Ngân hàng cam kết cho vay mới hơn 800.000 tỷ đồng
Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý, NHNN đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến hết quý II/2016 đã có trên 540 Hội nghị đối thoại giữa các ngân hàng với các doanh nghiệp được tổ chức tại 63 tỉnh, thành phố của cả nước nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho trên 50.000 doanh nghiệp và hơn 120.000 đối tượng khác (hợp tác xã, tiểu thương, hộ gia đình..) trong việc vay vốn, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất khoản vay cũ, cho vay mới... Cụ thể: Tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt hơn 800.000 tỷ đồng, gấp gần 4 lần mức cam kết cho vay mới tại thời điểm cuối năm 2014 (tổng số tiền cam kết cho vay mới năm 2014 là 217.000 tỷ đồng). Lãi suất cho vay mới phổ biến 6-9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 9-11%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn, giảm khoảng 1%; Gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ,… với dư nợ khoảng 80.000 tỷ đồng.
Tại TP. HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, tính đến tháng 7 vừa qua, chương trình kết nối doanh nghiệp và ngân hàng đã có sự tham gia của 16 ngân hàng với hơn 200 chi nhánh. Qua đó đã hỗ trợ 26.600 lượt khách hàng vay vốn với tổng số tiền hơn 310.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, đến nay chương trình không có nợ xấu, nợ quá hạn. “Lãi suất cho vay ngắn hạn của chương trình bằng VNĐ tối đa là 7%/năm, còn lãi suất trung và dài hạn xoay quanh mức 9%. Nhiều doanh nghiệp đánh giá đây là mức lãi suất hợp lý và ưu đãi để họ yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh” - ông Minh nói.
Thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, thời gian tới NHNN tiếp tục theo dõi, chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để hỗ trợ và phát triển cộng đồng doanh nghiệp.
Dòng vốn đang chuyển dần sang các lĩnh vực sản xuất
Gần đây, các ngân hàng triển khai nhiều gói tín dụng cho các nhóm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh với mức lãi suất thấp. 10.000 tỷ đồng cho sản xuất kinh doanh; 3.000 tỷ đồng ưu đãi doanh nghiệp nhỏ; 1.500 tỷ đồng tiếp vốn khởi nghiệp… là hàng loạt các gói tín dụng ưu đãi đang được các ngân hàng thương mại chào mời doanh nghiệp.
Với sự thay đổi trong chiến lược tín dụng của các ngân hàng, một số doanh nghiệp cũng liên tục nhận được các lời mời chào vay ưu đãi. Các doanh nghiệp này đã tận dụng cơ hội này để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhờ trả lãi ít hơn, các doanh nghiệp trong ngành nông sản xuất khẩu cũng có thể chủ động lựa chọn thời điểm hợp lý để mua nguyên liệu đầu vào và mở rộng sản xuất. Hiện tại, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm sạch đã được giảm vốn vay ngắn hạn xuống 6%.
Theo NHNN, dòng vốn đang chuyển dần sang các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là nông lâm, thuỷ sản. Tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực nông lâm, thuỷ hải sản đang tăng dần trong 3 năm trở lại đây. Vốn cho nông lâm, thuỷ hải sản nửa đầu năm 2016 tăng mạnh 9,31%, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, tốc độ tăng vốn vào ngành xây dựng lại đang giảm mạnh. Trong nửa đầu năm 2016, tín dụng vào xây dựng chỉ còn tăng 4,1%, chưa bằng 1/2 so với cùng kỳ năm 2015 và bằng chưa đến 1/2 so với tăng trưởng tín dụng vào nông nghiệp.
Lý giải về điều này, Ngân hàng Nhà nước cho rằng những quy định chặt chẽ hơn về an toàn vốn đối với các khoản cho vay trung dài han và cho vay bất động sản buộc các ngân hàng phải thận trọng hơn. Đối với các dự án rủi ro như bất động sản, chứng khoán; các lĩnh vực cho vay dòng vốn thu hồi lại rất dài như BOT, giao thông… ngành tài chính ngân hàng được yêu cầu nắn chỉnh cái dòng vốn này để đảm bảo cho cái việc là các NHTM thực hiện kiểm soát rất chặt chẽ để hạn chế cái rủi ro phát sinh.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, bước vào năm 2016, NHNN cũng xác định mục tiêu điều hành lãi suất trong năm 2016 là khó khăn. Những tháng đầu năm, một số tổ chức tín dụng có động thái tăng lãi suất huy động của thị trường I (huy động vốn từ dân cư và tổ chức). Tuy nhiên, khi Chính phủ chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, NHNN đã xác định các giải pháp để ổn định được mặt bằng lãi suất, ngăn được nguy cơ các tổ chức tín dụng tăng lãi suất trên thị trường I thông qua các giải pháp cụ thể như: Hàng ngày NHNN điều tiết lượng thanh khoản vốn khả dụng của tổ chức tín dụng dư thừa ở mức hợp lý và cho phép lãi suất liên ngân hàng ở mức tương đối thấp để hỗ trợ cho việc ổn định mặt bằng lãi suất. Đồng thời với việc đó, NHNN cũng đã hỗ trợ cho phát hành trái phiếu Chính phủ nhưng vẫn đảm bảo ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Đối với mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay, Thống đốc NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD tiết kiệm chi phí, cân đối nguồn vốn, huy động và sử dụng vốn một cách hợp lý để giảm được lãi suất cho vay. Sau đó, một số TCTD đã có động thái điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay trung, dài hạn.
Có thể thấy, tín dụng đang có chiều hướng tốt lên là một yếu tố quan trọng để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của cả kinh tế còn đòi hỏi hàng loạt các giải pháp tổng thể của Chính phủ trong Nghị quyết 19 để cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ tăng trưởng.