“Mặc dù chỉ có một chỉ tiêu mà Chính phủ giao cho NHNN trong Nghị quyết 19 là đến năm 2020 tiếp cận tín dụng thuộc nhóm 30 nước đứng đầu thế giới, song đó là mục tiêu vô cùng khó”, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú - Thủ trưởng hành chính cơ quan NHNNTW, thành viên Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ cho biết.
Vì vậy để hoàn thành trọng trách này, kế hoạch đưa chỉ số tiếp cận tín dụng thuộc nhóm 30 nước đứng đầu thế giới theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới (WB) góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là một trong hai nội dung quan trọng mà NHNN đã đặt ra trong Quyết định 1355/QĐ-NHNN.
Từ bước đi chiến lược
Nếu nhìn vào Doing Business 2016, chỉ số tiếp cận tín dụng năm 2015 ở vị trí 28 cao hơn 2 bậc so với mục tiêu Chính phủ đặt ra cho NHNN vào năm 2016 (vị trí 30), thì dường như mục tiêu thuộc nhóm 30 nước đứng đầu thế giới về chỉ số này không phải là con đường gian nan.
Nhưng nếu nhìn sang các chỉ số tiếp cận tín dụng khác như tại báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2015-2016 (của Diễn đàn kinh tế thế giới) hiện đang xếp vị trí thứ 88, và đặt trong bối cảnh các quốc gia đều căng mình cải thiện môi trường kinh doanh và cấu phần của chỉ số này lại luôn thay đổi thì, để có thể giữ được vị trí này đòi hỏi Việt Nam phải có sự bứt phá mạnh mẽ.
Đây cũng là lý do để làm tốt vai trò đầu mối đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao điểm số và vị trí xếp hạng chỉ số thông tin tín dụng, Vụ trưởng Vụ Dự báo, thống kê tiền tệ, NHNN, Tô Huy Vũ cho biết, đơn vị đã làm một nghiên cứu về các yếu tố tác động lên chỉ số này. Theo đó, sở dĩ chỉ số tiếp cận tín dụng như tại Báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2015-2016 (của Diễn đàn kinh tế thế giới) có một phần là do các tổ chức quốc tế đánh giá chưa hết những nỗ lực cải cách của NHNN.
Một nguyên nhân khác là do năng lực của các DNNVV chưa đáp ứng đủ các tiêu chí để các TCTD thẩm định cho vay. Minh bạch thông tin của các DN thấp, dẫn đến việc bất đối xứng thông tin, các TCTD khó nắm được đặc trưng của các DN. Nhất là trong bối cảnh hiện tại đang thiếu vắng cơ chế xử lý rủi ro, tăng cường bảo vệ bên cho vay, các TCTD sẽ quan ngại hơn khi cho vay các DN dùng chính dự án đầu tư làm tài sản đảm bảo. Hệ quả tất yếu là làm hạn chế nguồn vốn tín dụng ngân hàng dẫn đến giảm điểm của môi trường kinh doanh.
Từ nghiên cứu này, Vụ Dự báo, thống kê tiền tệ đã kiến nghị các giải pháp nâng cao điểm số chỉ số tiếp cận tín dụng bằng việc chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan làm việc với các tổ chức quốc tế tìm hiểu rõ phương pháp, cách tính, ý nghĩa của Chỉ số tiếp cận tín dụng quốc gia.
Kế hoạch hành động ngành Ngân hàng cũng đã tập trung vào 4 cấu phần giúp nâng cao điểm số của chỉ số thông tin tín dụng là: mức độ sẵn có về dịch vụ tài chính; năng lực của hệ thống ngân hàng trong việc cung cấp tín dụng cho khu vực tư nhân; mức độ tiếp cận vốn của DNNVV thông qua hệ thống tài chính; mức độ phát triển của hệ thống thông tin tín dụng.
Theo đó, năng lực của hệ thống ngân hàng trong việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế sẽ được nâng cao với việc NHNN tập trung vào tăng cường năng lực tài chính của các TCTD, bảo đảm đủ vốn tự có theo chuẩn mực Basel II. Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đang được khẩn trương xây dựng là nền tảng để cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hướng tới một hệ thống các TCTD đa năng hiện đại, vững chắc, có khả năng cạnh tranh lớn hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế.
NHNN cũng đang khẩn trương xây dựng và triển khai Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ cho nền kinh tế, chiến lược quốc gia về phát triển tài chính toàn diện, phát triển hệ thống quỹ tín dụng vi mô đến hết năm 2020.
Một đột phá khác nhằm hỗ trợ DN được Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN, Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh đó chính là các giải pháp tạo điều kiện hỗ trợ DN trong việc tiếp cận vốn ngân hàng từ việc rà soát hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với quy định pháp luật và hoạt động thực tiễn.
Từ đó, hỗ trợ, tạo điều kiện cho TCTD có khả năng cam kết mở rộng tín dụng và các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là các chương trình tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn, tiếp tục thực hiện có kết quả chương trình kết nối NH - DN. Đồng thời, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành để rà soát xây dựng, sửa đổi, tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách hỗ trợ DN nhất là DNNVV thông qua quỹ bảo lãnh, quỹ phát triển DN.
NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD phải xây dựng, ban hành kế hoạch đơn giản hóa các thủ tục cho vay, cung cấp dịch vụ và lộ trình rà soát, cắt giảm các loại phí không hợp lý cho cá nhân, DN trong giai đoạn 2016-2017.
Đến lợi ích trước mắt
Ngay trong năm 2016 - 2017, một trong những đích đến mà NHNN đặt ra đó chính là duy trì chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng đạt 7/8 điểm, góp phần nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam trong nhóm 30 nước đứng đầu theo đánh giá của WB.
Đây không phải là việc làm mới của NHNN, mà đã được thực hiện trong các năm qua. Việc Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) thông qua WB để tiếp cận chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng đã góp phần đưa điểm DTF (khoảng cách tới điểm tốt nhất) cho vay vốn đạt 65 điểm trên thang điểm 100. Điểm số này đã đưa xếp hạng về sự thuận lợi vay vốn của Việt Nam năm 2015 so với khu vực Đông Á-Thái Bình Dương vị trí thứ 2, chỉ đứng sau Malaysia (DTF là 70).
Dù độ sâu của chỉ số thông tin tín dụng của Việt Nam chỉ đứng sau Malaysia, song để tiếp tục gia tăng độ sâu của thông tin tín dụng, Tổng giám đốc CIC, Đỗ Hoàng Phong cho biết đơn vị này đang vận hành cổng thông tin khách hàng vay đối với khách hàng vay cá nhân. Sau thành công triển khai thí điểm tại hai địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, từ nay đến hết 2017, CIC sẽ triển khai đến các tỉnh thành trong toàn quốc. Trong năm 2016, CIC hoàn thành cổng kết nối khách hàng vay đối với khách hàng DN và tiến hành chấm điểm đối với khách hàng vay DN bao phủ tất cả các DN kể cả DN có vay vốn và không vay vốn.
Từ đây thông qua cổng, khách hàng vay có thể tự đăng ký thông tin nhu cầu vay vốn, khai thác thông tin tín dụng, xem điểm tín dụng của chính bản thân khách hàng vay cũng như kịp thời khiếu nại, phát hiện những thông tin có sai sót. Đối với TCTD có thể tra soát danh sách khách hàng có nhu cầu tín dụng để mở rộng phạm vi khách hàng, từ đó có những biện pháp cách tiếp cận để tăng trưởng tín dụng an toàn và bền vững. CIC cũng hướng đến đây sẽ trở thành địa chỉ cho các TCTD đăng, cung cấp các sản phẩm dịch vụ liên quan đến khách hàng vay, nguyện vọng của ngân hàng.
Bên cạnh đó, CIC cũng đang xây dựng cơ chế chia sẻ mở rộng nguồn thông tin để nâng cao độ phủ của thông tin tín dụng không chỉ của khách hàng vay mà cả đối tượng khách hàng tiềm năng chưa vay vốn. Hiện đơn vị đã soạn thảo và trình Phó thống đốc phụ trách ký công văn gửi Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông để phối hợp chia sẻ thông tin thực hiện kế hoạch hành động theo Nghị quyết 19 của Chính phủ.
Những giải pháp thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào minh bạch thông tin tín dụng đặc biệt là DN cũng đã được CIC tính đến thông qua việc xem xét tự nguyện khai báo và sự chính xác của thông tin khai báo là một cơ sở chấm điểm xếp hạng tín dụng. Hệ thống đánh giá này đang được CIC triển khai phối hợp với các đối tác nước ngoài xây dựng để chủ động chấm điểm tất cả các DN kể cả khách hàng có vay vốn và chưa vay vốn đều có điểm số tín dụng.
Cùng với việc huy động nguồn hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế để nâng cao nhận thức, hiểu biết của khách hàng vay về thông tin tín dụng thông qua các hội thảo, các chương trình đào tạo, việc áp dụng hệ thống thông tin hiện đại trong khuôn khổ dự án FMISS mà CIC đã triển khai cũng kỳ vọng đem đến những thông tin thiết thực hơn về minh bạch tín dụng.
Cùng với đó, NHNN sẽ công khai trên cổng thông tin điện tử các cơ chế chính sách, văn bản pháp luật và diễn biến cơ bản trong quá trình xây dựng, ban hành cơ chế chính sách… Các TCTD cũng phải công khai quy trình các thủ tục vay, cung cấp dịch vụ với khách hàng. Đây sẽ là cơ sở để tổ chức, cá nhân nắm bắt, tiếp cận các cơ hội, đồng thời tạo điều kiện cho hệ thống TCTD hoạch định mục tiêu, phương hướng kinh doanh hiệu quả, gia tăng dòng chảy tín dụng từ đó tăng thêm lực hấp dẫn cho môi trường kinh doanh Việt Nam.