Tăng cường vai trò của cơ chế BHTG thông qua tăng hạn mức và cải cách các chính sách BHTG khác
Để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền và góp phần giữ ổn định hệ thống tài chính trong bối cảnh rủi ro gia tăng, nhiều quốc gia đã quyết định tăng hạn mức BHTG. Tại châu Âu, Nghị viện châu Âu đã thay đổi hạn mức BHTG đối với các tài khoản có số dư cao tạm thời với hạn mức tối thiểu là 500.000 Euro và tối đa là 2.500.000 Euro trong thời hạn 6 tháng. Tại châu Á, Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) công bố tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm từ 75.000 đô la Singapore (tương đương 55.630 USD) lên 100.000 đô la Singapore (tương đương 73.160 USD) từ tháng 4/2024. Theo MAS, hạn mức tăng đồng nghĩa với việc tăng tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ lên 91% (tỷ lệ này đã giảm xuống 89% kể từ khi hạn mức được điều chỉnh lần gần nhất vào tháng 4 năm 2019). Chính phủ Hong Kong đã tăng hạn mức BHTG từ 500.000 USD lên 800.000 USD. Ngân hàng Bangladesh đã tăng gấp đôi hạn mức BHTG lên 200.000 Taka (tương đương 1.675 USD) nhằm bảo vệ tiền gửi của khoảng 95% người gửi tiền. Tổng công ty bảo vệ tiền gửi Pakistan (DPC) cũng tăng gấp đôi hạn mức BHTG từ 500.000 Rupee (tương đương 1.802 USD) lên 1.000.000 Rupee (tương đương 3.604 USD). Tại châu Phi, Tổng công ty BHTG Nigeria (NDIC) đã tăng hạn mức BHTG đối với người gửi tiền tại tất cả các tổ chức tham gia BHTG. Theo đó, tùy thuộc từng tổ chức tham gia BHTG, hạn mức BHTG tăng từ mức thấp nhất 200.000 Naira (tương đương 145 USD) lên mức cao nhất 5 triệu Naira (tương đương 3.642 USD). Hạn mức mới sẽ bảo hiểm toàn bộ cho 98,98% người gửi tiền tại các ngân hàng nhận tiền gửi, 99,27% người gửi tiền tại các ngân hàng tài chính vi mô và 99,34% người gửi tiền tại các ngân hàng thế chấp sơ cấp.
Ngoài ra, do ảnh hưởng từ các vụ đổ vỡ ngân hàng năm 2023, một số quốc gia đã có động thái cải cách chính sách BHTG. Cụ thể, tại châu Á, chính phủ Hồng Kông đã triển khai giai đoạn đầu tiên của các biện pháp tăng cường cơ chế BHTG, sau khi Dự luật Cơ chế BHTG (sửa đổi) được công bố vào tháng 7/2024. Ngoài việc tăng hạn mức BHTG, các biện pháp có hiệu lực trong giai đoạn này bao gồm: (i) tinh chỉnh hệ thống thu phí để tăng cường quỹ BHTG nhằm đạt được quy mô quỹ mục tiêu trong bối cảnh tăng hạn mức BHTG; (ii) đơn giản hóa yêu cầu công bố thông tin tiêu cực về giao dịch tiền gửi không được bảo hiểm đối với khách hàng ngân hàng tư nhân. Giai đoạn hai của các biện pháp tăng cường Cơ chế BHTG sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2025 với các nội dung: (i) cung cấp chính sách BHTG tăng cường cho người gửi tiền bị ảnh hưởng khi ngân hàng bị sáp nhập hoặc mua lại; (ii) yêu cầu các tổ chức tham gia BHTG hiển thị chứng nhận tham gia BHTG trên nền tảng ngân hàng điện tử. Trong khi đó, tại châu Âu, Nghị viện châu Âu đã thông qua Đề xuất sửa đổi Chỉ thị số 2014/49/EU về phạm vi BHTG, quỹ BHTG, hợp tác xuyên biên giới và vấn đề minh bạch (DGSD). Đề xuất sửa đổi bao gồm một số nội dung chính, trong đó có thể kể đến: (i) bổ sung loại tiền gửi được bảo hiểm mới là tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tài chính gửi tại ngân hàng nhằm mục đích an toàn (bao gồm các TCTC không thuộc phạm vi bảo hiểm của DGS như tổ chức kinh doanh tiền điện tử và tổ chức kinh doanh dịch vụ thanh toán); (ii) yêu cầu các TCTC trình kế hoạch về biện pháp phòng ngừa đổ vỡ lên các cơ quan có thẩm quyền; (iii) bổ sung quy định về tính chi phí tối thiểu; (iv) bổ sung điều khoản quy định hoạt động chi trả BHTG xuyên biên giới của DGS cũng như tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên trong trường hợp TCTC hoạt động tại nhiều nước ở châu Âu;
