Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Đông – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) khi trao đổi với Phóng viên Thời báo Ngân hàng.
Ông có thể cho biết dòng vốn đang chảy vào lĩnh vực nào trong gần 8 tháng qua?
Có thể thấy rõ, đây là năm thứ hai tín dụng đã tăng trưởng ngay từ những tháng đầu năm, và đến ngày 19/8 tín dụng đã tăng 8,78% so với cuối năm 2015. Nếu nhìn lại 5 năm gần đây thì 3 năm đầu (2011-2013) tăng trưởng tín dụng quý I thường âm, còn quý II thì tăng từ 3 - 4%. Nhưng từ năm 2015 và 6 tháng đầu năm nay, tín dụng đã tăng tốt hơn, chứng tỏ nền kinh tế phục hồi, ổn định vững chắc.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng của thiên tai như rét đậm rét hại ở miền Bắc hồi đầu năm, hạn hán ở khu vực Tây Nguyên và xâm ngập mặn ở khu vực Tây Nam bộ... Chính vì vậy, con số dư nợ cho vay riêng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 6,7% so với cuối năm 2015 cũng là sự nỗ lực của hệ thống NH.Đặc biệt, cơ cấu dòng vốn tín dụng những tháng đầu năm là rất tích cực, được tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. Chính đóng góp này sẽ tác động tích cực đến chu kỳ sản xuất những tháng cuối năm của DN, rất tốt cho nền kinh tế. Các DN có xu hướng vay vốn trở lại, bắt đầu mở rộng sản xuất, kinh doanh hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi của nền kinh tế.
Ông có thể cho biết cụ thể hơn về tín dụng cho nông nghiệp nông thôn?
Như tôi nói, riêng với tín dụng nông nghiệp, nông thôn, chưa tính dư nợ cho vay tại NHCSXH và NH Phát triển Việt Nam thì cũng đã tăng 6,7% trong gần 8 tháng qua. Dòng vốn tiếp tục được các NH triển khai cho vay và đã xuất hiện các mô hình sản xuất mới; các mô hình lớn hơn và ứng dụng công nghệ cao; sản xuất theo chuỗi trong nông nghiệp. Đây cũng là mô hình điểm, tiếp tục được nhân rộng ở các địa phương.
Trong bối cảnh 6 tháng đầu năm ngành nông nghiệp còn rất khó khăn, nhưng dòng vốn đưa vào nông nghiệp vẫn tăng tương đối, cho thấy 6 tháng cuối năm tăng trưởng của ngành nông nghiệp đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế là rất khả quan.
Mô hình cho vay theo chuỗi liên kết đã được triển khai một thời gian. Ông có thể đánh giá về phương thức cho vay này?
Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ đã chỉ đạo NHNN phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp triển khai chương trình cho vay theo chuỗi liên kết.
Đặc biệt, trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo triển khai chương trình cho vay này tại các địa phương. Sau 2 năm triển khai thí điểm mô hình cho vay theo chuỗi liên kết ứng dụng công nghệ cao, kết quả cho thấy bà con nông dân khi tham gia vào mô hình này rất ổn định đầu vào, đầu ra của sản phẩm, người nông dân cũng được hướng dẫn chuyển giao công nghệ, kỹ thuật. Với các DN tham gia mô hình này đã có sự ổn định về sản phẩm, từ đó có thể nâng cao được thương hiệu, chất lượng sản phẩm, nhất là các sản phẩm có giá trị xuất khẩu tốt hơn.
Đối với các NHTM tham gia cho vay theo chuỗi đã nhìn thấy rõ được quy trình sản xuất khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Đây là yếu tố để các NH cho vay tín chấp, cho vay với niềm tin tốt hơn, hạn chế thấp nhất những rủi ro phát sinh.
Cho vay vào các lĩnh vực ưu tiên thường có tỷ lệ nợ xấu thấp hơn những lĩnh vực khác, thưa ông?
Đúng là như vậy. Tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên có tỷ lệ nợ xấu thấp hơn hẳn so với tỷ lệ nợ xấu chung của tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Hiện nay nếu tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế xấp xỉ 5 triệu tỷ đồng, trong đó các lĩnh vực ưu tiên chiếm trên 50% dư nợ trên. Nhưng tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực ưu tiên chỉ khoảng từ 0,3 - 0,5%, thấp hơn nhiều so với mặt bằng tỷ lệ nợ xấu chung.
Điều này cũng có nghĩa rằng, lĩnh vực cho vay rủi ro như bất động sản, chứng khoán đang được NHNN siết lại?
Định hướng của Chính phủ và của NHNN là tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng để đảm bảo an toàn tín dụng, an toàn hệ thống. Vì vậy, các dự án, lĩnh vực mà rủi ro cao như kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các lĩnh vực cho vay dòng vốn thu hồi dài từ 15 - 20 năm như BOT giao thông thì phải được nắn chỉnh.
Điều này cũng nhằm đảm bảo các NHTM thực hiện kiểm soát chặt chẽ, hạn chế thấp nhất rủi ro phát sinh. Bởi trong lĩnh vực tín dụng thì ngoài rủi ro khách quan, rủi ro về năng lực tài chính của khách hàng thì còn rủi ro cho chính các NH nếu không được kiểm soát kịp thời. Vì hầu hết các NHTM là cho vay trung, dài hạn, trong khi huy động nguồn vốn ngắn hạn thấp, nên việc cân đối dòng vốn như vậy, đến một thời điểm nào đó, nếu dòng vốn không thu hồi kịp sẽ ảnh hưởng tới thanh khoản của chính NH đó.