Lãi suất cho vay đã thấp hơn khoảng 0,3%
Báo cáo, giải trình một số vấn đề kinh tế - xã hội trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, việc điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2023 tiếp tục là một năm đầy khó khăn, thách thức.
Điều này diễn ra khi kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, thách thức nhiều hơn dự báo, hết khó khăn này lại đến khó khăn khác. Trong nước, những khó khăn nội tại của nền kinh tế cũng chưa thể xử lý trong một thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ như: Kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giảm mặt bằng lãi suất, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối cũng như đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng trong mọi tình huống.
“Trước khó khăn trên, NHNN đã thực hiện đồng bộ các giải pháp và công cụ chính sách tiền tệ với thời điểm và liều lượng hợp lý để đóng góp vào thành công chung của nền kinh tế. Đó là kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế” - bà Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Theo đó, khi NHNN thiết kế các chính sách điều hành tiền tệ sẽ phải ứng phó với những diễn biến cấp bách trước mắt nhưng cũng phải thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ về trung và dài hạn. Có như vậy mới đảm bảo cân đối vĩ mô một cách bền vững.
Về điều hành tín dụng, tiếp cận tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, đây là một vấn đề mà các đại biểu quan tâm nhiều nhất. Bởi vì nội tại của nền kinh tế, nhu cầu đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào vốn tín dụng của ngân hàng. Hiện dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đã ở trong các nước cao nhất thế giới và Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo.
Theo thống kê, năm 2015, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam là 89,7% thì năm 2016 là 97,6%, năm 2017 là 103,5%, năm 2018 là 102,9%, năm 2019 là 110,2%, năm 2020 là 114,3%, năm 2021 là 113,2%, năm 2022 là hơn 125%.
Thống đốc NHNN cho hay, năm 2023, NHNN đã điều hành rất linh hoạt về tín dụng khi thực hiện các giải pháp để thúc đẩy cả bên cung vốn tín dụng cũng như cầu vốn tín dụng.
Đối với chính sách bên cung, đầu năm NHNN đã đưa ra chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%. Đến gần giữa năm đã phân bổ và thông báo cho tất cả các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống với chỉ tiêu khoảng 14%.
Đồng thời, NHNN cũng đã điều hành linh hoạt để hỗ trợ thanh khoản của hệ thống để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng, thúc đẩy tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế.
Đối với chính sách bên cầu, mặc dù lãi suất thế giới tăng cao nhưng NHNN cũng rất mạnh dạn điều chỉnh 4 lần giảm lãi suất điều hành để định hướng đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm khoảng 2% so với cuối năm ngoái.
"Nếu tính cả những khoản dư nợ của các khoản cho vay cũ và vay mới thì giảm khoảng 1%. So với cuối năm ngoái và so với trước đại dịch Covid-19, lãi suất đã trở về bằng và thậm chí là giảm hơn khoảng 0,3%" - bà Hồng thông tin.
NHNN cũng đã ban hành Thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Chủ động đề xuất các gói tín dụng như: 120.000 tỷ đồng đối với tín dụng cho vay đối với nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân; gói tín dụng cho thủy sản là 15.000 tỷ đồng… Tất cả những giải pháp này đã góp phần thúc đẩy cầu tín dụng.
NHNN cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hội nghị kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp để có thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tín dụng tại các địa phương.
Tuy nhiên, theo Thống đốc, tín dụng vẫn tăng chậm, tính đến ngày 27/10/2023 tín dụng tăng 7,1% so với cuối năm ngoái.
Thống đốc cho biết, Chính phủ và NHNN cũng đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề để phân tích, mổ xẻ những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp.
Hiện nay, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cùng NHNN cũng đang thực hiện đồng bộ các giải pháp song song với những giải pháp từ phía ngân hàng. Đó là xúc tiến thương mại để tăng đơn hàng xuất khẩu và tăng cường khai thác cầu nội địa để doanh nghiệp có đầu ra và có dự án khả thi thì sẽ tiếp cận được tín dụng.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho bất động sản và tổ công tác cũng như Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh cũng đã nhận diện được khoảng 70% nguyên nhân dẫn đến những khó khăn đó là về pháp lý. “Khi những yếu tố về pháp lý được tháo gỡ thì chắc chắn tín dụng cũng sẽ được tăng theo quá trình này” - bà Hồng nói.
