Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt và đặt niềm tin sâu sắc vào thế hệ trẻ, đặt thế hệ trẻ ở vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người khẳng định vai trò to lớn của tuổi trẻ trong sự phát triển và trường tồn của dân tộc: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”.
Thế hệ trẻ từ bao đời nay vẫn luôn là lực lượng chính đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển những giá trị tốt đẹp của quê hương, của quốc gia, dân tộc. Thế hệ trẻ trong thời đại 4.0 hiện nay là lớp người năng động dám nghĩ, dám làm, có cơ hội tiếp cận các kiến thức Đông – Tây, kim - cổ qua hàng loạt các kênh thông tin. Đây là mặt mạnh, tiêu biểu của thế hệ trẻ thời nay, tuy nhiên cũng là một nguy cơ, thách thức tạo ra một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ có lối sống hưởng thụ, “hòa tan” trong bối cảnh hòa nhập, quên đi những giá trị lịch sử hào hùng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Vì vậy, việc “Bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc; nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với đất nước và xã hội” là một việc làm cấp thiết trong thời đại hiện nay.
Như chúng ta đã biết, cả thế giới trong đó có Việt Nam đang nỗ lực từng ngày trong công cuộc chuyển đổi công nghệ số 4.0. Thời đại công nghệ số 4.0 sẽ mang đến cho chúng ta những sản phẩm tinh vi nhất, hiện đại nhất, trí tuệ nhận tạo sẽ thay thế phần lớn con người trong hầu hết các lĩnh vực. Đằng sau sự hiện đại đó, con người sẽ mất dần sự tương tác với nhau, từ đó sẽ làm phai nhạt dần các truyền thống tốt đẹp bao đời nay của dân tộc Việt Nam chúng ta, nhất là ở thế hệ trẻ như:
Thứ nhất, truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, vì khái niệm "thầy" thời đại 4.0 cũng có nhiều thay đổi. Nếu như trước đây chỉ giáo viên mới có thể đứng lớp và giảng dạy, thì thời đại 4.0, nhờ có sự hỗ trợ của công nghệ, bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào chu trình giáo dục và trở thành thầy. Lớp học online cũng khiến mối quan hệ giữa học sinh với giáo viên cũng như học sinh với học sinh không thể gần gũi, tình cảm như giáo dục truyền thống… Từ đó mà sự kính trọng của học sinh dành cho thế hệ nhà giáo cũng vì thế mà phai nhạt dần.
Thứ hai, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Truyền thống này trở nên mai một trong giáo dục từ gia đình đến nhà trường, cơ quan cũng như xã hội. Đó là vì những trang sách trong nhà trường từ bậc tiểu học đến THPT đang mất dần những khổ thơ, bài văn ca ngợi về quê hương, đất nước, về những tấm gương anh hùng trong lịch sử dựng nước, giữ nước. Học sinh ngày nay, một con số không nhỏ không biết đến các tên tuổi lịch sử như Kim Đồng, Võ Thị Sáu… Trong gia đình, từ thói quen, cách sống, cách xử sự của người lớn cũng ảnh hưởng rất lớn tới việc hình thành tính cách, lòng biết ơn của thế hệ trẻ. Trong môi trường làm việc, việc thế hệ trẻ có thể đối diện với những cuộc cạnh tranh cả lành mạnh lẫn không lành mạnh của đồng nghiệp là điều không hiếm. Và trong xã hội, khi mọi thông tin tích cực cũng như tiêu cực ai ai cũng dễ dàng tiếp cận... khiến cho lòng biết ơn trong thế hệ trẻ cũng mai một dần.
Thứ ba, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái. Lịch sử mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước đã cho chúng ta thấy sức mạnh của sự đoàn kết, có đoàn kết là có thành công. Tuy nhiên, thời đại 4.0 cũng sinh ra một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ cho rằng mình có thể tự làm tất cả. Trong khi cả xã hội cùng nhau chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ người dân chịu mất mát, đau thương ở những vùng thiên tai, lũ lụt… thì vẫn có những con người của thời đại 4.0, của khoa học máy tính thờ ơ khi gặp một vụ tai nạn trên đường hay gặp người già, trẻ em lang thang, cơ nhỡ… cần nhận được sự giúp đỡ.