Tăng cường khuôn khổ quản lý khủng hoảng và xử lý TCTC yếu kém
Để tăng cường khả năng quản lý khủng hoảng tài chính, các quốc gia đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm chủ động ứng phó với các rủi ro tiềm ẩn. Tại Bắc Âu, Nhóm ổn định tài chính khu vực Bắc Âu (NBSG) đã thực hiện diễn tập mô phỏng khủng hoảng tài chính liên quan đến 3 ngân hàng giả định có hoạt động xuyên biên giới. Đây là hoạt động hợp tác của các quốc gia Bắc Âu nhằm ứng phó với khủng hoảng tài chính có thể xảy ra trong tương lai. Mục đích của cuộc diễn tập tập trung vào việc cải thiện hoạt động truyền thông, chia sẻ thông tin và hợp tác giữa các cơ quan chức năng trong quá trình quản lý khủng hoảng với điều kiện môi trường nhiều bất ổn và gặp áp lực về mặt thời gian. Kịch bản khủng hoảng được thiết kế gồm ba giai đoạn chính thường xảy ra trong một cuộc khủng hoảng ngân hàng: (i) Phục hồi - Tập trung vào việc giải quyết các vấn đề thanh khoản và ổn định hoạt động; (ii) Xử lý - Liên quan đến việc các cơ quan xử lý tiếp quản các ngân hàng đang gặp khó khăn và thực hiện các biện pháp can thiệp cần thiết; (iii) Quay lại thị trường - các ngân hàng được tái cấu trúc và quay lại thị trường. Trong quá trình diễn tập, các cơ quan đã áp dụng các công cụ và quyền hạn theo khuôn khổ quản lý và giám sát ngân hàng của EU. Bên cạnh đó, Chính phủ Sri Lanka đã phê duyệt việc thành lập Quỹ Ổn định tài chính nhằm thúc đẩy khuôn khổ xử lý khủng hoảng ngân hàng của nước này theo chương trình quản lý khủng hoảng tài chính của Ngân hàng Trung ương Sri Lanka. Theo đó, Bộ Tài chính, ổn định kinh tế và chính sách quốc gia cấp khoản tiền ban đầu là 1 tỷ Rupee Sri Lanka (tương đương 40.700 USD) cho Quỹ Ổn định tài chính. Quỹ sẽ nhận được các khoản phân bổ ngân sách hàng năm. Quỹ Ổn định tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường khuôn khổ quản lý khủng hoảng tài chính của Sri Lanka, đảm bảo sự ổn định của khu vực ngân hàng.
Nhằm đảm bảo sự ổn định và an toàn của hệ thống ngân hàng, một số quốc gia đã triển khai các hướng dẫn và kế hoạch xử lý ngân hàng lớn. Tại Mỹ, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) cũng công bố Hướng dẫn Lập kế hoạch xử lý ngân hàng lớn (Hướng dẫn) do FDIC và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phối hợp soạn thảo nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng và thực hiện kế hoạch xử lý các ngân hàng lớn. Hướng dẫn bao gồm hai phiên bản, một cho ngân hàng trong nước và một cho ngân hàng nước ngoài. Cả hai phiên bản đều yêu cầu phân tích các rủi ro tiềm tàng như vốn, thanh khoản và năng lực hoạt động. Bên cạnh đó, phiên bản dành cho ngân hàng nước ngoài bổ sung yêu cầu đối với một số vấn đề khác như tư cách pháp nhân, chi nhánh ngân hàng nước ngoài... Hướng dẫn để mở tùy chọn áp dụng chiến lược xử lý thống nhất (single point of entry) hoặc chiến lược xử lý phối hợp (multiple point of entry). Dù áp dụng chiến lược nào, kế hoạch cần hướng tới mục tiêu xử lý nhanh chóng và có trật tự các ngân hàng có vấn đề. Hướng dẫn dành cho ngân hàng nước ngoài khuyến nghị đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm xử lý là cơ quan chức năng của nước sở tại và hướng dẫn cách tích hợp nội dung của kế hoạch xử lý trên phạm vi toàn cầu vào kế hoạch xử lý tại Mỹ. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSC) đã phê duyệt các Kế hoạch phục hồi và xử lý tổ chức tài chính có tầm quan trọng hệ thống trong nước (D-SIFI) năm 2024 để tăng cường khả năng xử lý các tổ chức tài chính có quy mô lớn, tránh xảy ra khủng hoảng hệ thống. Theo đó, các D-SIFI phải xây dựng và nộp Kế hoạch phục hồi cho Cơ quan Giám sát Tài chính (FSS), trong khi đó, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc (KDIC) phải xây dựng và nộp Kế hoạch xử lý các D-SIFI cho FSC.
