Hoạt động giám sát tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG) của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc triển khai chính sách BHTG tại Việt Nam nhằm thực hiện hai nhiệm vụ chính là: Bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và góp phần đảm bảo hoạt động an toàn của hệ thống ngân hàng.
Tại Chi nhánh BHTGVN khu vực Đông Bắc Bộ (Chi nhánh), hoạt động giám sát tổ chức tham gia BHTG là quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) luôn được quan tâm triển khai theo đúng quy trình giám sát thống nhất, đồng bộ. Đặc biệt, sau khi Luật BHTG có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013, hoạt động giám sát hệ thống QTDND càng được Chi nhánh đẩy mạnh hơn.
Hiện nay, Chi nhánh đang quản lý nhiều tổ chức tham gia BHTG là QTDND (282 QTDND) nằm rải rác trên địa bàn rộng gồm 11 tỉnh, thành phố (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và TP. Hải Phòng).
Trước đây, khi chưa có sự hỗ trợ của hệ thống công nghệ thông tin, các đơn vị gửi báo cáo cho BHTGVN bằng văn bản qua đường bưu điện. Phương pháp này thường chậm chễ, hay bị thất lạc và báo cáo thường không đầy đủ, khiến công tác giám sát gặp không ít khó khăn. Từ khi BHTGVN hỗ trợ xây dựng hệ thống truyền tin cho các tổ chức tham gia BHTG (năm 2007), thay vì gửi báo cáo bằng giấy, các đơn vị gửi báo cáo điện tử cho BHTGVN qua đường truyền internet. Đây là một ứng dụng nghiệp vụ, đảm bảo tính đúng đắn, tin cậy, xác thực, chống chối bỏ của các báo cáo gửi đi và nhận được, giúp các đơn vị tiết kiệm được nhiều chi phí và nhận được báo cáo kịp thời và đầy đủ hơn. Mặc dù thời gian đầu triển khai, Chi nhánh gặp không ít khó khăn như: Cấu trúc văn bản báo cáo giữa đơn vị và BHTGVN chưa phù hợp; trang thiết bị tin học tại nhiều đơn vị còn lạc hậu, phần mềm kế toán được sử dụng tại các đơn vị bị lỗi, các đơn vị sử dụng nhiều loại phần mềm kế toán do các nhà cung cấp khác nhau, vì vậy cán bộ hỗ trợ truyền tin gặp nhiều khó khăn, mất thời gian nghiên cứu, khắc phục… Tuy nhiên, nhận thấy được tầm quan trọng cũng như tính hữu dụng của ứng dụng này, Chi nhánh đã nỗ lực, cố gắng từng bước khắc phục những khó khăn trên. Kết quả, các đơn vị gửi báo cáo bằng văn bản điện tử tăng dần qua từng năm. Đến nay, Chi nhánh có 270/282 đơn vị đăng ký truyền tin điện tử về BHTGVN. Chi nhánh tổ chức hỗ trợ cài đặt, hướng dẫn cho các đơn vị thực hiện và hàng tháng thường xuyên duy trì từ 250-266/282 đơn vị gửi báo cáo điện tử thành công về BHTGVN, đạt tỷ lệ khoảng 90%, chiếm 60% tổng số đơn vị truyền báo cáo điện tử thành công trong toàn hệ thống.
Nhờ có hệ thống dữ liệu thông tin đầu vào đầy đủ, chính xác, được cập nhật nhanh chóng do công tác hướng dẫn truyền tin mang lại, công tác giám sát của Chi nhánh cũng được nhanh chóng và đảm bảo chất lượng hơn, từ đó cán bộ nghiệp vụ không phải nhập thủ công từ báo cáo giấy và có nhiều thời gian để nâng cao chất lượng công tác tổng hợp, phân tích, đánh giá hoạt động của từng đơn vị. Tính đến 31/12/2015, thông qua công tác giám sát tại 100% các tổ chức tham gia BHTG là QTDND, đa số các quỹ đều có cơ cấu nguồn vốn - tài sản tương đối lớn và hợp lý (tổng nguồn vốn bình quân là 62,95 tỷ đồng/đơn vị); Vốn huy động và dư nợ tăng trưởng đều; Chất lượng tài sản “có” cụ thể là tỷ lệ Tài sản có sinh lời/Tổng tài sản có được duy trì ở tỷ lệ khá cao, đạt từ 75% trở lên; kết quả kinh doanh hầu hết có lãi.
Sau kết quả giám sát, Chi nhánh tiến hành phân loại theo 5 mức, đối với những đơn vị có biểu hiện vi phạm nghiêm trọng các quy định an toàn trong hoạt động, Chi nhánh thực hiện giám sát riêng, tổ chức nắm tình hình trực tiếp tại đơn vị khi cần thiết hoặc trao đổi, phối hợp chặt chẽ với các Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố trên địa bàn trong việc chỉ đạo, điều hành, giúp đơn vị khắc phục, chỉnh sửa các sai sót và có biện pháp phòng ngừa rủi ro, chuẩn bị xây dựng kịch bản và lên phương án để sẵn sàng xử lý khi có xảy ra hiện tượng đột biến rút tiền gửi. Trải qua gần 15 năm thực hiện, qua công tác giám sát, Chi nhánh đã phát hiện hàng trăm lượt đơn vị vi phạm phí BHTG và an toàn trong hoạt động ngân hàng, từ đó có cảnh báo kịp thời tới các tổ chức tham gia BHTG.
Như vậy, công tác hướng dẫn truyền tin giúp việc thu thập thông tin đầu vào, phục vụ cho hoạt động giám sát của BHTGVN nói chung và Chi nhánh nói riêng nhanh chóng, đầy đủ và chính xác hơn, qua đó nâng cao chất lượng của công tác cảnh báo sớm, đưa kết quả hoạt động giám sát từ xa trở thành một kênh thông tin quan trọng cho công tác chỉ đạo điều hành và hỗ trợ cho các hoạt động nghiệp vụ khác tại Chi nhánh. Hay nói cách khác, công tác hướng dẫn truyền tin đã và đang đem lại hiệu quả và nâng cao chất lượng cho hoạt động giám sát tại Chi nhánh./.