản
_______________________
Nguồn, tài liệu tham khảo:
- Khóa học BROC (khung xử lý ngân hàng) của IADI, BIS và IMF;
- Thanh lý và phá sản tại KDIC, IDIC;
- Hệ thống văn bản pháp luật tại Việt Nam về hoạt động quản lý, thanh lý tài sản..