Thời gian qua, cơ quan công an đã cảnh báo về tình trạng một số đối tượng lập các website, qua mạng xã hội, mạo danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, dùng các chiêu trò lôi kéo người dân gửi tiền với lãi suất cao. Ban đầu, chúng trả lãi đều đặn nhưng không trả gốc. Sau thời gian, chúng đánh sập các website hoặc cắt liên lạc rồi bỏ trốn.
Với người dân nghèo, người dân ở vùng sâu vùng xa, nông thôn, đa số có những khoản tiền tiết kiệm nhỏ, nếu không nắm được thông tin về tổ chức nhận tiền gửi thì rất dễ bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo gửi tiền lãi suất cao mà không có sự đảm bảo an toàn cho khoản tiền gửi.
Đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền tại tổ chức TCVM
Về khái niệm, TCVM là loại hình cung cấp dịch vụ tài chính cho cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ. Cùng với các ngân hàng thương mại, công ty công nghệ, công ty cung cấp mạng di động và truyền thông thì TCVM đã và đang trở thành một phần quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Hoạt động của tổ chức TCVM được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và Điều 32 Thông tư 03/2018/TT-NHNN, cụ thể như sau:
Về huy động vốn của tổ chức tài chính vi mô: Theo Điều 119 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và khoản 2 Điều 32 Thông tư 03/2018/TT-NHNN: (i) Nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam dưới các hình thức sau đây: Tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức tài chính vi mô; Tiền gửi của tổ chức và cá nhân bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô, trừ tiền gửi nhằm mục đích thanh toán; Vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, và các cá nhân, tổ chức khác trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Về hoạt động cấp tín dụng của tổ chức TCVM: Điều 120 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và khoản 3, 4 và 5 Điều 32 Thông tư 03/2018/TT-NHNN quy định: (i) Tổ chức TCVM chỉ được thực hiện cho vay bằng đồng Việt Nam đối với các khách hàng tài chính vi mô và khách hàng khác để sử dụng vào các hoạt động tạo thu nhập và cải thiện điều kiện sống. Khoản cho vay của tổ chức tài chính vi mô có thể được bảo đảm bằng tiết kiệm bắt buộc, bảo lãnh của nhóm khách hàng tiết kiệm và vay vốn theo quy định của tổ chức tài chính vi mô; (ii) Tổ chức TCVM phải duy trì tỷ lệ tổng dư nợ các khoản cho vay đối với khách hàng tài chính vi mô trong tổng dư nợ cho vay tối thiểu 90%; (iii) Tổng dư nợ cho vay của tổ chức TCVM đối với một khách hàng tài chính vi mô không được vượt quá 50 (năm mươi) triệu đồng. Tổng dư nợ cho vay của tổ chức tài chính vi mô đối với một khách hàng khác không được vượt quá 100 (một trăm) triệu đồng.
Luật BHTG và Nghị định số 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHTG đã quy định và hướng dẫn chi tiết: “Tổ chức TCVM phải tham gia BHTG đối với tiền gửi của cá nhân, bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng TCVM, trừ tiền tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức TCVM”.
Như vậy, ngoài các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, người dân hoàn toàn yên tâm khi gửi tiền tại tổ chức TCVM vì vừa an toàn, vừa được BHTG. Bởi tương tự các TCTD khác, quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại các tổ chức TCVM luôn được đảm bảo. Đây cũng là tiền đề để thúc đẩy lợi thế cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ tiết kiệm thuận lợi nhằm huy động và mở rộng quy mô nguồn vốn cho loại hình tổ chức TCVM.
Khách hàng đến gửi tiết kiệm tự nguyện tại tổ chức TCVM được bảo đảm an toàn , bởi Luật BHTG tại Việt Nam quy định: BHTG là sự bảo đảm tiền gửi cho người được BHTG trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
Ngoài ra, khi gửi tiền tại TCVM, khách hàng được bảo mật tuyệt đối về thông tin. Với phương châm lấy lợi ích khách hàng làm triết lý kinh doanh, TCVM cũng cam kết thực hiện bảo vệ thông tin khách hàng. Hệ thống quản lý thông tin của tổ chức đảm bảo độ bảo mật và đội ngũ nhân viên công nghệ thông tin (IT) được đào tạo để bảo vệ an ninh, bảo mật, độ chính xác, toàn vẹn về thông tin cá nhân cũng như tài chính của khách hàng.
