Quy định pháp luật về hoạt động kiểm tra của BHTGVN
Giai đoạn trước khi có Luật BHTG từ 1999 - 2012
Năm 1999, Nghị định 89/1999/NĐ-CP được Chính phủ ban hành, bước đầu tạo cơ sở pháp lý để triển khai chính sách BHTG tại Việt Nam. Theo đó, BHTGVN thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BHTG đối với tất cả tổ chức tham gia BHTG.
Ngoài nội dung trên, đối với QTDND, BHTGVN thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động; đặc biệt, từ năm 2007, thực hiện kiểm tra trên cơ sở rủi ro, đánh giá theo 2 giác độ: (i) Đánh giá về mức độ rủi ro tín dụng và (ii) Đánh giá về mức độ rủi ro hoạt động. Đây là những nội dung quan trọng giúp BHTGVN có thể phát hiện những QTDND có nguy cơ rủi ro cao để cảnh báo và kiến nghị QTDND có biện pháp khắc phục cũng như chấn chỉnh công tác quản trị, điều hành.
Giai đoạn sau khi có Luật BHTG từ 2013 - nay
(i) Kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về BHTG
Năm 2012 đánh dấu mốc quan trọng trong hoạt động BHTG với sự ra đời của Luật BHTG (có hiệu lực từ 1/1/2013). Theo đó, BHTGVN thực hiện theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BHTG, kiến nghị NHNN xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật về BHTG. Nội dung kiểm tra gồm: (i) Việc thực hiện quy định về đề nghị cấp, cấp lại; niêm yết Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi; (ii) Việc tính và nộp phí bảo hiểm tiền gửi; (iii) Việc nhận tiền gửi được bảo hiểm; (iv) Việc cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm, các thông tin và báo cáo khác theo yêu cầu của BHTGVN.
(ii) Kiểm tra QTDND theo yêu cầu của NHNN
Từ năm 2019, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 về tăng cường vai trò của BHTGVN trong tham gia hỗ trợ chức năng kiểm tra của NHNN đối với các QTDND, Thống đốc NHNN đã giao BHTGVN thực hiện kiểm tra đối với QTDND. Theo đó, từ 2019 đến nay, NHNN giao BHTGVN thực hiện kiểm tra đối với 234 QTDND với số lượng tăng dần. Nội dung kiểm tra cũng mở rộng qua các năm, bao gồm: (i) Kiểm tra việc quản lý và sử dụng ấn chỉ quan trọng; (ii) Kiểm tra hoạt động huy động tiền gửi tiết kiệm; (iii) Kiểm tra việc chấp hành quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động; (iv) Kiểm tra hoạt động cho vay.
Những kết quả nổi bật từ thực tiễn triển khai
Một số điểm nổi bật trong công tác kiểm tra đối với tổ chức tham gia BHTG, đó là:
Thứ nhất, ban hành đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra
Việc nghiên cứu và ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, trong đó có nghiệp vụ kiểm tra luôn luôn được BHTGVN chú trọng và triển khai ngay từ sau khi mới thành lập và đặc biệt là sau khi Luật BHTG được thông qua. Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện, BHTGVN thường xuyên nghiên cứu, sửa đổi nhằm ngày càng hoàn thiện hơn các văn bản quản trị điều hành, hướng tới thực hiện ngày càng hiệu quả công tác kiểm tra. Mới đây nhất, trong năm 2021, xuất phát từ nhu cầu thực tế trong quá trình triển khai đồng thời nhằm thực hiện tốt việc hỗ trợ chức năng kiểm tra của NHNN đối với các QTDND, BHTGVN đã ban hành bổ sung, thay thế các văn bản hướng dẫn công tác kiểm tra nhằm thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN về tăng cường vai trò của BHTGVN trong việc phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của NHNN đối với QTDND, BHTGVN đã triển khai xây dựng Đề án tăng cường công tác kiểm tra đối với tổ chức tham gia BHTG, trong đó đưa ra các giải pháp ngắn hạn và dài hạn nhằm tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG; chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để phối hợp, tham gia hỗ trợ chức năng kiểm tra của NHNN đối với các QTDND...
Có thể thấy rằng, việc ban hành đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trong thực tiễn, góp phần giúp BHTGVN thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn lành mạnh hệ thống ngân hàng.
