Một số vấn đề chung về bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính
Bảo vệ người tiêu dùng là hoạt động quan trọng nhằm đảm bảo sự công bằng, góp phần tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh, phát triển kinh tế bền vững và quan trọng hơn đảm bảo sự ổn định về xã hội. Cách đây 25 năm (ngày 4/9/1985), Liên Hợp quốc đã thông qua 1 tập hợp các nguyên tắc mang tính định hướng về bảo vệ người tiêu dùng tại Nghị quyết số 39/248 của Đại Hội đồng Liêp hợp quốc. Theo đó, Cchính phủ các quốc gia có thể sử dụng để thể chế hóa thành Luật Bảo vệ người tiêu dùng riêng. Các nguyên tắc này được sửa đổi lần đầu vào năm 1999 để phù hợp với sự phát triển kinh tế thế giới.
Lĩnh vực tài chính giữ vai trò chi phối chủ đạo hoạt động kinh tế quốc gia cũng như toàn cầu Sự phát triển về sản phẩm và dịch vụ tài chính vào cuối thế kỷ 20 bắt nguồn từ sự phát triển của công nghệ thông tin và xu thể toàn cầu hóa đã cung cấp đã làm cho lượng người tiêu dùng dịch vụ tài chính tăng nhanh. Hàng năm nền kinh tế toàn cầu có thêm khoảng 150 triệu khách hàng mới sử dụng dịch vụ tài chính hầu hết đến từ các nền kinh tế mới nổi nhờ có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và thu nhập cá nhân tăng. Người tiêu dùng ở những quốc gia này đang trong giai đoạn “làm quen” với những dịch vụ và sản phẩm tài chính mới. Với kiến thức tài chính hạn chế, họ chưa nhận thức đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình khi mua sản phẩm tài chính. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản ở đây là sự bất cân đối về quyền lực, thông tin và nguồn lực giữa người tiêu dùng dịch vụ tài chính và tổ chức cung cấp dịch vụ này. Các tổ chức tài chính biết rõ sản phầm mình bán ra trong khi người tiêu dùng khó hoặc phải mất chi phí để có được thông tin về những phẩm tài chính được cung cấp. Đối với sản phẩm tài chính phức tạp, dù đã được cung cấp đủ thông tin, thì việc đánh giá những sản phẩm này cũng không phải là dễ dàng.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, hầu như không xảy ra đột biến rút tiền gửi hoặc hoảng loạn ngân hàng trên thế giới - nguyên nhân chính dẫn tới khủng hoảng hệ thống. Một trong những công cụ chính sách hiệu quả được các Chính phủ sử dụng là bảo hiểm tiền gửi (BHTG) (nâng hạn mức chi trả đối với các nước có hệ thống BHTG công khai) hoặc tuyên bố bảo hiểm toàn bộ. Với nỗ lực tái cấu trúc hệ thống tài chính thế giới hậu khủng hoảng, hầu hết các nước đều hướng mục tiêu ưu tiên vào tăng cường kiểm soát rủi ro, giám sát chặt chẽ hơn những tổ chức nhận tiền gửi để bảo vệ người gửi tiền tốt hơn. Mục tiêu này mang tính nền tảng bởi tiền gửi chính là “đệm” quan trọng cho các hoạt động ngân hàng. Mỹ là quốc gia đầu tiên thông qua luật Kế hoạch cải tổ ngành tài chính Mỹ (22/7/2010) - được coi là sẽ bảo vệ người tiêu dùng mạnh nhất chưa từng có. Dự luật 2.300 trang này là cơ sở tạo ra cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, thành lập hội đồng các nhà điều tiết để quản lý rủi ro hệ thống trong hệ thống ngân hàng và cho phép chính phủ có thêm quyền để giải thể các tổ chức tài chính mà sự sụp đổ của nó có nguy cơ tác động mạnh đến thị trường tài chính.
Sự phát triển của dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam
Tuy có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm thị trường tài chính cũng như dịch vụ tài chính tại Việt Nam, dịch vụ ngân hàng được coi là bộ phận chủ yếu của dịch vụ tài chính. Vì vậy, phần này xin đề cập tới sự phát triển của dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam trong những năm gần đây, trong đó tập trung hơn vào dịch vụ và sản phẩm ngân hàng bán lẻ.
Hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam thực hiện các hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ theo nguyên tắc thị trường sau khi Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng (HTXTD) và Công ty Tài chính ra đời. Hoạt động NHTM đã phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng, nhất là sau khi hội nhập WTO, hệ thống ngân hàng Việt Nam không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến thị trường và đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho xã hội. Đây là một xu thế tất yếu khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập vào thế giới và các ngân hàng trong nước đang phải đối phó với sức ép cạnh tranh từ bên ngoài. Dịch vụ, sản phẩm ngân hàng bán lẻ đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các NHTM nội địa với các ngân hàng nước ngoài thông qua một số cải tiến:
- Tăng tiện ích của tài khoản cá nhân: Ngoài chức năng là tài khoản tiền gửi thông thường của cá nhân, hầu hết các NHTM còn cung cấp dịch vụ ngân hàng thấu chi.
- Đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng quốc tế: VISA, Master Card, Amex,...
- Phát triển mạnh dịch vụ chi trả lương qua tài khoản cá nhân, thanh toán tiền hàng hoá và dịch vụ, chuyển tiền và thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước, điện thoại qua các ngân hàng.
- Đa dạng các sản phẩm cho vay tiêu dùng: Các NHTM đang mở rộng dịch vụ cho vay tiêu dùng như vay mua ô tô, mua nhà....
- Gia tăng tính tiện lợi về dịch vụ tài khoản cho khách hàng dựa trên công nghệ ngân hàng hiện đại như cung cấp dịch vụ ngân hàng Internet Banking, Mobile Banking.
- Liên minh giữa các NHTM trong kinh doanh thẻ để cho phép thẻ của một NHTM phát hành có thể rút tiền mặt tại các ATM hoặc thẻ có thể thanh toán tại các POS của một số ngân hàng trong liên minh.
- Mở rộng các dịch vụ ngân hàng quốc tế như dịch vụ phái sinh, dịch vụ quản lý vốn, chuyển tiền kiểu hối.
Hiện cả nước đã có tới 16 triệu thẻ ATM và các loại thẻ tích hợp mới với nhiều tính năng mới và có tính bảo mật cao hơn. Mạng lưới ATM và POS được đầu tư mở rộng không ngừng, các dịch vụ gia tăng trên ATM đã đem lại cho khách hàng nhiều tiện ích hơn, giảm chi phí, thúc đẩy luồng tiền chu chuyển nhanh, tăng nguồn vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, các dịch vụ này cũng mang đến nhiều rủi ro cho người tiêu dùng và ngay chính NHTM khi khả năng quản lý rủi ro còn hạn chế, biện pháp phòng chống gian lận, bảo mật, an toàn tốt chưa đủ, chưa có sự hợp tác giữa các ngân hàng trong phát triển dịch vụ, tính ổn định và chất lượng dịch vụ còn cách khá xa so với chuẩn quốc tế.
Năm 2010, Việt Nam thực hiện mở cửa hoàn toàn thị trường dịch vụ ngân hàng; loại bỏ căn bản các hạn chế tiếp cận thị trường dịch vụ ngân hàng trong nước, các giới hạn hoạt động ngân hàng (qui mô, số dịch vụ ngân hàng được phép...) đối với các tổ chức tín dụng nước ngoài, thực hiện đối xử công bằng giữa tổ chức tín dụng trong nước và tổ chức tín dụng nước ngoài; giữa các tổ chức tín dụng nước ngoài với nhau theo các nguyên tắc đối xử tối huệ quốc, đối xử quốc gia và các nguyên tắc khác trong Thoả thuận GASS/WTO. Như vậy, người tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam sẽ có nhiều lựa chọn hơn, đồng thời phải đối mặt với rủi ro cao hơn trong khi phần lớn chưa nắm được quyền của mình khi mua và sử dụng các dịch vụ này. Đơn giản nhất là với thẻ ATM, đa phần chủ thẻ không hiểu và sử dụng hết tiện ích của thẻ mà chỉ mới dùng để rút tiền mặt; không biết xử lý khi bị “nuốt” thẻ hoặc quên số pin; cá biệt có trường hợp bị đánh cắp số pin dẫn tới mất tiền. Ngoài ra, hiện tượng máy ATM không hoạt động do quá tải xảy ra khá phổ biến trong các dịp lễ, tết, vào giai đoạn trả lương làm cho người có tiền không thể rút được tiền, người tiêu dùng không biết kêu ai…
Khuôn khổ pháp lý bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính và người gửi tiền
