Nga tăng hạn mức, củng cố thêm công cụ tài chính cho tổ chức BHTG
Tháng 12/2014, một số đạo luật nhằm giữ vững ổn định hệ thống ngân hàng Nga, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và chủ nợ của các ngân hàng Nga đã được thông qua. Theo các quy định mới, hạn mức BHTG cho các tài khoản tiền gửi cá nhân và tài khoản doanh nghiệp cá thể đã được tăng gấp đôi lên 1,4 triệu RUB kể từ ngày 29/12/2014. Điều này sẽ giúp tăng cường khả năng bảo vệ người gửi tiền và củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng. Luật mới bổ sung phạm vi bảo hiểm đối với các tài khoản định danh mở bởi những người giám hộ và người được ủy thác. Bên cạnh đó, kể từ 1/4/2015, luật mới quy định bảo hiểm cho các tài khoản ghi sổ thanh toán cho các giao dịch bất động sản với hạn mức lên tới 10 triệu RUB. Cùng với việc thay đổi hạn mức, DIA cũng sẽ áp dụng cơ chế phí phân biệt theo rủi ro đối với các tổ chức thành viên và nhiều quy định khác về việc hỗ trợ, xử lý ngân hàng đổ vỡ.
Bangladesh, Argentina nâng hạn mức BHTG lên gấp nhiều lần
Do đồng Peso mất giá và tình trạng lạm phát tăng cao, trong năm qua, Ngân hàng Trung ương Argentina đã thưc hiện tăng hạn mức BHTG lên gấp 4 lần, từ 30.000 peso (tương đương khoảng 7500 USD) lên mức 120.000 peso (tương đương khoảng 30.000 USD).
Hồi tháng 2, Ngân hàng Trung ương Bangladesh cũng đã đề nghị tăng gấp đôi hạn mức chi trả BHTG lên 200.000 Taka (tương đương 2.600 USD) thay vì 100.000 Taka (tương đương 1.300 USD) như hiện hành.
BHTG Thái Lan và BHTG Anh giảm hạn mức bảo hiểm
Chính phủ Thái lan đã quyết định giảm hạn mức BHTG từ 50 triệu bạt (tương đương 1,54 triệu USD) xuống 25 triệu bạt (tương đương 770 nghìn USD) kể từ tháng 8/2015, và sẽ giảm tiếp xuống còn 1 triệu bạt (tương đương gần 31 nghìn đô USD) vào tháng 8/2016. Đây là động thái nằm trong lộ trình giảm hạn mức BHTG được Thái Lan đưa ra giai đoạn trước đây. Xét trong mặt bằng chung, hạn mức BHTG của Thái Lan hiện nằm ở mức cao so với các nước trong khu vực. Tỷ lệ hạn mức BHTG/GDP bình quân đầu người đối với hạn mức 50 triệu baht đạt mức rất cao, gấp 448 lần.
Ngày 3/7/2015, Ngân hàng Trung ương Anh thông báo giảm hạn mức bảo hiểm tiền gửi tại các ngân hàng Anh xuống tối đa 75.000 Bảng Anh (tương đương hơn 116 nghìn USD) và có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Ngân hàng Anh sẽ duy trì hạn mức hiện nay là 85.000 Bảng Anh (tương đương gần 131,7 nghìn USD) cho đến hết 31/12/2015. Việc tạm duy trì này giúp rằng người gửi tiền có thời gian thích hợp để lập kế hoạch và điều chỉnh lại các tài khoản tiền gửi. Những khoản tiền gửi có số dư cao tạm thời sẽ được bảo hiểm tối đa 1 triệu bảng trong sáu tháng kể từ ngày tiền được chuyển vào tài khoản của họ, hoặc là ngày mà họ được hưởng số tiền đó (áp dụng cho trường hợp thừa kế, ly hôn,…) nhằm đảm bảo rằng người gửi tiền vẫn được bảo vệ khi tiền vượt quá giới hạn trong một khoảng thời gian để họ tìm hiểu rủi ro giữa các tổ chức tín dụng để đưa ra quyết định thích hợp. Nếu một cá nhân/tổ chức gửi nhiều tài khoản trên nhiều chi nhánh của một tổ chức tín dụng thì chỉ được nhận tối đa 75.000£. Ngân hàng Trung ương Anh khuyến khích người dân truy cập trang web để nắm rõ các tổ chức tín dụng và chi nhánh của nó.
Thấy gì từ các động thái thay đổi hạn mức?
Sau cuộc khủng hoảng kinh tế với quy mô toàn cầu, năm 2014, đà phục hồi đã xuất hiện. Tuy nhiên, tới năm 2015, tăng trưởng kinh tế toàn cầu lại được dự báo thấp hơn năm 2014 do suy giảm tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi. Một xu hướng thấy rõ đối với kinh tế thế giới là sự phân hóa trong tăng trưởng ở những nhóm nước có đà hồi phục tốt và những nước có nền kinh tế tăng trưởng nóng, hoặc tăng trưởng không bền vững, lại đối mặt với những biến động kinh tế-chính trị lớn trong khu vực và quốc tế. Trước những bất ổn về tình hình tài chính, dòng vốn đầu tư chứng khoán đang có dấu hiệu chảy từ thị trường mới nổi sang châu Âu.
