Bảo hiểm tiền gửi thường được thành lập sau thời kỳ khủng hoảng như sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1930, Bảo hiểm tiền gửi của Mỹ (FDIC) là tổ chức bảo hiểm tiền gửi đầu tiên trên thế giới được thành lập.
Tiếp đó, sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia thành lập tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm vừa qua cho thấy cần có một mạng an toàn tài chính phù hợp để giảm rủi ro của những cuộc khủng hoảng lớn: Trước đây, báo cáo của FSF Working group về bảo hiểm tiền gửi (FSF Working group, Tháng 9/2001) kết luận rằng ở phạm vi một quốc gia, tất cả các khâu hay yếu tố trong mạng an toàn tài chính cần được thiết kế tốt. Báo cáo nhấn mạnh rằng nếu một quốc gia chỉ có một cơ chế tốt ở một hoặc vài khâu trong mạng an toàn tài chính thì quốc gia đó vẫn có khả năng gặp khó khăn trong việc tìm ra giải pháp hiệu quả để ngăn ngừa và giải quyết những vấn đề trong hệ thống ngân hàng. Theo nhiều nhà quan sát, hiện tượng ngân hàng Northern Rock ở Anh là một minh chứng cho kết luận trên. Cơ chế Bảo hiểm tiền gửi hóa ra lại là khâu yếu nhất trong mạng an toàn tài chính của quốc gia này. Chính vì không có hệ thống bảo hiểm tiền gửi một cách đầy đủ, độc lập, kịp thời chi trả và hạn mức bảo hiểm không đủ cao mà thực trạng của ngân hàng Northern Rock đã tạo nên làn sóng lo sợ lan truyền trong toàn hệ thống.
Tại Việt Nam, tổ chức bảo hiểm tiền gửi được thành lập vào năm 2000 với hai nhiệm vụ chính là bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và góp phần đảm bảo hoạt động an toàn của hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam đang cần phải cải cách và cải thiện chất lượng của chính sách công. Việc nghiên cứu và đánh giá chính sách bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam và tổ chức thực thi chính sách này là điều cần thiết.
Khái niệm mạng an toàn tài chính
Mặc dù có nhiều nghiên cứu và quan tâm về các quy định đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng và mạng an toàn tài chính, nhưng chưa có một định nghĩa chung, thống nhất về các yếu tố của một mạng an toàn tài chính. Thông thường, định nghĩa hẹp đề cập tới hai yếu tố trong mạng an toàn tài chính: Chức năng cho vay cuối cùng và bảo hiểm tiền gửi. Một định nghĩa được chấp nhận rộng rãi đưa ra 3 yếu tố trong mạng an toàn tài chính: Chức năng cho vay cuối cùng, bảo hiểm tiền gửi, khung giám sát và các quy định quản lý về an toàn. Trong những bài nghiên cứu gần đây (Sebastian Schich – 2008, Srdjian T Marinkovic 2004), một định nghĩa rộng hơn về mạng an toàn tài chính được sử dụng. Đó là mạng an toàn tài chính gồm 4 yếu tố: Chức năng cho vay cuối cùng, bảo hiểm tiền gửi, khung giám sát và các quy định quản lý về an toàn và cơ chế giải quyết đổ vỡ các tổ chức tín dụng. Thực tế, có rất nhiều mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố khác nhau trong mạng an toàn tài chính.
Vai trò, vị trí của Bảo hiểm tiền gửi trong mạng an toàn tài chính
Mối quan hệ giữa bảo hiểm tiền gửi và cơ chế xử lý đổ vỡ
Tương ứng với các yếu tố của mạng an toàn tài chính, có các tổ chức tham gia đảm nhận các chức năng. Bên cạnh ngân hàng trung ương (đảm nhận chức năng người cho vay cuối cùng), bộ tài chính (tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào mạng an toàn tài chính thông qua việc cung cấp tài chính cho ngân hàng trung ương, tổ chức bảo hiểm tiền gửi), thường có tổ chức riêng về bảo hiểm tiền gửi. Tổ chức này thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi và thường có nhiệm vụ đặc biệt thêm trong tình huống khủng hoảng như giải quyết đổ vỡ.
Mối quan hệ giữa bảo hiểm tiền gửi và chức năng người cho vay cuối cùng
Về khái niệm, việc phân định trách nhiệm giữa người cho vay cuối cùng và bảo hiểm tiền gửi là rõ ràng. Đặc biệt có sự phân định trách nhiệm giữa hai bên tùy thuộc vào vấn đề là thiếu hụt thanh khoản (tức là thiếu nguồn cung thanh khoản) hay là không có khả năng trả nợ (tức là khi giá trị tài sản nợ lớn hơn giá trị tài sản có và giá trị ròng của ngân hàng âm):
- Chức năng người cho vay cuối cùng phù hợp với tình huống đầu, dùng trong trường hợp mất thanh khoản tạm thời. Ngân hàng trung ương cho vay nhằm hỗ trợ thanh khoản cho những ngân hàng thiếu thanh khoản tạm thời nhưng có khả năng tồn tại. Các khoản vay nay được áp dụng lãi suất cao như lãi suất phạt và có thế chấp. Việc hỗ trợ được thực hiện trên toàn bộ thị trường, không áp dụng riêng cho tổ chức tín dụng nào. Ngân hàng trung ương cần công bố một cách công khai trước rằng ngân hàng trung ương sẵn sàng cho vay ngân hàng nào thỏa mãn điều kiện về khả năng tồn tại và tài sản thế chấp.
- Bảo hiểm tiền gửi được áp dụng với tình huống sau, tức là trường hợp mất khả năng trả nợ. Nếu xét về thời điểm, chức năng người cho vay cuối cùng được áp dụng khi ngân hàng đang hoạt động. Trong khi đó, các nghiệp vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi như hỗ trợ tài chính, chi trả, giải quyết đổ vỡ được áp dụng khi ngân hàng mất khả năng trả nợ và đổ vỡ.
Tuy nhiên, trên thực tế, mối quan hệ này thường không rõ ràng. Một ngân hàng có giá trị tài sản có sụt giảm sẽ dẫn đến thiếu hụt thanh khoản khi phải thực hiện các cam kết trả nợ của mình. Ngược lại, một ngân hàng do phải đáp ứng nhu cầu thanh khoản của mình và phải bán tài sản với giá thấp có thể trở nên mất khả năng trả nợ. Chính điều này làm cho mối quan hệ giữa bảo hiểm tiền gửi và chức năng cho cuối cùng trở nên phức tạp. Để giải quyết tốt mối quan hệ phối hợp này, cần phải thiết lập căn cứ để xác định khi nào cần thực hiện chức năng người cho vay và khi nào thì thực hiện các nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi. Nói cách khác, điều quan trọng là cần có cơ sở để xác định và xác định được ngân hàng nào có thể tồn tại và ngân hàng nào không thể tồn tại. Điều này cũng đã được IMF, Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi và cuộc khủng hoảng tài chính gần đây khẳng định. Cơ sở này cần đáp ứng được 2 yêu cầu là rõ ràng, hợp lý và sớm. Việc xác định và nhận biết ngân hàng đang hoặc dự kiến sẽ ở tình trạng thực sự khó khăn về tài chính cần phải được thực hiện sớm. Có như vậy, việc can thiệp và xử lý ngân hàng hoạt động kém và đổ vỡ mới được thực hiện một cách chủ động, theo trật tự và không gây xáo trộn trong hệ thống ngân hàng. Giải quyết tốt khâu này sẽ giúp mạng an toàn tài chính trở nên vững mạnh hơn.
Mối quan hệ giữa bảo hiểm tiền gửi với các cơ quan giám sát và cơ quan ban hành các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Trách nhiệm của Bảo hiểm tiền gửi về giám sát, ban hành các quy định về an toàn và giải quyết những ngân hàng gặp khó khăn thực sự về tài chính tùy thuộc vào mỗi quốc gia . Các tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể chỉ thực hiện chức năng chi trả (pay box), hoặc thực hiện chức năng chi trả cùng với một số chức năng khác như hỗ trợ tài chính, giải quyết đổ vỡ, giám sát (chi trả mở rộng), tới thực hiện các chức năng giám sát rủi ro, thanh tra tại chỗ, hỗ trợ tài chính và giải quyết đổ vỡ (giảm thiểu rủi ro). Dù với chức năng nào, thì cũng cần có sự phối hợp, trao đổi thông tin tốt với cơ quan giám sát.