Quan hệ giữa NHTM và công chúng nói chung và người sử dụng dịch vụ ngân hàng nói riêng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam khi mối quan hệ này chủ yếu dựa vào niềm tin. Thực tế cho thấy, cơ chế kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ ngân hàng phức tạp, khó thực hiện đã ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tính đến năm 2009, có tới 80% vốn cho nền kinh tế trong tổng số 1,7 triệu nghìn tỷ đồng quy mô tín dụng phụ thuộc và hệ thống NHTM. Nguồn tiền huy động từ dân cư (người gửi tiền cá nhân) được coi là nguồn vốn ổn định và chiếm tỷ lệ không nhỏ trong nguồn vốn của ngân hàng, được coi là “đệm” cho hoạt động của ngân hàng. Vì vậy, nếu người gửi tiền mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng sẽ gây hậu quả khó lường cả về chi phí kinh tế và chi phí xã hội. Sự sụp đổ của hệ thống QTDND những năm 1990, bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và gần đây nhất là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 cho thấy nếu bảo vệ người gửi tiền hiệu quả hơn sẽ góp phần bảo đảm hệ thống ngân hàng phát ổn định và triển bền vững.
Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng được xây dựng và trình Quốc hội vào tháng 5/2010 với 8 chương và 67 điều trong đó gồm hai định hướng cơ bản là coi người tiêu dùng có vị trí thứ yếu trong quan hệ với nhà sản xuất, kinh doanh và sử dụng sức mạnh thị trường để bảo vệ người tiêu dung qua việc loại bỏ các doanh nghiệp có hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nội dung dự thảo này vẫn “bỏ sót” những sản phẩm dịch vụ mới phát sinh trong nền kinh tế thị trường trong đó có thể kể tới dịch vụ tài chính.
Hiện tại chỉ có người sử dụng dịch vụ gửi tiền được bảo vệ bởi Luật Các tổ chức tín dụng và Nghị định 89/1999/NĐ-CP và Nghị định 109/2005/NĐ-CP của Chính phủ về BHTG. Tuy nhiên, những quy định này đều chưa đầy đủ hoặc mang tính pháp lý chưa cao, nên việc bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ ngân hàng còn có những bất cập nhất định. Theo đó, trên cơ sở các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ người gửi tiền hiện có, cần nâng địa vị pháp lý những quy định này thành Luật Bảo vệ người gửi tiền hoặc Luật BHTG đồng bộ với các văn bản luật điều chỉnh hoạt động ngân hàng theo thông lệ quốc tế, đảm bảo rằng:
- Luật này bảo đảm cho tổ chức BHTG có đủ thẩm quyền pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng và xử lý các tổ chức tham gia BHTG có vấn đề một cách kịp thời và hiệu quả;
- Luật quy định rõ về phạm vi, nội dung hoạt động nghiệp vụ BHTG để bảo vệ người gửi tiền như giám sát, kiểm tra, chi trả, xử lý;
- Người gửi tiền được ưu tiên hơn các chủ nợ khác trong quá trình thanh lý tổ chức tham gia BHTG có vấn đề.
Tóm lại, để bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính hiệu quả khi Viêt Nam đã và đang trong quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới, cần xem xét nghiên cứu xây dựng một Bộ luật riêng phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội. Trước mắt, cần khẩn trương xây dựng Luật BHTG để bảo vệ người gửi tiền - thành phần quan trọng trong những người tiêu dùng của dịch vụ tài chính, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động cho hệ thống NHTM Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính trong bối cảnh hội nhập
Tổ chức Người tiêu dùng Quốc tế  lấy chủ đề   “Dịch vụ tài chính” với khẩu hiệu: “Tiền của chúng ta, quyền của chúng ta” cho ngày Tiêu dùng thế giới (15/3/2010) để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng  sử dụng dịch vụ chính. Điều đó cho thấy bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính nhận được nhiều quan tâm, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam xem xét nghiên cứu đưa ra các chính sách bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính tốt hơn.