Bên cạnh việc hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý, cơ sở pháp lý cho phát triển TTKDTM, cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử, tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Công nghệ thanh toán tiên tiến, hiện đại; công tác đảm an ninh, an toàn hệ thống TTKDTM được coi trọng và tăng cường, phục vụ tốt cho việc cung ứng và ứng dụng các dịch vụ, phương tiện TTKDTM mới, hiện đại và phục vụ thương mại điện tử phát triển.
Tăng độ an toàn cho thẻ và nâng cáo chất lượng dịch vụ thẻ
Theo Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển, số lượng thẻ phát hành, số lượng và giá trị giao dịch thẻ tăng khá nhanh; đến cuối năm 2015, số lượng thẻ phát hành đạt mức trên 99,5 triệu thẻ (tăng 224 % so với cuối năm 2010).
Các ngân hàng thương mại (NHTM) đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, bảo hiểm, phí giao thông, thanh toán trực tuyến; đồng thời, các NHTM cũng quan tâm hơn đến việc cải thiện chất lượng dịch vụ thẻ, chú trọng tăng độ an toàn của thẻ ngân hàng.
Để đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, tăng thêm độ an toàn và tiện ích sử dụng thẻ, NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và triển khai Bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa và giao Banknetvn làm Chủ đầu tư xây dựng và triển khai Dự án; đồng thời, xây dựng Kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam, dự kiến đến cuối năm 2020, sẽ hoàn thành việc chuyển đổi sang thẻ chip đối với toàn bộ thẻ nội địa.
Tăng cường kiểm tra, giám sát với dịch vụ ATM
Đối với dịch vụ ATM, NHNN đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp khá quyết liệt, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động, rà soát, bổ sung các quy trình, quy định cần thiết trong lắp đặt, sử dụng ATM, sắp xếp lại mạng lưới ATM; phát hiện, xử lý kịp thời những sự cố phát sinh. Trong thời gian qua, mặc dù đôi khi vẫn còn xảy ra các trường hợp trục trặc, ngưng hoạt động, quá tải, nhìn chung dịch vụ ATM đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giao dịch của khách hàng, chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn được cải thiện; hệ thống được vận hành khá thông suốt và hiệu quả.
Giá trị thanh toán qua POS tăng mạnh
NHNN tập trung chỉ đạo phát triển thanh toán thẻ qua POS để nâng cao số lượng, giá trị giao dịch thanh toán qua POS, thực sự góp phần vào thúc đẩy TTKDTM. Đến nay, nhận thức chung của xã hội về thanh toán thẻ qua POS, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn, một số tỉnh có lợi thế về du lịch đã có chuyển biến rõ nét và tích cực; số lượng, giá trị thanh toán qua POS tăng nhanh, hiệu quả và chất lượng hơn. Trong năm 2015, số lượng giao dịch qua POS đạt gần 56 triệu giao dịch (tăng khoảng 70% so với năm 2014); giá trị giao dịch đạt trên 192 nghìn tỷ đồng (tăng 20% so với năm 2014).
NHNN cũng quan tâm chỉ đạo phát triển thanh toán POS trên thiết bị di động (mPOS), ứng dụng công nghệ hiện đại với chi phí thấp, dễ sử dụng và đảm bảo an toàn bảo mật, mở ra khả năng mới để phát triển nhanh các điểm chấp nhận thẻ, tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đến cuối năm 2015, NHNN đã chấp thuận cho 7 NHTM triển khai dịch vụ mPOS, được thí điểm sử dụng hóa đơn thanh toán điện tử và đạt được những kết quả bước đầu sau một thời gian ngắn thực hiện thí điểm.
Thanh toán điện tử phát triển
Hoạt động mua bán trực tuyến đang tăng lên và ngày càng phổ biến, nên thanh toán trực tuyến cũng có bước phát triển. Bộ Công thương tích cực phối hợp với NHNN trong việc phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử (TMĐT), như: Phối hợp tổ chức Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015), ký kết Thoả thuận hợp tác liên Bộ (Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và NHNN), tổ chức tọa đàm về thanh toán trong TMĐT nhằm đẩy mạnh hơn nữa thanh toán điện tử trong lĩnh vực bán lẻ và TMĐT; nghiên cứu các giải pháp giám sát, quản lý giao dịch thanh toán trong TMĐT; chuẩn bị xây dựng giải pháp thẻ thanh toán TMĐT tích hợp để thẻ thanh toán được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch TMĐT và phối hợp triển khai Chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2014-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 11/5/2014).
Việc triển khai các dịch vụ thanh toán điện tử vừa qua, đặc biệt là thanh toán qua Internet và điện thoại di động, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ khá lớn cũng như số lượng và giá trị giao dịch tăng cao (nhiều ngân hàng đạt mức tăng trên 100% hàng năm); thể hiện tiềm năng, xu hướng trong phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại, qua đó tạo thêm kênh thanh toán mới, thuận tiện và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhà cung cấp hàng hóa và cả ngân hàng. Đến nay, có trên 65 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (TCCUDVTT) triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và trên 34 TCCUDVTT cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động; trong năm 2015, thanh toán qua Internet đạt tốc độ tăng trưởng dịch vụ từ 30-50% so với năm 2014 với tổng số khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ đạt khoảng 2,2 triệu khách hàng; thanh toán qua điện thoại di động với giá trị giao dịch bình quân đạt khoảng 700.000 đồng/người/tháng (khách hàng cá nhân) và 5,8 triệu đồng/doanh nghiệp/tháng (khách hàng doanh nghiệp) với tổng số khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ đạt gần 750.000 khách hàng.