Thứ hai, xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra hàng năm, kiểm tra QTDND theo chỉ đạo của NHNN, đảm bảo mục tiêu đề ra
Để xác định số cuộc kiểm tra hàng năm, trên cơ sở thông tin từ hoạt động giám sát từ xa và các thông tin liên quan khác, BHTGVN đưa ra một số tiêu chí có tính định hướng để xác định số lượng tổ chức tham gia BHTG cần kiểm tra trong năm nhằm đảm bảo việc thực hiện kiểm tra đúng trọng tâm, trọng điểm; đồng thời phù hợp với điều kiện nguồn lực tài chính và số lượng cán bộ làm công tác kiểm tra hiện có.
Chính vì vậy, thực tế hàng năm toàn hệ thống đã xây dựng kế hoạch kiểm tra (KHKT) và thực hiện đạt hoặc vượt mức so với KHKT do HĐQT phê duyệt. Trung bình mỗi năm, BHTGVN thực hiện kiểm tra đối với khoảng 300 tổ chức tham gia BHTG (tương đương gần 25% tổng số tổ chức tham gia BHTG). Đồng thời, tăng cường và mở rộng nội dung kiểm tra đối với các điểm giao dịch của đối tượng kiểm tra.
Chất lượng công tác kiểm tra cũng được nâng lên và được thực hiện một cách bài bản ở tất cả các khâu trong quy trình kiểm tra, từ khâu chuẩn bị kiểm tra, tiến hành kiểm tra, kết thúc kiểm tra và việc theo dõi, đôn đốc đối tượng kiểm tra thực hiện các kiến nghị trong Kết luận kiểm tra. Qua hoạt động kiểm tra, BHTGVN đã thu về cho quỹ BHTG trung bình mỗi năm hàng tỷ đồng số phí BHTG tính thiếu. Bên cạnh đó, qua công tác kiểm tra, BHTGVN cũng đã phát hiện nhiều tổ chức tham gia BHTG còn tồn tại, sai sót trong việc thực hiện các quy định pháp luật về BHTG cũng như các quy định khác có liên quan của NHNN về công tác huy động tiền gửi, về việc quản lý và sử dụng ấn chỉ quan trọng, từ đó chỉ rõ nguyên nhân, hướng dẫn, giải thích cụ thể và đưa ra những kiến nghị phù hợp với từng đối tượng kiểm tra cũng như NHNN để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, xử lý kịp thời.
Đặc biệt, đối với công tác kiểm tra QTDND theo yêu cầu của NHNN: từ 2019 đến nay, NHNN giao BHTGVN thực hiện kiểm tra đối với 234 QTDND với số lượng tăng dần qua các năm: năm 2019: 06 QTDND; 2020: 18 QTDND; 2021: 22 QTDND; 2022: 53 QTDND; 2023: 60 QTDND; 2024: 75 QTDND. Nội dung kiểm tra cũng mở rộng hơn qua các năm. Trong đó có những nội dung kiểm tra khá phức tạp, có nội dung khá mới mẻ đối với BHTGVN, thậm chí có lĩnh vực nhạy cảm, nhưng BHTGVN luôn hoàn thành tất cả các nội dung được giao kiểm tra, đảm bảo chất lượng và thời gian theo yêu cầu của NHNN. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, BHTGVN đã có nhiều đề xuất, kiến nghị đối với QTDND khắc phục các tồn tại, thiếu sót được phát hiện qua kiểm tra, đồng thời có những khuyến nghị với NHNN chỉnh sửa một số cơ chế, chính sách đối với hoạt động của hệ thống QTDND. Qua đó, NHNN đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả kiểm tra và việc phối hợp, tham gia hỗ trợ chức năng kiểm tra của NHNN đối với QTDND.
Thứ ba, thông qua kiểm tra đã tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa BHTGVN với NHNN và cấp ủy, chính quyền địa phương
Việc phối hợp với NHNN và cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình kiểm tra, đặc biệt trong công tác kiểm tra QTDND theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN đã nhận được sự ủng hộ của các đơn vị. Sự phối hợp này đã được BHTGVN thực hiện ngay từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm tra để tránh chồng chéo, đồng thời, sau khi kết thúc kiểm tra, kết quả kiểm tra đều được BHTGVN thông báo tới NHNN nhằm cung cấp kịp thời những tồn tại, vi phạm của các tổ chức tham gia BHTG được phát hiện qua kiểm tra để NHNN có biện pháp xử lý, qua đó ngày càng khẳng định được vị trí và vai trò hoạt động kiểm tra của BHTGVN đối với các tổ chức tham gia BHTG.
