Để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội đề ra, NHNN đã đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2016 khoảng 18-20% và thông báo cho từng tổ chức tín dụng (TCTD) mức tăng trưởng tín dụng để thực hiện, đồng thời theo dõi sát diễn biến tín dụng của toàn hệ thống và của từng TCTD để có biện pháp xử lý phù hợp.
Tín dụng tăng trưởng hợp lý
Trong bối cảnh những tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế khó khăn do tình hình hạn hán, thiên tai..., từ 1/6/2016, NHNN cho phép TCTD được tự xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ trở lại để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu đến hết ngày 31/12/2016; đồng thời NHNN đã chỉ đạo các TCTD triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng. Để đảm bảo chất lượng tín dụng của hệ thống TCTD, NHNN giám sát chặt chẽ và cảnh báo TCTD có quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tín dụng 6 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng khá đều qua các tháng và là năm thứ 2 liên tiếp có tăng trưởng dương từ đầu năm. Vốn tín dụng đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, đến 24/6/2016, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ước 6,82% so với cuối năm 2015; trong khi, thời điểm này của năm 2015, mức tăng chỉ 6,73%. Cụ thể, tín dụng VND tăng 8,11% so với cuối năm 2015 và tăng 22,95% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 90,8% tổng tín dụng nền kinh tế; tín dụng ngoại tệ giảm 4,64% so với cuối năm 2016. Cũng trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng khá đều qua các tháng; đồng thời là năm thứ 2 tăng trưởng liên tiếp sau nhiều năm tăng trưởng âm hoặc tăng thấp trong các tháng đầu năm. Một điểm khá lưu ý là tăng trưởng tín dụng chủ yếu ở VND, bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tiếp tục xu hướng giảm. Diễn biến của xu hướng này hoàn toàn phù hợp với định hướng của Chính phủ và NHNN trong vấn đề đẩy mạnh sản xuất trong nước cũng như hướng tín dụng vào VND, hạn chế tình trạng “đôla hóa”.
Cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là 5 lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực được triển khai có hiệu quả bằng nguồn lực của NHNN, góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Cụ thể: Dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn của các TCTD (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đến cuối tháng 6/2016 ước đạt 886.000 tỷ đồng, tăng 4,98% so với cuối năm 2015 (cùng kỳ năm 2015 tăng 6,48%), chiếm tỷ trọng khoảng 18% tổng dư nợ nền kinh tế.
Theo số liệu do Vụ Dự báo thống kê (NHNN) cung cấp, đến cuối tháng 04/2016, dư nợ cho vay đối với 4 lĩnh vực ưu tiên tăng so với cuối năm 2015, cụ thể: Cho vay lĩnh vực xuất khẩu tăng 5,53% (cùng kỳ năm 2015 tăng 5,97%), chiếm tỷ trọng 3,41% tổng dư nợ nền kinh tế; Cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 2,62% (cùng kỳ năm 2015 tăng 2,09%), chiếm tỷ trọng 20,1% tổng dư nợ nền kinh tế; Cho vay lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển tăng 2,37% (cùng kỳ năm 2015 tăng 2,1%), chiếm tỷ trọng 2,26% tổng dư nợ nền kinh tế; Cho vay lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 1,45% (cùng kỳ năm 2015 tăng 19,77%), chiếm tỷ trọng 0,53% tổng dư nợ nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Tiến Đông, không nên lo ngại tình trạng tăng trưởng tín dụng dồn dập cho đạt chỉ tiêu vì hiện tại kinh tế vĩ mô đã phục hồi rõ nét, theo đó, cầu tín dụng cũng sôi động trở lại. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng luôn diễn biến theo mùa vụ, nghĩa là đầu năm thường tăng thấp nhưng đến nửa cuối năm tăng mạnh do nhu cầu vay mượn, chi trả, thanh quyết toán hợp đồng gia tăng.
Lãi suất cho vay tương đối ổn định
Về lãi suất, trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, lạm phát, NHNN duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành, thông qua các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo thanh khoản đưa mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp, tạo điều kiện cho các TCTD giữ ổn định lãi suất huy động. Bên cạnh đó, tại Chỉ thị số 04/CT-NHNN, từ cuối tháng 5/2016, NHNN đã chỉ đạo các TCTD thực hiện các biện pháp cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Ngày 10/6/2016, NHNN đã ban hành Công văn số 4393/NHNN-CSTT yêu cầu các TCTD xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay bằng VND và định kỳ báo cáo NHNN việc thực hiện kế hoạch và tình hình lãi suất huy động và cho vay bằng VND. Đồng thời, NHNN cũng ban hành thông tư sửa đổi quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, trong đó điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn giảm dần theo lộ trình nhằm hạn chế rủi ro thanh khoản, đã góp phần hỗ trợ giảm áp lực lãi suất cho các TCTD từ nay đến cuối năm.
Kết quả, mặt bằng lãi suất huy động sau khi tăng khoảng 0,2-0,3%/năm trong 3 tháng đầu năm thì đã duy trì ổn định và từ tháng 4/2016 từng bước được một số TCTD điều chỉnh giảm, dự kiến về cơ bản tiếp tục diễn biến ổn định trong những tháng cuối năm. Đối với lãi suất cho vay, mặc dù lãi suất huy động tăng nhẹ trong những tháng đầu năm, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay của các TCTD vẫn tương đối ổn định. Từ cuối tháng 4/2016, thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN, một số NHTM nhà nước và NHTM cổ phần đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ SXKD. Hiện mặt bằng lãi suất huy động dưới 6 tháng phổ biến ở mức 4,5-5,4%/năm; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 6,4-7,2%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn, đối với nhóm khách hàng tốt, lãi suất cho vay từ 5-6%/năm. Có thể thấy, mặt bằng lãi suất hiện nay đang ở mức đáy trong vòng 20 năm trở lại đây.