Xu hướng phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiện nay (sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008)
Rút kinh nghiệm về các chính sách bảo hiểm tiền gửi từ cuộc khủng hoảng tài chính đặc biệt từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các quốc gia đang đánh giá và điều chỉnh chính sách bảo hiểm tiền gửi của mình. Các khuynh hướng thiết kế hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiện nay là:
- Mở rộng quyền hạn của tổ chức bảo hiểm tiền gửi: kiểm tra, đánh giá rủi ro ngân hàng được bảo hiểm, can thiệp và tiếp nhận xử lý ngân hàng đổ vỡ.
- Các tổ chức bảo hiểm cần được chuẩn bị vốn trước. Hệ thống phí bảo hiểm tiền gửi theo rủi ro ngày càng trở nên phố biến hơn.
- Xây dựng cơ chế trong đó chi trả và xử lý tiếp nhận ngân hàng đổ vỡ được thực hiện nhanh chóng, có trật tự mà không tạo ra khủng hoảng hệ thống.
- Tăng cường công tác giáo dục và nâng cao nhận thức công chúng về chính sách bảo hiểm tiền gửi.
Với cách tiếp cận này, các quốc gia đang thiết kế tổ chức bảo hiểm tiền gửi với nhiệm vụ rõ ràng, đảm bảo độc lập về hoạt động và có thẩm quyền cũng như có sự phối hợp tốt của các cơ quan khác trong mạng an toàn tài chính để có thể hành động nhanh chóng vì lợi ích của người gửi tiền nhằm góp phần ngăn ngừa và giảm ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng.
Hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam và một số nhận xét, đề xuất
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được thành lập từ năm 1999, thực hiện giám sát rủi ro, hỗ trợ tài chính, chi trả, tiếp nhận và thanh lý. Trong 10 năm qua, thị trường tài chính Việt Nam chưa trải qua khủng hoảng, chưa có ngân hàng đổ vỡ, nhưng có hơn 30 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đóng cửa, việc chi trả người gửi tiền đã được thực hiện kịp thời và không gây xáo trộn trong hệ thống tổ chức tín dụng. Công tác giám sát rủi ro, hỗ trợ tài chính và thông tin tuyên truyền đang được nghiên cứu và thay đổi nhằm phù hợp với những thay đổi của thị trường tài chính, ngân hàng. Bên cạnh đó, hoạt động bảo hiểm tiền gửi còn có những bất cập và hạn chế, trong đó có vấn đề về vai trò của hoạt động bảo hiểm tiển gửi và mối quan hệ với các yếu tố khác trong mạng an toàn tài chính:
- Khái niệm về mạng an toàn tài chính quốc gia chưa được hiểu một cách thống nhất và chính thức áp dụng tại Việt Nam mặc dù hiện đang có các cơ quan thực hiện chức năng giám sát và quản lý hoạt động của các tổ chức tài chính. Chính vì vậy, các mối quan hệ giữa các yếu tố của mạng an toàn chỉ được đề cập tại các quy định pháp lý riêng lẻ của ngành, từng lĩnh vực hoạt động, dẫn đến tình trạng thiếu một sơ đồ mạng an toàn tài chính tổng thể với các mối quan hệ được quy định mạch lạc, rõ ràng. Trong điều kiện này, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan để ứng phó khi có những biến động tài chính sẽ là khâu yếu.
- Căn cứ, cơ sở để xác định ngân hàng có thể tồn tại hay không chưa tốt và phù hợp. Việc xác định và nhận biết ngân hàng thực sự trong tình trạng khó khăn về tài chính chưa được thực hiện sớm và thông tin về các ngân hàng này chưa được thông báo, chia sẻ với các cơ quan trong mạng an toàn tài chính kịp thời. Như vậy, tổ chức bảo hiểm tiền gửi sẽ không chủ động trong việc xử lý, tiếp nhận và làm giảm hiệu quả hoạt động của bảo hiểm tiền gửi trong việc ngăn ngừa và giải quyết khủng hoảng.
- So với khuynh hướng thiết kế hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiện nay, cần rà soát và đánh giá hiệu lực thi hành thực tế của các quy định về bảo hiểm tiền gửi và mức độ thực hiện các nguyên tắc về bảo hiểm tiền gửi hiệu quả của Ủy ban Basel.
Xây dựng được một hệ thống BHTG hiệu quả là công cụ tài chính hữu hiệu để các Chính phủ đạt được mục tiêu bảo vệ người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, thúc đẩy kinh tế phát triển đặc biệt trong thời kỳ hậu khủng hoảng.