Thứ tư, truyền thống mà người dân ta bao đời nay vẫn tự hào là đức tính cần cù lao động. Tuy nhiên, xã hội thời nay đã bàn luận rất nhiều về xu hướng đang tạo ra một thế hệ vô ơn, chỉ biết hưởng thụ. Bên cạnh những tấm gương về cần cù, sáng tạo trong lao động thì ta cũng gặp không ít các bạn trẻ sinh ra chỉ để hưởng thụ, không đưa ra được mục tiêu, lý tưởng cho cuộc sống của mình, lười biếng, ỷ lại…
Thứ năm, truyền thống yêu nước. Nước Việt Nam ta được phồn vinh, hạnh phúc như ngày hôm nay nhờ vào sự hi sinh xương máu của biết bao thế hệ cha ông. Cuộc chiến tranh gần nhất cũng đã kết thúc hơn 30 năm, những người con của đất nước trong cuộc kháng chiến đó nay cũng không còn nhiều. Đó là những nhân chứng sống của lịch sử, giúp cho bao thế hệ sau này hiểu rõ hơn về sự hi sinh của những vị anh hùng và ghi nhớ công ơn. Tuy nhiên, thế hệ trẻ 4.0 hầu như đã không có nhiều tiếp cận với nhân chứng lịch sử, với những trang sử ghi lại chiến thắng chấn động địa cầu của thế hệ ông cha… Vì vậy, lý tưởng, lòng yêu nước cũng phai nhạt. Nhiều tài năng của đất nước lựa chọn cuộc sống phương Tây, các nước kinh tế phát triển thay vì mang tài năng, trí tuệ về phục vụ nước nhà…
Và còn nhiều truyền thống tốt đẹp nữa của dân tộc Việt Nam đang bị mai một dần bởi một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ sinh ra trong thời bình, trong hoàn cảnh ấm no, đủ đầy. Bản thân thế hệ 7x, 8x không phải trực tiếp tham gia các cuộc đấu tranh giành hòa bình, thống nhất đất nước nhưng chúng tôi cũng trải qua những năm tháng khó khăn, vất vả, chứng kiến sự hi sinh của lớp lớp cha ông để có một Việt Nam hòa bình, thống nhất, sánh vai với các cường quốc năm Châu như ngày nay. Chúng tôi thấy trân trọng, tự hào và không khỏi xót xa với những hi sinh, mất mát của những người chiến sĩ nơi chiến trận, của những người vợ, người mẹ nơi hậu phương, của những ngôi mộ chưa xác định danh tính trong các nghĩa trang liệt sĩ… Nhưng khi ôn lại những thước phim mang ý nghĩa lịch sử quý giá này thì một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ không quan tâm, thậm chí vô cảm trước những giọt nước mắt đầy đau thương, xúc động của lớp người đi trước.
Vì vậy, trong thời đại hiện nay, việc bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ là một việc hết sức cần thiết, qua đó để nêu cao tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với đất nước và xã hội, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của thế hệ cha ông ngàn đời nay. Và nhiệm vụ này không chỉ của riêng ai, mà là sự chung tay vun đắp từ gia đình, nhà trường đến xã hội. Với cá nhân tôi nhận thấy, cần thực hiện tốt một số các giải pháp như sau:
Một là, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là tổ chức Đoàn về vị trí, vai trò của thế hệ trẻ trong giai đoạn cách mạng mới.
Theo số liệu thống kê của Ủy ban Quốc gia về thanh niên, Việt Nam có hơn 22,1 triệu người trong độ tuổi thanh niên, chiếm khoảng 22,5% dân số cả nước và gần 36% lực lượng lao động. Đây là lực lượng hùng hậu, có mặt trên tất cả các địa bàn, lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước; là lực lượng đang ở độ tuổi nhiệt huyết nhất, sung sức nhất về cả thể chất và trí tuệ, nhất là trong thời đại 4.0, họ là thế hệ năng động, nhiều sáng tạo, là lực lượng có nhiều tiềm năng giúp đất nước Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập.
Do đó cấp uỷ, chính quyền các cấp, nhất là tổ chức Đoàn cần phải có nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của của thế hệ trẻ trong giai đoạn cách mạng mới để khơi dậy tiềm năng, phát huy tối đa được sức trẻ trong thanh niên góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Hai là, việc giáo dục lý tưởng cách mạng đối với thanh niên trong giai đoạn cách mạng mới để phát huy sức trẻ trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước là việc của cả gia đình, nhà trường và xã hội.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Người nhấn mạnh: Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng" vừa "chuyên". Sinh thời, Người luôn quan tâm đặc biệt và đặt niềm tin sâu sắc vào thế hệ trẻ, đặt thế hệ trẻ ở vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người khẳng định vai trò to lớn của tuổi trẻ trong sự phát triển và trường tồn của dân tộc: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”.
Lý tưởng cách mạng là định hướng giá trị cốt lõi, xuyên suốt, lâu dài, là mục tiêu phấn đấu của Đảng, của toàn dân tộc và mỗi người Việt Nam về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, mục đích làm cho “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì vậy, việc nhận thức sâu sắc và hiện thực hóa từng bước lý tưởng cách mạng đó phù hợp với nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ cách mạng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và của mỗi người dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Giáo dục lý tưởng cách mạng đối với thanh niên trong giai đoạn cách mạng mới để phát huy sức trẻ trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước là việc chung tay của cả gia đình, nhà trường và xã hội.