Thực tế, các sản phẩm tiết kiệm của các tổ chức TCVM đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và khẳng định uy tín, sự tin cậy của các tổ chức TCVM đối với các thành viên. Với đặc điểm ưu việt của loại hình TCVM là hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên có thu nhập thấp với hình thức cho vay tín chấp thông qua bảo lãnh của nhóm khách hàng vay vốn (5 đến 7 người trở lên) nên khi có khách hàng trong nhóm gặp khó khăn chưa trả được nợ đến hạn, các thành viên còn lại sẽ hỗ trợ trả nợ. Phương thức trả gốc và lãi linh hoạt theo tuần, 2 tuần, tháng hoặc quý phù hợp với mục đích của từng khoản vay và chu kỳ sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức TCVM ở mức thấp, kết quả kinh doanh đạt khá cao với thu nhập lớn hơn chi phí.
Tại Việt Nam mới có khoảng 04 tổ chức TCVM chính thức được NHNN cấp Giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định tại Luật Các TCTD, gồm: tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tình Thương (TYM), tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên M7 (MF – MFI), tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên Thanh Hóa (Thanh Hóa MFI) và tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP). Ngoài ra, có các TCTD khác cũng cung cấp dịch vụ TCVM tại Việt Nam, như Ngân hàng Chính sách xã hội và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.
Thời gian qua, các tổ chức TCVM tại Việt Nam đã thu hút được một lượng khách hàng không nhỏ thường xuyên gửi tiết kiệm. Nhận thức được tầm quan trọng của BHTG đối với hoạt động ngân hàng, các tổ chức TCVM đã thực hiện nghiêm túc việc tham gia BHTG và được BHTG Việt Nam cấp Chứng nhận tham gia BHTG. Qua đó nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng gửi tiền tiết kiệm tự nguyện, góp phần ổn định hoạt động của tổ chức TCVM.
Có thể nói, TCVM đem lại cơ hội cho người dân vùng nông thôn – đặc biệt người nghèo, có thể tiếp cận dịch vụ tài chính, tăng cường sự tham gia vào cộng đồng. Bởi dễ thấy là các tổ chức TCVM có thể tiếp cận trực tiếp với khách hàng, từ việc phát vốn tới thu hồi vốn ở những vùng miền, khu vực mà ngân hàng hay mô hình chi nhánh truyền thống không thể với tới. Ngoài ra, TCVM còn trao quyền cho phụ nữ khi tăng khả năng thu và kiểm soát tài sản, giúp tự chủ và ra quyết định lớn trong gia đình; tăng thu nhập cho hộ nghèo – cận nghèo bằng việc trang trải các chi phí y tế, giáo dục, cải thiện sức khỏe và chế độ dinh dưỡng…
Nâng cao kiến thức về BHTG cho khách hàng tại các tổ chức TCVM
Ở Việt Nam hiện có duy nhất BHTG Việt Nam (DIV) – tổ chức tài chính Nhà nước, thực hiện chính sách BHTG. Vai trò nổi bật của BHTG là tác động thúc đẩy nâng cao chất lượng hoạt động ngân hàng, hướng tới thu hút tối đa nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong cộng đồng xã hội, trên cơ sở các bên cùng có lợi. Đối với người gửi tiền, hoạt động của DIV góp phần củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền. Đối với hệ thống ngân hàng, BHTG góp phần tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng phát triển lành mạnh, an toàn và thúc đẩy huy động tiền gửi cho đầu tư phát triển. Từ đó tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển bền vững.
Về phía tổ chức BHTG, thời gian qua, BHTG Việt Nam cho biết, luôn chú trọng triển khai chính sách BHTG tại khối các tổ chức TCVM đồng bộ với các loại hình tổ chức tham gia BHTG khác mặc dù số lượng tổ chức TCVM hiện tại vẫn còn khiêm tốn. Công tác triển khai chính sách BHTG tại các tổ chức TCVM kịp thời và đầy đủ thông qua một loạt các hoạt động nghiệp vụ như: cấp, cấp lại Chứng nhận tham gia BHTG; giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ và thông tin tuyên truyền chính sách BHTG...