Đặc biệt, từ năm 2021, BHTGVN đã xây dựng Khung Quy chế phối hợp, cung cấp, trao đổi thông tin giữa Chi nhánh BHTGVN và NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố làm cơ sở để các Chi nhánh BHTGVN tham gia xây dựng và ký kết Quy chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các Chi nhánh BHTGVN và NHNN chi nhánh tỉnh/thành phố theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN. Đến nay, toàn hệ thống BHTGVN đã hoàn thành ký kết Quy chế phối hợp với 100% (57/57) NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố có QTDND trên địa bàn hoạt động. Theo đó, công tác phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin giữa BHTGVN và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố càng được củng cố và tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên.
Thứ tư, qua công tác kiểm tra, góp phần tuyên truyền chính sách BHTG
Thông qua hoạt động kiểm tra, cán bộ kiểm tra cũng thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTG đến các tổ chức tham gia BHTG, tác động hiệu quả đến việc nâng cao nhận thức về chính sách BHTG, ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật về BHTG và các quy định, hướng dẫn của BHTGVN, giảm thiểu được nhiều sai phạm, thiếu sót; củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác, phối hợp giữa BHTGVN với các đơn vị được kiểm tra.
Thứ năm, đưa ra các đề xuất, kiến nghị chỉnh sửa, bổ sung chính sách BHTG và cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của tổ chức tham gia BHTG
Kết quả kiểm tra là thông tin đầu vào hữu ích cho các hoạt động nghiệp vụ khác cũng như phục vụ cho việc nghiên cứu, hoàn thiện chính sách BHTG. Bên cạnh đó, thông qua kiểm tra, BHTGVN cũng phát hiện những bất hợp lý về cơ chế, chính sách để có những đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp nhằm tăng cường công tác quản lý đối với các tổ chức tham gia BHTG, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức tham gia BHTG phát triển an toàn, lành mạnh.
Có thể thấy rằng, công tác kiểm tra của BHTGVN trải qua 25 năm triển khai thực hiện đã đạt những kết quả đáng tự hào. Với sự chỉ đạo sát sao của ban lãnh đạo BHTGVN và nỗ lực của cán bộ làm công tác kiểm tra trên toàn hệ thống, BHTGVN đã vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu tích cực hoàn thành kế hoạch kiểm tra, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của BHTGVN trong việc bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, vì sự an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra trong thời gian tới
Từ những kết quả đã đạt được, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, ngày càng hỗ trợ có hiệu quả hoạt động kiểm tra của NHNN, thiết nghĩ trong giai đoạn tới cần nghiên cứu, xem xét một số vấn đề sau:
Một trong các nhiệm vụ trọng tâm của BHTGVN là góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, nội dung kiểm tra của BHTG Việt Nam còn có giới hạn ở kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BHTG. Với sự phát triển đa dạng của các tổ chức tín dụng, môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, rủi ro ngày càng cao đối với các tổ chức tín dụng đòi hỏi nội dung kiểm tra cần mở rộng hơn để phù hợp với thực tế hiện nay. Kinh nghiệm của một số tổ chức BHTG trên thế giới cho thấy, để thực hiện tốt mục tiêu hoạt động của tổ chức BHTG, Việt Nam nên hướng tới vận dụng mô hình giảm thiểu rủi ro và mở rộng chức năng, nhiệm vụ, trong đó, nội dung kiểm tra an toàn tổ chức tham gia BHTG có thể được xem xét trong giai đoạn phát triển thích hợp của BHTG Việt Nam.
Sự phát triển mạnh mẽ thời gian gần đây tại các NHTM trong việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng đã và đang có những tác động tích cực đến mô hình hoạt động, tạo nên sự chuyển đổi mạnh mẽ đối với hệ thống nghiệp vụ nội bộ và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tiên tiến phục vụ khách hàng. Điều này đòi hỏi công tác kiểm tra của BHTGVN cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại nhằm trang bị những kỹ năng, kiến thức cần thiết góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN, đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển BHTG trong thời gian tới, đồng thời thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ tại các NHTM.
Việc tham gia hỗ trợ chức năng kiểm tra của NHNN theo Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 06/CT-NHNN của NHNN, chưa được luật hóa. Do vậy, cách thức, phương pháp phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai có lúc, có nơi chưa thực sự thống nhất. Vì vậy, cần phải có quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của BHTGVN trong việc phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của NHNN đối với QTDND bằng văn bản pháp luật để làm cơ sở pháp lý cho BHTGVN triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, có các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTG phù hợp, hiệu quả đến các tổ chức tham gia BHTG nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về chính sách BHTG, ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG và các hướng dẫn của BHTGVN, giảm thiểu được sai phạm, thiếu sót; củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác, phối hợp giữa BHTGVN với các đơn vị được kiểm tra
Phòng Kiểm tra - BHTGVN