Ba là, thường xuyên đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, mà trước hết là giáo dục chính trị, tư tưởng để giúp thế hệ trẻ có nhận thức đầy đủ và sâu sắc về sứ mệnh lịch sử của mình trong thời kỳ cách mạng mới, quyết tâm đi đến cùng con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.
Cả hệ thống chính trị và mỗi người trưởng thành cần là tấm gương sáng đồng thời làm tốt hơn nữa công tác giáo dục cho thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá; nâng cao lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc; đặc biệt là nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng xây dựng đất nước và nhận thức rõ sứ mệnh lịch sử và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, giúp thế hệ trẻ giác ngộ, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội. Góp phần tích cực đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ có đủ phẩm chất, năng lực làm nhiệm vụ xung kích, sáng tạo, kế tục sự nghiệp vẻ vang của Đảng, thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Bốn là, phát huy vai trò tiên phong, xung kích, sáng tạo của thế hệ trẻ.
Luôn khích lệ, động viên thế hệ trẻ nghiên cứu, sáng tạo, đưa ra cách làm mới, không ngại khó, ngại khổ, thất bại là để thành công. Để phát huy vai trò tiên phong, xung kích, sáng tạo của thế hệ trẻ trong tham gia các phong trào, cần có nhiều hình thức và biện pháp phù hợp để khơi dậy tiềm năng to lớn của thế hệ trẻ, động viên đi đầu trong lao động, sản xuất, sáng tạo, thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tình nguyện trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong những việc khó, việc mới; sẵn sàng chia sẻ vì cộng đồng; xung phong đến với những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đến với những người nghèo, người yếu thế; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần.
Để làm được như vậy cần có nhiều hình thức hoạt động phong phú, đa dạng, phù hợp với thế hệ trẻ, lôi cuốn thế hệ trẻ tham gia tích cực trên các lĩnh vực, các địa bàn khó khăn, thể hiện rõ vai trò xung kích của thanh niên với tinh thần: đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên.
Năm là, tạo môi trường thúc đẩy tính tích cực xã hội, nâng cao năng lực hội nhập quốc của thanh niên.
Trong thời đại 4.0, hội nhập quốc tế hiện nay, việc tìm hiểu, giao thoa về văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội trong khu vực cũng như trên thế giới là điều cần thiết. Chúng ta học hỏi cách làm mới, hòa nhập nhưng không hòa tan… Vì vậy, việc tạo môi trường để thanh niên rèn luyện các kỹ năng xã hội, tham gia xây dựng đời sống văn hóa; tham gia giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, văn thể mỹ, phát triển thể lực; phát huy tính tích cực xã hội của thanh niên; sống trung thực trách nhiệm, xây dựng gia đình hạnh phúc; tham gia giám sát phản biện xã hội là cần thiết. Cần nâng cao nhận thức cho thanh niên về vai trò của kỹ năng xã hội; tạo điều kiện để thanh niên chủ động tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế, qua đó nâng tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã nêu rõ: “Xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học - công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Vì vậy, cần tạo điều kiện để thanh niên chủ động tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như tham gia có hiệu quả vào giải quyết các vấn đề toàn cầu, như: giữ gìn hòa bình, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, chống khủng bố, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, phòng ngừa và đẩy lùi các dịch bệnh hiểm nghèo... góp phần nâng cao vị thế, tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế.
Sáu là, quan tâm đến nhu cầu, lợi ích của thanh niên.
Triết học Mác-LêNin khẳng định rằng: Động lực sâu xa thúc đẩy con người hoạt động chính là lợi ích. Xuất phát từ những nhu cầu tối thiểu, cơ bản, cần thiết của con người hiện thực thì nhu cầu đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với hoạt động của con người. Để đáp ứng những nhu cầu về vật chất và tinh thần, con người tự mình hoặc liên kết với các cá nhân khác để thỏa mãn. Và khi nhu cầu được thỏa mãn, điều đó có nghĩa là lợi ích được đảm bảo.
Như vậy, việc bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên hiện nay đòi hỏi phải đáp ứng các nhu cầu, lợi ích hợp lý, chính đáng, thiết thực của thanh niên về nhiều mặt, nhất là vấn đề việc làm, thu nhập; việc tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội; sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn hóa. Được quan tâm đến nhu cầu, lợi ích, thế hệ trẻ có nhiều động lực để phấn đấu, để cống hiến, góp phần to lớn và ý nghĩa cho sự phát triển bền vững của đất nước Việt Nam, đưa Việt Nam tự tin vươn tầm quốc tế. Như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”…
Nguyễn Thị Lan Phương
SN 28/10/1980
Chức vụ: Phó Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc
Đơn vị công tác: Chi nhánh BHTGVN khu vực Tây Bắc Bộ
Sđt: 0914926468
Email: Nguyen-lan.phuong@div.gov.vn