Trong bức tranh kinh tế thế giới như vậy, xét tổng thể những điều chỉnh trong hệ thống bảo hiểm tiền gửi các nước, có thể thấy không có một xu hướng rõ ràng nào về việc tăng hay giảm hạn mức trên quy mô rộng. Những điều chỉnh được thực hiện gần đây chủ yếu tùy thuộc vào điều kiện kinh tế cụ thể của mỗi nước cũng như phục vụ cho những chiến lược tài chính riêng của Chính phủ nước đó trong tương quan với các chính sách khác về BHTG nói riêng và tài chính ngân hàng nói chung.
Đối với hầu hết các nước mới tăng hạn mức bảo hiểm gửi trong thời gian qua, hệ thống tài chính của từng nước đều gặp vấn đề. Nga tăng hạn mức BHTG lên gấp đôi nhằm trấn an người gửi tiền, ngăn chặn dòng tiền rút ra khỏi các ngân hàng. Tính trong năm 2014, Cơ quan BHTG Quốc gia Nga (DIA) chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho 1,18 triệu người gửi tiền tại 61 tổ chức tham gia BHTG bị thu hồi giấy phép, với tổng số tiền 189,8 tỷ Rúp (khoảng 3,33 tỷ USD). Tính từ cuối năm 2014, Ngân hàng trung ương nước này đã bơm số tiền lên tới 127 tỷ ruble (2.4 tỷ USD) để giải cứu ngân hàng. Tháng 5/2015, khi ngân hàng Transportny Bank – một ngân hàng quy mô trung bình, đứng thứ 103 trong bảng xếp hạng các ngân hàng lớn nhất nước nga – đổ vỡ, Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi quốc gia Nga đã phải chi trả số tiền bảo hiểm kỷ lục lên đến 40 tỷ ruble, tương đương 800 triệu USD. Chính vì vậy, bên cạnh việc nâng cao hạn mức, Cơ quan BHTG quốc gia Nga cũng được trao thêm các công cụ pháp lý nhằm củng cố và xử lý các ngân hàng gặp vấn đề.
Không khó khăn bộn bề như Nga, song nền tài chính Argentina cũng gặp lực cản lớn khi đồng peso liên tiếp mất giá và lạm phát tăng cao ở mức 11%. Đây chính là nguyên nhân khiến nước này phải nâng hạn mức BHTG lên gấp 4 lần. Trong số các nước mới điều chỉnh tăng hạn mức, chỉ có tình hình Bangladesh là tương đối ổn định. Ngành ngân hàng được coi là xương sống của hệ thống tài chính nước này, và cho đến nay, chưa có một ngân hàng Bangladesh nào bị đổ vỡ. Với việc tăng hạn mức, tỷ lệ tiền gửi được bảo hiểm tại các ngân hàng Bangladesh sẽ tăng từ 85% lên mức 93%.
Trong nhóm các nước giảm hạn mức BHTG, Anh và Thái Lan cũng là hai trường hợp điển hình. Việc giảm hạn mức BHTG của Anh là tương thích với Chỉ thị về cơ chế BHTG EU (DGSs), theo đó, mỗi quốc gia thành viên EU phải có hạn mức BHTG tối thiểu là 100.000 euro, đồng thời cũng do chịu ảnh hưởng từ sự sụt giá 16% của đồng Euro trong Eurozone nói chung và khủng hoảng tại Hy Lạp nói riêng.
Trong khi đó, Thái Lan thực hiện giảm hạn mức nằm trong lộ trình cắt giảm đã định trước của cơ quan BHTG nước này. Khi cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 diễn ra, Thái Lan là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề. Nước này đã lập ra Quỹ phát triển các tổ chức tín dụng (Financial Institutions Development Fund) thuộc NHTW Thái Lan nhằm thực hiện bảo lãnh toàn bộ cho người gửi tiền ở các TCTD bị đổ vỡ. Năm 2008, Cơ quan BHTG Thái Lan (Deposit Protection Agency - DPA) được thành lập, cùng với lộ trình giảm dần hạn mức BHTG trong vòng 4 năm. Sau nhiều lần trì hoãn do điều kiện khách quan, Chính phủ Thái lan đã quyết định giảm hạn mức BHTG từ 50 triệu bạt (tương đương 1,54 triệu USD) xuống 25 triệu bạt (tương đương 770 nghìn USD) kể từ tháng 8/2015, và sẽ giảm tiếp xuống còn 1 triệu bạt (tương đương 30.845 USD) vào tháng 8/2016. Xét trong mặt bằng chung, hạn mức BHTG của Thái Lan hiện nằm ở mức cao so với các nước trong khu vực. Tỷ lệ hạn mức BHTG/GDP bình quân đầu người đối với hạn mức 50 triệu baht đạt mức rất cao (448 lần). Kế hoạch giảm hạn mức BHTG được cho là sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư rút các khoản tiết kiệm và đầu tư vào các công cụ tài chính khác, đặc biệt là khi lãi suất tiết kiệm của nước này chỉ còn nằm ở mức 1-2%.
Nếu chỉ ra một điểm chung giữa các quốc gia thực hiện điều chỉnh hạn mức BHTG trong thời gian qua, thì đó chính là các quốc gia này đặc biệt quan tâm tới vấn đề truyền thông về hạn mức mới tới đông đảo công chúng cũng như tới hệ thống ngân hàng, bởi nhân viên của các ngân hàng chính là những người sẽ giải thích cho người gửi tiền về việc thay đổi hạn mức. Việc thay đổi hạn mức cần được người gửi tiền nói riêng và công chúng nói chung biết và hiểu, nhằm tránh những xáo trộn tâm lý cũng như tránh ảnh hưởng tiêu cực tới thanh khoản của các ngân hàng.