Tăng cường công tác tuyên truyền chính sách BHTG
Nhận thức của công chúng về chính sách BHTG có vai trò quan trọng đối với hiệu quả của hoạt động BHTG trong bảo vệ người gửi tiền. Tổng công ty BHTG Canada (CDIC) đã chính thức phát động chiến dịch tuyên truyền về BHTG năm 2024 nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và vai trò của CDIC trong việc bảo vệ người gửi tiền khi ngân hàng phá sản. Với chủ đề “Bảo vệ tiền gửi của bạn – nhiệm vụ của chúng tôi”, chiến dịch truyền thông năm 2024 của CDIC đẩy mạnh việc tiếp cận người tiêu dùng tài chính, đặc biệt là nhóm phụ nữ trẻ - những người có mức độ nhận thức về BHTG còn hạn chế.
Tại Philippines, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Philippines (PDIC) đã tổ chức Tuần lễ Nâng cao nhận thức về Bảo hiểm tiền gửi (DPAW) lần thứ 22 trên phạm vi toàn quốc với chủ đề “Bảo hiểm tiền gửi: Công cụ bảo vệ tiền gửi tiết kiệm đáng tin cậy”. Sự kiện năm nay được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy mạnh xu hướng gửi tiền tiết kiệm của người dân Philippines, nhất là bộ phận người dân chưa từng sử dụng các sản phẩm tài chính.
Hàm ý đối với Việt Nam
Tại Việt Nam, tổ chức BHTG đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hệ thống tài chính quốc gia, thể hiện ở một số chính sách và hoạt động nổi bật như rà soát và điều chỉnh hạn mức BHTG phù hợp với điều kiện thực tế, tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém và tuyên truyền chính sách BHTG. Hạn mức BHTG tăng từ 75 triệu đồng lên 125 triệu đồng vào năm 2021, giúp nâng số người gửi tiền được bảo vệ toàn bộ lên 92,36%, phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc định kì điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm lên 125 triệu đồng thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) trong việc bảo vệ tốt hơn người gửi tiền. Bên cạnh đó, Luật các TCTD năm 2024 đã giao nhiều nhiệm vụ cho BHTGVN nhằm tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD yếu kém. BHTGVN cũng đang tích cực triển khai các hoạt động nghiên cứu, rà soát, tổng kết thi hành Luật BHTG để đề xuất sửa đổi Luật BHTG, tạo cơ sở pháp lý hoàn thiện, chặt chẽ, góp phần triển khai có hiệu quả các hoạt động BHTG và xử lý TCTD yếu kém. Ngoài ra, năm 2023, BHTGVN đã lần đầu tiên thực hiện khảo sát nhận thức của người gửi tiền về chính sách BHTG trên toàn quốc với 1.880 người tham gia khảo sát, kết quả cho thấy nhận thức chung của người gửi tiền về mục tiêu của BHTG, một số khái niệm liên quan đến BHTG, quyền và nghĩa vụ của người gửi tiền là tương đối tốt. Kết quả khảo sát giúp BHTGVN có cái nhìn tổng quan về nhận thức của người gửi tiền theo trình độ học vấn, thu nhập và khu vực địa lý, cũng như mối liên hệ giữa nhận thức, hành vi và niềm tin của người gửi tiền đối với TCTD và chính sách BHTG, điều này sẽ giúp BHTGVN xây dựng những hoạt động tuyên truyền hiệu quả hơn.
Căn cứ vào tình hình tài chính – ngân hàng và xu thế của các tổ chức BHTG trên thế giới diễn ra từ đầu năm tới nay, có thể rút ra một số hàm ý đối với Việt Nam như sau:
Thứ nhất, để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, cũng như góp phần vào sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống tài chính quốc gia, cần tăng cường vai trò của tổ chức BHTG trong việc xử lý ngân hàng đổ vỡ, xây dựng một khuôn khổ quản lý khủng hoảng cụ thể để có thể ứng phó với các rủi ro hệ thống. Bên cạnh đó, cần chú trọng tới các hoạt động hợp tác xuyên biên giới trong quá trình xử lý tổ chức tài chính.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu và rà soát hạn mức BHTG cũng như các chính sách BHTG để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội trong nước.
Thứ ba, tăng cường nâng cao nhận thức công chúng về chính sách BHTG, nâng cao hiểu biết tài chính để người dân có thể đưa ra những quyết định sáng suốt khi gửi tiền hoặc tham gia vào giao dịch tài chính.
Phòng NCTH& HTQT