Đối với đặc thù doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chiếm đến 95% tổng số doanh nghiệp trong cả nước, bà Hồng cho rằng, những doanh nghiệp này vừa khó khăn trong cạnh tranh cũng như tiềm lực tài chính. Do đó, NHNN đã nhiều lần có kiến nghị là phải tăng cường các giải pháp như bảo lãnh vay vốn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát để làm sao giảm thiểu thủ tục hành chính cũng như hồ sơ vay vốn trong quá trình xem xét tín dụng.
Số tiền hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp đạt hơn 780 tỷ đồng
Trước đó, báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau gần 2 năm triển khai cho thấy việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong hoàn cảnh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Báo cáo cụ thể kết quả thực hiện các chính sách theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Tính đến hết tháng 9/2023 giải ngân các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 43 đã đạt hơn 96,4 nghìn tỷ đồng.
Theo đó, đến cuối tháng 8/2023, số tiền hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 781 tỉ đồng, tương đương khoảng 1,95% nguồn lực được Quốc hội quyết định, dư nợ đạt gần 57.000 tỷ đồng cho hơn 2.100 khách hàng.
Bên cạnh đó, tính đến hết tháng 9/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân tín dụng ưu đãi đạt hơn 21.000 tỷ đồng cho hơn 366.000 lượt khách hàng; đã giải ngân khoảng 3.679,3 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho 128.746 lượt người sử dụng lao động và 5.194.162 lượt lao động.
Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, tiếp tục giao Chính phủ triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Trong điều kiện tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2023 thấp, giải ngân vốn của Chương trình chậm, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất này.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, các chính sách triển khai thực hiện đã có tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đóng góp quan trọng trong các kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2022 và 2023, đưa đất nước ra khỏi giai đoạn khó khăn, được cử tri, nhân dân đánh giá cao và cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Về nội dung Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định liên quan đến việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã quy định thời hạn thực hiện các chính sách của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đến hết ngày 31/12/2023.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, trong điều kiện tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2023 thấp, giải ngân vốn của Chương trình chậm, đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất này; đối với số vốn không giải ngân hết kế hoạch sau khi kết thúc thời gian giải ngân của Chương trình, trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Luật Ngân sách nhà nước.
Nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất với đề xuất tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ 2%
Theo đó, đại biểu Nguyễn Thành Trung (đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái) bày tỏ tán thành với kiến nghị của Chính phủ là từ nay đến cuối năm 2023, đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ 2% cho doanh nghiệp. Đối với số không giải ngân hết mà dự kiến nguồn kinh phí còn rất lớn thì sau khi kết thúc thời hạn giải ngân của chương trình tức là cuối năm nay, đề nghị trình Quốc hội cho hủy dự toán và không tiếp tục thực hiện nữa, thực hiện theo đúng của luật, quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Còn đại biểu Đặng Hồng Sỹ (tỉnh Bình Thuận) đánh gía cao chính sách về hỗ trợ lãi suất 2% gói 40.000 tỷ theo Nghị quyết 43 thông qua các ngân hàng thương mại. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 31 vào tháng 5/2022 nhưng đến tháng 8/2023 mới chỉ giải ngân được 781 tỷ, chưa được 2% so với tổng gói 40.000 tỷ. Qua tiếp xúc cử tri, đại biểu Đặng Hồng Sỹ cho biết, hiện tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được chính sách này chỉ có hơn 20%, gần như doanh nghiệp và hộ kinh doanh không tiếp cận được chính sách này. Nguyên nhân là do thủ tục để được cho vay rất khó khăn, chứ không phải nằm ở việc doanh nghiệp sợ thanh tra, kiểm tra mà không dám vay vốn.
Đại biểu Đặng Hồng Sỹ đề nghị Chính phủ đánh giá lại vấn đề này, bởi thực tế là các hộ kinh doanh và doanh nghiệp rất cần nguồn vốn này nhưng do điều kiện, thủ tục cho vay quá rườm rà, trong đó khảo sát thì thấy gần 60% doanh nghiệp cho là thủ tục quá rườm rà không muốn tiếp cận vốn này vì điều kiện quá khó. Điều này, các ngân hàng thương mại cũng cần xem xét lại điều kiện vay.
Đại biểu Đặng Hồng Sỹ cho rằng, cần gia hạn thêm hỗ trợ 2% lãi suất vay cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhưng cần tính toán cải tiến lại điều kiện cho vay, tức phải sửa đổi điều kiện cho vay vốn, theo Nghị định 31 làm sao để thuận lợi nhất trong tiếp cận nguồn vốn này để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
MH và NH (thực hiện)