Áp lực và nỗ lực ổn định
Tăng trưởng kinh tế ở mức 6,7%, lạm phát kiểm soát dưới mức 5% là hai trong những mục tiêu lớn mà Quốc hội đề ra trong năm 2016.
Trên cơ sở các chỉ tiêu này, NHNN đã xây dựng định hướng điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) năm 2016. Thống đốc còn ra nhiều văn bản (Chỉ thị 01/CT-NHNN; Chỉ thị 04/CT-NHNN; Chỉ thị 05/CT-NHNN…) cụ thể hóa nhiệm vụ cho các vụ, cục chức năng, NHNN Chi nhánh tỉnh thành phố cũng như các TCTD.
Những nỗ lực từ phía NHNN để kiên định với mục tiêu đề ra đã được ghi nhận tích cực của xã hội, đặc biệt là các chuyên gia, lãnh đạo các NHTM... Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia kinh tế cho rằng NHNN đứng trước sức ép không nhỏ trong 7 tháng đầu năm 2016.Trong 8 tháng qua, hoạt động ngành NH tiếp tục có những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong môi trường kinh tế thế giới cũng như trong nước còn nhiều khó khăn, biến động từ nay tới cuối năm, nhà điều hành chắc chắn sẽ phải nỗ lực cân đối để đạt được “thế cân bằng” với nhiều mục tiêu đề ra.
Tại buổi họp báo trung tuần tháng 8/2016 vừa qua, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định, với vai trò là người điều tiết thanh khoản, NHNN đã theo dõi sát diễn biến thị trường hàng ngày, điều tiết lượng thanh khoản hệ thống có dư thừa ở mức hợp lý, duy trì lãi suất phù hợp. Áp lực lãi suất cũng đã được “giảm nhiệt” khi nhà điều hành đưa ra Thông tư 06 (sửa đổi Thông tư 36).
Từ cuối tháng 4/2016, các NHTM Nhà nước và một số NHTMCP đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn, đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên các chuyên gia nhận định: áp lực lên lãi suất và tỷ giá thời điểm cuối năm chắc chắn sẽ còn cao khi lạm phát tiếp tục có dấu hiệu tăng; DN cần vốn cho mùa vụ kinh doanh cuối năm, người dân thì có nhu cầu rút tiền để phục vụ mua sắm, chi tiêu… sẽ khiến cho các NH căng thẳng về thanh khoản, dẫn tới tăng lãi suất.
Bên cạnh đó, khả năng điều chỉnh lãi suất trong tháng 9 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn còn dẫn đến nhiều nguyên nhân bất lợi cho lãi suất và tỷ giá trong nước.
Theo quan điểm của TS. Nguyễn Trí Hiếu, khi NHNN đẩy một lượng tiền vào lưu thông thì thanh khoản sẽ dồi dào, lãi suất có cơ sở giảm. Nhưng vị chuyên gia này cũng khuyến nghị NHNN phải tính toán để không đẩy một lượng quá lớn tiền vào trong lưu thông, vì điều này sẽ là một trong những nguyên nhân tạo ra lạm phát, khả năng giảm lãi suất lúc đó càng khó hơn.
Giữ vững lập trường
Khó khăn là có, song cũng không phải là không có cơ sở cho việc duy trì ổn định lãi suất. Bởi hiện tại, thanh khoản của các TCTD vẫn duy trì tương đối tốt. Lãi suất trên thị trường liên NH gần đây liên tục giảm và các TCTD cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với chu kỳ thiếu hụt thanh khoản những tháng cuối năm. Đặc biệt những năm gần đây với phương thức điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, NHNN luôn sớm có đối sách để điều tiết nhằm giảm căng thẳng trên thị trường.
Với tỷ giá, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc điều hành tỷ giá theo cơ chế mới qua thông báo tỷ giá trung tâm hàng ngày là thành quả đáng ghi nhận của NHNN. Lãnh đạo một NHTM thì cho rằng các chỉ số kinh tế vĩ mô như chỉ số tăng trưởng, chỉ số lạm phát... mới là vấn đề quyết định tác động lên tỷ giá. “Và cũng phải đặt vấn đề xem giá trị đồng tiền của Việt Nam đang ở đâu. Thực tế, NHNN đã và đang làm rất tốt việc ổn định giá trị, nâng cao vị thế của tiền đồng”.
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực đưa ra quan điểm: Những năm qua, trong nhóm năm công cụ điều hành CSTT, thì ba công cụ đã được NHNN sử dụng linh hoạt là lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối. Hai công cụ dường như ít được sử dụng hơn là dự trữ bắt buộc và tái cấp vốn.
Với đích ngắm là điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT, thông điệp từ NHNN đưa ra trong thời gian tới là sẽ điều tiết chủ yếu thông qua nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn với thời hạn, khối lượng và lãi suất hợp lý để hỗ trợ thanh khoản và nguồn vốn cho các TCTD, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Thời gian qua, Thống đốc NHNN đã ban hành các Chỉ thị, yêu cầu TCTD thực hiện tiết kiệm chi phí hoạt động, cân đối nguồn vốn, sử dụng nguồn vốn hợp lý để từ đó phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Thực tế, có những NHTM đã thực hiện giảm lãi suất cho vay với một số lĩnh vực, với kỳ hạn trung và dài hạn.
Ngoài hai vấn đề lớn trên, những chỉ đạo điều hành của NHNN về cơ cấu nói chung và xử lý nợ xấu nói riêng cũng sẽ có tác động nhất định đến thị trường trong những tháng cuối năm.
Lãnh đạo NHNN đã luôn quán triệt phương châm tổ chức chỉ đạo tái cơ cấu hệ thống các TCTD là quá trình thường xuyên, liên tục, không chỉ trên góc độ toàn hệ thống mà còn đối với từng TCTD. Về xử lý nợ xấu, kế hoạch thu hồi nợ của VAMC năm 2016 là 30 ngàn tỷ đồng, hiện đã thu hồi được khoảng 11 ngàn tỷ đồng.
Đại diện cơ quan này cũng cho biết thêm, tốc độ thu hồi nợ trong những tháng cuối năm bao giờ cũng tăng. Do đó kế hoạch thu hồi 30 ngàn tỷ trong năm nay có nhiều cơ sở thực hiện được, góp phần giữ tỷ lệ nợ xấu ở dưới mức 3% như mục tiêu NHNN đưa ra từ đầu năm. Theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN cũng đang hoàn thiện đề án tái cơ cấu các TCTD 2016 - 2020 gắn với việc xử lý nợ xấu và các văn bản liên quan.
Bên cạnh đó, giám sát an toàn hoạt động NH cũng là nhiệm vụ được Thống đốc NHNN chỉ đạo quyết liệt thời gian qua, với nhiều chính sách ban hành đúng thời điểm. Trong những tháng cuối năm, đây cũng là nhiệm vụ song hành với các nhiệm vụ khác của NHNN để giữ bảo đảm an toàn hệ thống, nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra.