Phát biểu khai mạc khóa đào tạo, ông Nguyễn Lĩnh Nam - Phó Tổng Giám đốc BHTGVN cho biết, bên cạnh việc trang bị những công nghệ bảo mật mới, hàng năm các cơ quan triển khai đào tạo, cập nhật kiến thức nhằm nâng cao nhận thức ATTT cho người sử dụng, nhất là với các cơ quan trọng điểm, có dữ liệu nhạy cảm như ngành Ngân hàng.
Trên cơ sở các văn bản của Ngân hàng Nhà nước ban hành liên quan đến an toàn thông tin, BHTGVN đã ban hành Quyết định số 676a/QĐ-BHTG ngày 31/10/2023 về Quy chế An toàn hệ thống thông tin, trong đó thực hiện phổ biến, cập nhật các quy định về an toàn thông tin cho tất cả cá nhân toàn hệ thống BHTGVN tối thiểu mỗi năm một lần.
Cũng theo ông Nguyễn Lĩnh Nam, mỗi cán bộ khi tham gia vào không gian mạng đều cần được tuyên truyền, phổ biến về các quy định của Nhà nước, nguy cơ mất an toàn thông tin và các kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng. Đây là việc cần làm thường xuyên, liên tục để xây dựng một không gian mạng an toàn, góp phần nâng cao năng lực của cơ quan về an toàn thông tin.
“Chính vì vậy, khóa đào tạo được tổ chức nhằm cập nhật cho cán bộ những quy định của pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước về an toàn thông tin; từ đó giúp cán bộ hiểu được nguyên tắc và tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn thông tin, cũng như nhận diện nguy cơ và rủi ro tiềm ẩn khi mất an toàn thông tin’ - ông Nam nhấn mạnh. Đồng thời, khóa đào tạo cũng cung cấp cho học viên các kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo vệ dữ liệu cá nhân khi truy cập Internet, duyệt web, mail, sử dụng các thiết bị di động tại đơn vị.
Tham gia khóa đào tạo, các học viên đã được ông Trịnh Ngọc Hưng - Chuyên gia tư vấn/giảng viên cao cấp về quản trị hệ thống và bảo mật, làm rõ khái niệm cơ bản của an toàn thông tin; cũng như được cung cấp các nội dung có liên quan như: Tình hình an ninh mạng của Việt Nam; các hình thức tấn công mạng phổ biến hiện nay, tấn công ATP; an toàn mật khẩu và an toàn máy tính cá nhân; lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng; an toàn trên điện thoại di động; an toàn dữ liệu, sao lưu phục hồi dữ liệu; an toàn mạng không dây; an toàn phòng chống virus và malware; an toàn trên nền tảng di động và điện toán đám mây; an toàn trên mạng xã hội và thư điện tử.
Giảng viên khóa học cũng thực hiện demo tình huống về mất an toàn thông tin như: Giả mạo website chứa mã độc, hướng người dùng tới website giả và lấy cắp dữ liệu; giả mạo email đính kèm mã độc và phát tán trong công ty; giả mạo các tập tin chia sẻ mang mã độc...
Bên cạnh đó, các học viên cũng được hướng dẫn, thực hành các tình huống thực tế như: Các phương pháp xử lý khẩn cấp khi bị nhiễm mã độc; kiểm tra dữ liệu bằng các công cụ cơ bản trước khi tải về hoặc sử dụng; tự cập nhật hệ điều hành và phần mềm diệt virus Synmantec Endpoint Protection.
Toàn cảnh khóa đào tạo
Bảo đảm an toàn thông tin vừa là bảo vệ tổ chức, nhưng cũng là trách nhiệm của mỗi cán bộ. Với những kiến thức được trang bị về các nguy cơ an ninh không gian số tại Việt Nam và trên thế giới, các học viên có thể sẵn sàng ứng phó với rủi ro an toàn, an ninh mạng, từ đó góp phần bảo vệ các nền tảng số quan trọng tại đơn vị.
PV