Cụ thể, về giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ, BHTGVN luôn nỗ lực đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất theo Quy chế kiểm tra của BHTGVN, góp phần phát hiện thiếu sót và hạn chế trong quản trị điều hành, kiểm soát nội bộ, huy động vốn, hoạt động tín dụng, hạch toán, thu chi tiền mặt, quản lý giấy tờ sổ sách... cũng như mức độ thi hành nghiêm túc quy định của pháp luật về BHTG. BHTG Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ các tổ chức TCVM xác định rõ nguyên nhân, kiến nghị biện pháp khắc phục.
Bên cạnh đó, BHTG Việt Nam xác định thông tin tuyên truyền chính sách BHTG là một trong những nghiệp vụ quan trọng cần đẩy mạnh tại các tổ chức TCVM. Từ đó, nâng cao nhận thức của chính tổ chức TCVM về chính sách BHTG, tăng cường ý thức tự giác chấp hành quy định, hướng dẫn của BHTG Việt Nam, góp phần ổn định hoạt động của hệ thống tài chính – ngân hàng quốc gia.
Ngoài vai trò của BHTG, thời gian qua, môi trường pháp lý cho hoạt động TCVM tại Việt Nam cũng không ngừng được hoàn thiện nhằm tạo điều kiện cho TCVM phát triển, qua đó thúc đẩy tài chính toàn diện và góp phần xóa đói giảm nghèo, ngăn ngừa tín dụng đen.
Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam hiện nay, các tổ chức TCVM hoạt động vẫn còn manh mún, sản phẩm, dịch vụ chưa thật đa dạng, các chỉ số hoạt động và phát triển bền vững chưa cao. Nhìn chung, hoạt động của các tổ chức TCVM gặp nhiều khó khăn khi đồng thời theo đuổi mục tiêu tài chính và mục tiêu xã hội. Việc cân bằng cả hai mục tiêu cần hướng tới sự chuyên nghiệp hóa hoạt động, tạo dựng dịch vụ tài chính thân thiện, dễ tiếp cận cho người nghèo ngay tại cộng đồng, góp phần làm giảm nạn cho vay nặng lãi, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.
Có thể nói, hiệu quả xã hội của một tổ chức TCVM là những ảnh hưởng tích cực tới người sử dụng dịch vụ tài chính, nhân viên tại chính tổ chức đó, cộng đồng xung quanh và môi trường mà hoạt động TCVM mang lại, thể hiện trách nhiệm xã hội và sự bền vững luôn được đánh giá kèm với mức độ tiếp cận và tính an toàn.
Đặc biệt, tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vẫn còn một số người gửi tiền tại các tổ chức TCVM chưa nắm được chính sách BHTG nên còn tâm lý e ngại. Một số tổ chức TCVM chưa triển khai đầy đủ chính sách BHTG nên phần nào hạn chế trong việc khuyến khích người dân gửi tiền tại tổ chức này. Việc thực thi chính sách BHTG tại các tổ chức TCVM cũng vẫn còn nhiều bất cập như: có những tổ chức TCVM nộp đơn đăng ký tham gia BHTG chưa đúng thời gian quy định; chưa cung cấp đủ những thông tin báo cáo theo quy định của NHNN về chế độ thông tin báo cáo; còn sai sót trong chấp hành các quy định pháp luật về BHTG. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía tổ chức TCVM còn chưa nắm được toàn diện, đầy đủ các quy định của pháp luật về BHTG.
Do đó, thời gian tới, BHTG Việt Nam cần tiếp tục phối hợp các tổ chức TCVM, cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng đến người dân nghèo, người yếu thế, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn nhằm nâng cao hiểu biết về loại hình TCVM, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của người dân, giúp họ tránh xa được tín dụng đen...Đồng thời, đẩy mạnh triển khai chính sách BHTG tại các tổ chức TCVM thông qua nhiều hình thức, trong đó có công tác thông tin, tuyên truyền để lan tỏa chính sách BHTG tới người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa; tăng cường kết nối các cơ quan trung ương, BHTG Việt Nam với các tổ chức TCVM để lan tỏa chính sách tới các tổ chức này, từ đó củng cố niềm tin của người gửi tiền, gia tăng nguồn vốn cho tổ chức TCVM, kết hợp đồng bộ các chính sách khác để tổ chức TCVM có điều kiện phát triển an toàn, lành mạnh và hiệu quả.